Quyết tâm xây dựng thành phố du lịch Đồng Hới giàu đẹp, văn minh

  • 07:49 | Thứ Bảy, 08/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đảng bộ TP. Đồng Hới xác định mục tiêu trong những năm tới là quyết tâm xây dựng Đồng Hới trở thành thành phố du lịch giàu đẹp, văn minh, là trung tâm du lịch biển có chất lượng cao của khu vực. Nhân dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Đồng Hới lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025, Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hoàng Đình Thắng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới.
 
P.V: Trong 5 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn do tác động của sự cố môi trường biển và mới đây là dịch bệnh Covid-19, nhưng ngành du lịch-dịch vụ của TP. Đồng Hới được đánh giá có bước đột phá đáng tự hào, cụ thể điều đó như thế nào, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Hoàng Đình Thắng: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định: “Xây dựng thành phố Đồng Hới giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh, phấn đấu trở thành thành phố du lịch”.
 
Để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống,Thành ủy Đồng Hới đã ban hành Chương trình hành động số 05 về đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020. Mặc dù khi bắt đầu triển khai, chương trình đã gặp phải một “lực cản” rất lớn đó là xảy ra sự cố môi trường biển. Và đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 hoành hành đã làm cho ngành du lịch thành phố chững lại, lượng khách du lịch, doanh thu dịch vụ thương mại sụt giảm.
 
Trước những khó khăn và thách thức đó, thành phố nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ngành, nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch và đặc biệt thành phố cũng đưa ra nhiều giải pháp thiết thực.
 
Nhờ vậy, nhìn lại chặng đường 5 năm qua, ngành du lịch Đồng Hới vẫn đạt được những kết quả tích cực, không những có mức tăng trưởng cao về tốc độ mà còn cả quy mô, giá trị và chất lượng. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố tăng 1,9 lần so với năm 2015, bình quân hàng năm tăng 14,3%. Lượng khách du lịch đến TP. Đồng Hới tăng bình quân 13,4%/năm, thời gian lưu trú của khách đạt 1,5 ngày/người.
Đảng bộ thành phố quyết tâm xây dựng Đồng Hới trở thành thành phố du lịch giàu đẹp, văn minh.
Đảng bộ thành phố quyết tâm xây dựng Đồng Hới trở thành thành phố du lịch giàu đẹp, văn minh.
Hạ tầng du lịch được đầu tư ngày càng đáp ứng nhu cầu của du khách, các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng phát triển; chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện; công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường; hoạt động xúc tiến, quảng bá đã đem lại kết quả đáng khích lệ; các tour, tuyến du lịch, sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác phục vụ cho du khách.
 
Đến nay, TP. Đồng Hới có trên 725 nhà hàng (tăng 40 nhà hàng so với năm 2015), trong đó, có nhiều địa điểm ẩm thực đẹp, thức ăn tươi ngon ven sông Nhật Lệ, dọc đường Trương Pháp, khu vực Quảng trường biển Bảo Ninh…; có gần 200 cơ sở lưu trú trên 5.000 phòng với tổng số khoảng 9.000 giường, trong đó, 14 khách sạn đạt 3 sao trở lên. Nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái đẳng cấp thế giới, như: khách sạn Vinpearl Quảng Bình; Sun Spa Resort & Villa; Gold Coast Hotel Resort & Spa…
 
Du lịch cộng đồng cũng có bước phát triển mạnh cả về quy mô, chất lượng; sản phẩm du lịch ngày càng phong phú. Tuần lễ Văn hóa-Du lịch Đồng Hới diễn ra hàng năm với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực sôi nổi, đặc sắc,trở thành thương hiệu mạnh của du lịch Đồng Hới…
 
P.V: Thời cơ phát triển du lịch TP. Đồng Hới trong những năm qua là khá rõ ràng, thành phố đã có định hướng như thế nào, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Hoàng Đình Thắng: TP. Đồng Hới, trung tâm kinh tế văn hóa-xã hội của tỉnh Quảng Bình có bờ biển dài 15,7km với nhiều bãi tắm đẹp, nước biển trong xanh, môi trường du lịch biển trong lành; cách Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 30km và có sông Nhật Lệ chảy từ phía Nam vào giữa lòng thành phố.
 
Thành phố còn là địa danh du lịch với nhiều di tích lịch sử văn hóa nằm đan xen với các danh thắng, rất thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng. Có một điều đặc biệt quan trọng là giao thông đến Quảng Bình rất thuận lợi. Ngoài sân bay Đồng Hới, khách du lịch có thể đến TP. Đồng Hới bằng đường sắt, đường bộ, rất thuận tiện. Đặc biệt, du khách từ Hà Nội, chỉ một đêm nằm ngủ trên tàu hỏa, xe khách chất lượng cao là đã đến TP. Đồng Hới…
TP. Đồng Hới ký kết biên bản ghi nhớ với TP. Khỏn Kèn (tỉnh Khỏn Kèn, Vương quốc Thái Lan) về vấn đề xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, quản lý đô thị và giao lưu văn hóa.
TP. Đồng Hới ký kết biên bản ghi nhớ với TP. Khỏn Kèn (tỉnh Khỏn Kèn, Vương quốc Thái Lan) về vấn đề xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, quản lý đô thị và giao lưu văn hóa.
Nói như vậy để thấy rằng, tiềm năng, thế mạnh và thời cơ để thành phố phát triển du lịch là rất lớn. Thời gian qua, TP. Đồng Hới cũng đã nắm bắt những tiềm năng và cơ hội tốt đó để triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững ngành du lịch. Trước hết, công tác quản lý nhà nước về du lịch được thành phố tăng cường và không ngừng đổi mới, nhất là xây dựng chiến lược, quy hoạch, ban hành các chính sách quản lý, các quy chế, kế hoạch, đề án…
 
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh, thành phố quy hoạch xây dựng các khu du lịch nội thành, khu du lịch phía Tây và quy hoạch chi tiết các điểm du lịch, như: khu Khe Chuối (xã Quang Phú), bãi tắm Nhật Lệ, Bảo Ninh 2, sân golf Bảo Ninh…
 
Cùng với đó, thành phố tranh thủ mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa trong huy động các nguồn vốn của thành phần kinh tế tư nhân và sử dụng hiệu quả vốn ngân sách trong vai trò “vốn mồi” để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Công tác đầu tư hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin và hạ tầng du lịch cũng tập trung vào những hạng mục trọng yếu, cấp bách.
 
Cụ thể, những bãi tắm Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú… được nâng cấp, mở rộng; các tuyến đường chính, giao thông quy mô nhỏ, vỉa hè, biển báo giao thông, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước được hoàn thiện; hệ thống cây xanh, bồn hoa, công viên được trồng mới, chăm sóc…Thành phố tạo điều kiện và mời gọi có chọn lọc các nhà đầu tư lớn để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch một cách đồng bộ, nhất là hệ thống khách sạn, nhà hàng, các điểm dịch vụ mua sắm giải trí.
 
Bên cạnh đó, thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực du lịch gắn với nhu cầu của xã hội và đơn vị sử dụng lao động du lịch. Việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được đẩy mạnh với nhiều hình thức phù hợp theo từng nhóm ngành nghề, đối tượng. Từ năm 2016 đến nay, thành phố phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề phục vụ phát triển du lịch cho gần 500 lao động với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chủ động bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của đơn vị.
 
P.V: Mục tiêu của thành phố trong những năm tới là xây dựng Đồng Hới trở thành thành phố du lịch giàu đẹp, văn minh, là trung tâm du lịch biển có chất lượng cao của khu vực. Xin đồng chí cho biết, TP. Đồng Hới cần làm gì để đạt mục tiêu đó?
 
Đồng chí Hoàng Đình Thắng: Những năm tới, thành phố sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ, đa dạng các ngành dịch vụ, ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm có khả năng cạnh tranh, trình độ công nghệ và giá trị gia tăng cao. Phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đến năm 2025 đạt 35.000 tỷ đồng, tăng bình quân 18,1%/ năm.
 
Cùng với đó, TP. Đồng Hới tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế động lực cho sự phát triển của thành phố, xây dựng thành phố du lịch giàu đẹp, văn minh, là trung tâm du lịch biển có chất lượng cao của khu vực. Phấn đấu lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm từ 14%-15%.
Du lịch biển là thế mạnh của TP. Đồng Hới
Du lịch biển là thế mạnh của TP. Đồng Hới
Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn; tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, các khu vui chơi, giải trí, đáp ứng nhu cầu du khách, đặc biệt, hình thành các khu giải trí về đêm, như: chợ đêm, phố đi bộ... Khuyến khích phát triển một số làng nghề truyền thống về thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch và thực hiện các ấn phẩm để giới thiệu, quảng bá du lịch Đồng Hới-Quảng Bình.
 
Bên cạnh đó, thành phố xây dựng phương án bảo đảm trật tự an toàn xã hội cho các hoạt động du lịch; tập trung xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật nhằm thu hút khách du lịch và vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch; bảo đảm trật tự mỹ quan đô thị, tạo môi trường lành mạnh cho phát triển du lịch.
 
Mặt khác, TP. Đồng Hới tổ chức phát động phong trào người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch và phong trào “mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở với khách du lịch”; xử lý nghiêm hiện tượng chèo kéo, chặt chém du khách, góp phần tạo ấn tượng thành phố là điểm đến an toàn, thân thiện đối với khách du lịch. Thành phố cũng sẽ bố trí kinh phí cho công tác tu bổ, tôn tạo và phục dựng các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, phục vụ giáo dục truyền thống gắn với hoạt động phát triển du lịch tại địa phương…!
 
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
 
Phan Phương
(thực hiện)