Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổng kết thực hiện, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay

  • 14:02 | Thứ Tư, 18/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Quảng Bình. Trong suốt những năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của đội ngũ giảng viên và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động.
 
Nhà trường đã thành lập Hội đồng khoa học bao gồm các đồng chí trong Ban Giám hiệu, trưởng các khoa, phòng, các đồng chí có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hàng năm, nhà trường xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học, trên cơ sở đó để các khoa, phòng và các giảng viên đăng ký thực hiện ngay từ đầu năm.
 
Hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn của các giảng viên trong nhà trường tập trung chủ yếu giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường và những vấn đề trong quá trình lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã và đang đặt ra như: công tác tổ chức cán bộ, công tác xây dựng Đảng; quá trình xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương…
 
Nhà trường đã tổ chức xuất bản các số thông tin lý luận và thực tiễn nhằm tạo điều kiện để các giảng viên trao đổi những vấn đề đặt ra trong quá trình giảng dạy và học tập.
Đại diện lãnh đạo của trường trao chứng chỉ chuyên viên chính cho các học viên.
Đại diện lãnh đạo của trường trao chứng chỉ chuyên viên chính cho các học viên.
Với định hướng phát triển, cũng như sự quan tâm đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn thời gian qua, nhà trường đã gặt hái được kết quả đáng kể; số lượng và chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn hàng năm đều được nâng lên.
 
Chỉ tính riêng năm 2018, trường đã bảo vệ thành công đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay” và đã thực hiện thành công 7 đề tài cấp trường; năm 2020 thực hiện 9 đề tài cấp trường với nội dung cụ thể, thiết thực, phục vụ công tác đào tạo bồi dưỡng của nhà trường.
 
Hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn của trường từng bước đi vào chiều sâu, nhiều sáng kiến trong các đề tài khoa học, tổng kết thực tiễn được áp dụng trong quá trình giảng dạy, góp phần năng cao năng lực, khả năng sáng tạo của đội ngũ giảng viên trong việc nghiên cứu và giảng dạy. Nếu như trước đây, một số chương trình, môn học nhà trường phải mời lãnh đạo tỉnh, các giảng viên kiêm chức, các báo cáo viên ở các sở, ban, ngành về giới thiệu thì đến nay, cơ bản đội ngũ giảng viên trong nhà trường đã đảm nhận được.
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: tiến độ thực hiện một số đề tài khoa học vẫn còn chậm; số lượng đề tài nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh chưa được nhiều; một số đề tài nghiên cứu tính ứng dụng chưa cao; số lượng công trình tổng kết thực tiễn chưa được nhiều...
 
Sở dĩ còn tồn tại một số hạn chế trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là một số giảng viên nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn; một số giảng viên có khả năng, kinh nghiệm nghiên cứu thì đa phần là lãnh đạo, quản lý nên việc dành thời gian cho nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn không nhiều; chưa gắn công tác thi đua cuối năm với kết quả nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn nên phần nào chưa tạo nhiều động lực cho các giảng viên nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn...
 
Để nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
 
Thứ nhất, cần tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, giảng viên đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn. Cán bộ, giảng viên nhà trường phải xác định công tác nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn có tầm quan trọng ngang với công tác giảng dạy và là một hoạt động chuyên môn bắt buộc, do vậy cần phải được dành quỹ thời gian hợp lý, thực hiện một cách chủ động, thường xuyên, liên tục, có kế hoạch, nội dung cụ thể chứ không thể làm qua loa, chiếu lệ cho xong.
 
Thứ hai, tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Nhà trường thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho giảng viên những kiến thức chuyên sâu về phương pháp và kỹ năng nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn cụ thể như: kỹ năng viết tin, bài; kỹ năng triển khai đề tài khoa học, xác định chủ đề nghiên cứu, xác định kết cấu của đề tài, kỹ năng xây dựng phiếu điều tra, phương pháp phỏng vấn, xin ý kiến chuyên gia, kỹ năng xử lý thông tin…
 
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện các quy định về nghiên cứu khoa học và tham gia tổng kết thực tiễn. Việc nghiên cứu đề tài cần bảo đảm các hoạt động thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học đi vào thực chất, khả năng ứng dụng cao và hướng vào giải quyết những vấn đề bất cập về mặt lý luận và thực tiễn trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu phải được kiểm định về thông tin, số liệu và kiểm tra, đánh giá theo các tiêu chí thi đua trong hoạt động nghiên cứu khoa học...
 
Thứ tư, gắn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn với công tác thi đua, khen thưởng. Triển khai các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, lấy kết quả nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn là một trong những căn cứ để bình xét và xếp loại thi đua cuối năm của từng cá nhân và tập thể khoa, phòng. Thường xuyên tổ chức việc sơ kết, tổng kết công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường, qua đó để đánh giá và rút kinh nghiệm và nhân điển hình tiên tiến trong công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
 
TS. Trần Tiến Hải
Phó hiệu trưởng Trường Chính trị Quảng Bình