Xây dựng một nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp

  • 07:59 | Thứ Tư, 28/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đi vào hoạt động từ tháng 1-2018, Trung tâm Hành chính công tỉnh là đầu mối tạo ra sự thống nhất của toàn hệ thống chính trị thực hiện cải cách hành chính (CCHC). Qua tham khảo trực tiếp các cá nhân, tổ chức đến giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại trung tâm cho thấy phần lớn đều rất hài lòng, mức độ hài lòng tăng dần theo thời gian.
 
Chị Hoàng Diệu Thúy, đại diện Công ty TNHH đầu tư và thương mại Vĩnh Thịnh (có địa chỉ tại 311 Lý Thường Kiệt, phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới) sau khi hoàn thành xong các TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị tại Trung tâm Hành chính công tỉnh đã lưu lại bức thư cảm ơn đầy xúc động.
 
Bức thư có đoạn: “… Thời điểm công ty chúng tôi nộp hồ sơ cũng đã cuối buổi làm việc nhưng cán bộ vẫn tiếp nhận hồ sơ và ở lại làm thêm giờ để nhanh chóng giải quyết các thủ tục cho chúng tôi. Nhờ đó, công ty tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức”. Chị Hoàng Diệu Thúy chỉ là một trong hàng nghìn lượt tổ chức, cá nhân đến giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Khảo sát phiếu đánh giá của người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiện đang lưu lại cho thấy phần lớn ý kiến đều rất hài lòng, mức độ hài lòng ngày một tăng lên.
 Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra việc giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.
Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra việc giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.
Tính từ lúc đi vào hoạt động đến ngày 30-6-2020, Trung tâm Hành chính công tỉnh công khai thực hiện 1.046 TTHC, trong đó, 979 TTHC của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, 49 TTHC của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, 9 TTHC của BHXH tỉnh và 9 TTHC thuộc Công an tỉnh. Trung tâm tiếp đón trên 110.000 lượt người đến liên hệ giải quyết TTHC, qua đó, tiếp nhận trên 70.000 hồ sơ. Kết quả có gần 51.900 hồ sơ được giải quyết và trả kết quả. Tỷ lệ trả hồ sơ trước hạn đạt 78,3% năm 2018, tăng lên 99,4% năm 2020.
 
“Trung tâm Hành chính công tỉnh là tổ chức hành chính trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, trở thành đầu mối tập trung để các sở, ban, ngành thực hiện tiếp nhận, phối hợp giải quyết hồ sơ và trả kết quả TTHC cho cá nhân, tổ chức, đơn vị; tham gia đề xuất những giải pháp nhằm CCHC, hiện đại hóa nền hành chính công. Thực tế qua hơn 2 năm đi vào hoạt động, trung tâm đang tiến tới một nền hành chính công phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại, gần dân và phụng sự nhân dân.”, ông Hồ Văn Thành, Phó Giám đốc trung tâm cho biết.
 
Trung tâm Hành chính công tỉnh trở thành một điểm nhấn căn bản trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ về triển khai chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh.
 
Bàn về chặng đường 10 năm thực hiện CCHC tại tỉnh ta, ông Trần Đình Dinh, Giám đốc Sở Nội vụ chia sẻ: “Về tổng thể, nền hành chính nhà nước bao gồm các yếu tố: thể chế; cơ cấu tổ chức; đội ngũ cán bộ, công chức hành chính và nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật hợp thành. Trên cơ sở đó, để xây dựng một nền hành chính công phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại và thân thiện như hiện nay, phải thực hiện cải cách đồng bộ, toàn diện các yếu tố trên. Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một nhà nước do dân, vì dân.
 
Năm 1947, trong cuốn sách “Sửa đổi lề lối làm việc”, Bác Hồ viết rằng: “Bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Theo tư tưởng của Người: “Mỗi đảng viên, cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân…”.
  Thực hiện tốt CCHC góp phần thu hút các nhà đầu tư đến với Quảng Bình.
Thực hiện tốt CCHC góp phần thu hút các nhà đầu tư đến với Quảng Bình.
Trong thực hiện CCHC, kiểm soát và cải cách TTHC được UBND tỉnh và các sở, ban, ngành triển khai toàn diện, hiệu quả. Về kiểm soát các quy định TTHC ban hành, giai đoạn 2011-2020 đã đánh giá tác động 66 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); quy định 516 TTHC liên quan đến tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của UBND tỉnh. Cũng trong giai đoạn này, UBND tỉnh công bố 6.830 lượt nội dung TTHC ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.
 
Sau khi công bố, TTHC cập nhật kịp thời lên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; kết nối, tích hợp, đồng bộ hóa về Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố, đồng thời niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận hồ sơ của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.
 
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông triển khai đến tận cơ sở (chỉ còn 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch thuộc huyện Bố Trạch chưa thực hiện được) kết nối với cơ chế một cửa toàn bộ hệ thống cấp huyện, các sở, ban, ngành và Trung tâm Hành chính công tỉnh kịp thời giải quyết các TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân. Trong giai đoạn 2012-2020, toàn tỉnh tiếp nhận 10.249.751 hồ sơ TTHC, trong đó, giải quyết đúng hạn 10.151.922 hồ sơ, đạt tỷ lệ 98,61%. Tình trạng hồ sơ chậm giải quyết, hồ sơ tồn đọng giảm mạnh.
 
Nếu Trung tâm Hành chính công tỉnh trở thành một điểm nhấn căn bản trong quá trình thực hiện CCHC thì kiểm soát và cải cách TTHC được xem là sự đột phá, thành công lớn nhất của tỉnh Quảng Bình trong lộ trình hướng đến một nền hành chính công phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại và thân thiện. Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh cho biết: “Theo kết quả đánh giá về chỉ số Par Index (Peer Assessment Rating Index-chỉ số xếp hạng đánh giá ngang hàng) hàng năm thì tỉnh Quảng Bình là 1 trong 4 tỉnh, thành phố có 3 năm liên tục (2017-2019) được xếp hạng trong 10 tỉnh, thành phố đứng đầu về chỉ số cải cách TTHC”.
 
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác CCHC giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, ông Trần Đình Dinh nhấn mạnh: “Chúng ta cần tập trung vào 6 nội dung căn bản trong tổng thể CCHC là cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên 2 nội dung mang tính đột phá là xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hiện đại hóa nền hành chính công, đáp ứng kịp thời xu thế phát triển trong thời kỳ cách mạng 4.0”.
 
Ngô Thanh Long