Ý kiến của các sở, ban, ngành tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII

  • 10:25 | Thứ Bảy, 11/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Nỗ lực để Quảng Bình sớm trở thành một trong những điểm đến phục hồi du lịch nhanh nhất Việt Nam
 
* Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch
 
Sau những thành công đạt được trong năm 2019, ngành du lịch Quảng Bình đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng nhanh và khẳng định vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Quảng Bình trong những tháng đầu năm 2020 có sự sụt giảm lớn về lượng khách và tổng doanh thu.
 
Là một trong những địa phương được đánh giá an toàn, cùng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, giao thông, Quảng Bình xác định mục tiêu biến “nguy” thành “cơ”, mở rộng quy mô, tiếp cận theo chiều sâu vào các thị trường khách, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, tiếp tục phát triển du lịch bền vững và đặt mục tiêu trở thành một trong những điểm đến phục hồi du lịch nhanh nhất trong cả nước.
 Sau khi mở cửa đón khách trở lại, nhiều điểm tham quan ở VQG Phong Nha- Kẻ Bàng thu hút khá đông khách du lịch.
Sau khi mở cửa đón khách trở lại, nhiều điểm tham quan ở VQG Phong Nha- Kẻ Bàng thu hút khá đông khách du lịch.
Hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, Sở Du lịch đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, Trong đó, chương trình kích cầu du lịch Quảng Bình năm 2020 góp phần xúc tiến và quảng bá du lịch “Quảng Bình-Điểm đến an toàn và khác biệt”; tạo sự phục hồi mạnh mẽ, tạo động lực mới và hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng du lịch khôi phục các hoạt động kinh doanh dịch vụ, bảo đảm các hoạt động trở lại bình thường và tiếp tục tăng trưởng, phát triển bền vững trong điều kiện Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.
 
Theo đó, chương trình kích cầu du lịch Quảng Bình năm 2020 diễn ra từ tháng 5 đến tháng 12-2020 với các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi hấp dẫn, bảo đảm chất lượng nhằm mang lại nhiều hơn giá trị tăng thêm cho du khách với các nhóm dịch vụ gồm: tour tham quan; lưu trú; ăn uống; khu, điểm tham quan du lịch; vận chuyển (dịch vụ vận chuyển hàng không, đường sắt, dịch vụ vận chuyển tại điểm đến và dịch vụ thuyền du lịch).
 
Chương trình bao gồm các hoạt động chính, như: thực hiện chiến dịch truyền thông "Quảng Bình-Điểm đến an toàn và hấp dẫn" qua truyền thông số và các sự kiện, chương trình nổi bật; tổ chức các hoạt động đón khách du lịch tham quan Quảng trường Hồ Chí Minh, Tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình" và dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ tỉnh Quảng Bình; triển khai các chương trình kích cầu, khuyến mãi hấp dẫn…
 
Được biết, sau khi mở cửa đón khách trở lại, du lịch Quảng Bình đã bắt đầu có sự phục hồi, số lượng khách đến trong các dịp cuối tuần bắt đầu tăng dần. Nhằm đáp ứng với hoạt động du lịch trong điều kiện mới, ngành du lịch Quảng Bình đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thay đổi cơ cấu thị trường khách, chuyển các sản phẩm phục vụ khách quốc tế sang phục vụ khách nội địa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch với mức giá hợp lý…
 
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 905.200 lượt, tỷ lệ phục hồi ước đạt 40%-50% và dự kiến sẽ phục hồi đến 80% vào trung tuần tháng 7 tới...
 
Trước đó, để kích cầu du lịch, HĐNĐ tỉnh cũng ban hành Nghị quyết về giảm mức thu một số loại phí do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó, giảm 50% mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh đối với các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh đến hết ngày 31-12-2020.
 
Ngọc Hải (thực hiện)
 
Tăng cường các biện pháp đối phó với hạn hán, bảo đảm hiệu quả sản xuất
 
* Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi , Sở Nông nghiệp-PTNT
 
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thấp hơn so với nhiều năm trước. Hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng trong khoảng 2-3 tháng tới. Lượng mưa thấp, nhiệt độ cao khiến cho 150 hồ chứa nước trên địa bàn giảm dung tích chứa. Tuy nhiên, do đã tích nước từ cuối năm 2019 nên lượng nước trong các hồ chứa cơ bản vẫn bảo đảm nước tưới cho vụ hè-thu. Bình quân, dung tích của các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 35% dung tích thiết kế.
 
Tình hình hạn hán khiến 195ha lúa vụ hè-thu tại các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh bị thiếu nước tưới. Từ nay đến cuối vụ, nếu trời không có mưa, dự kiến sẽ có thêm 1.177ha lúa tại các huyện Minh Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và TX. Ba Đồn, TP. Đồng Hới có nguy cơ thiếu nước tưới. Ngoài ra, do thiếu nước tưới nên hàng nghìn ha lúa tái sinh tại huyện Lệ Thủy cũng bị ảnh hưởng, cho năng suất và sản lượng thấp so với cùng kỳ; một số cây trồng khác bị vàng lá và các loại sâu bệnh khác.
Các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn đủ nước tưới cho sản xuất vụ hè-thu
Các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn đủ nước tưới cho sản xuất vụ hè-thu
Để đối phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước cho sản xuất, ngay cuối mùa lũ năm 2019, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp-PTNT đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các giải pháp tích trữ nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất. Theo đó, các hoạt động kiểm tra, rà soát, tính toán cân bằng nước các công trình thủy lợi để xây dựng phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, rà soát điều chỉnh kế hoạch sản xuất, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ hè-thu được triển khai thường xuyên.
 
Đồng thời, cần rà soát, điều chỉnh việc điều tiết nước tại các hồ chứa, công trình thủy lợi phù hợp với hiện trạng, diễn biến nguồn nước và nhu cầu dùng nước; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi đang xây dựng; nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, nhất là các công trình ở những nơi có nguy cơ hạn hán, thiếu nước; thường xuyên kiểm tra thực tế về công tác phòng, chống hạn hán, tiết kiệm nước tại các công trình và địa phương trong suốt thời vụ để trực tiếp đề xuất, kiến nghị với các địa phương, đơn vị những giải pháp phòng, chống hạn hiệu quả, bảo đảm cho việc sản xuất.
 
Xuân Vương (thực hiện)
 
Tiếp tục tăng cường đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm
 
* Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh
 
6 tháng đầu năm 2020, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, sự vào cuộc và ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, Công an tỉnh Quảng Bình đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, phối hợp, tổ chức thực hiện có hiệu quả các mặt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
 
Trong đó, Công an tỉnh đã tập trung phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại 652 điểm với trên 60.000 lượt người tham gia; in phát trên 10.000 đầu sách, tạp chí, tài liệu, hơn 2.000 tờ rơi và 3.000 băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền pháp luật; đăng tải gần 1.000 lượt tin, bài tuyên truyền phòng, chống tội phạm trên các phương tiện truyền thông. Xây dựng mới 2 mô hình, duy trì và củng cố 87 mô hình tự quản về ANTT đang hoạt động hiệu quả, phục vụ đắc lực công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm.
 
Thực hiện có hiệu quả công tác nắm hộ, nắm người, giải quyết tình hình ANTT ngay từ địa bàn cơ sở; tổ chức nắm, theo dõi hoạt động của đối tượng trong diện quản lý pháp luật, nghiệp vụ, nhất là các ổ, nhóm, đối tượng nghi vấn hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, các đối tượng nghiện ma túy, “ngáo đá”...
 
Mở 2 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, điều tra, khám phá 306/315 vụ (đạt tỷ lệ chung 97%, cao hơn 17% so với chỉ tiêu đề ra), lập hồ sơ xử lý 713 đối tượng; đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn, đánh mạnh, đánh trúng hàng chục đường dây, ổ nhóm tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế, tham nhũng. Đặc biệt, chuyên án VLN-09 với các đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ, bắt giữ 3 đối tượng, thu giữ 218,8kg thuốc nổ, 1.300 kíp nổ, 170m dây cháy chậm; chuyên án 169V triệu tập đấu tranh 8 đối tượng hình sự có hành vi phạm tội liên quan “tín dụng đen”, tàng trữ vũ khí, hàng cấm (pháo) và tổ chức đánh bạc trên địa bàn thị xã Ba Đồn, thu giữ trên 800 triệu đồng và nhiều tang vật liên quan; điều tra làm rõ vụ tham ô tài sản tại Ban quản lý dự án rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, thu hồi toàn bộ tài sản các đối tượng đã chiếm đoạt: 165.240.000 đồng; chuyên án 0120ĐB bắt giữ các đối tượng vận chuyển trái phép số lượng lớn ma túy trên tuyến Quốc lộ 1, thu giữ 307,458kg ma túy tổng hợp; khởi tố 2 vụ, 2 bị can vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên (khai thác cát, sỏi lòng sông).
 
Thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về pháo: vận động thu hồi 261,4kg, bắt, xử lý 269 đối tượng tàng trữ, sử dụng pháo trái phép; tình trạng đốt pháo trái phép, nhất là trong đêm giao thừa giảm rõ rệt so với Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.
 
Những kết quả trên thể hiện trách nhiệm, tinh thần quyết tâm đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm của cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Quảng Bình trong 6 tháng qua, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định, lành mạnh phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và nhân dân.
 
Thời gian tới, lực lượng Công an tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm, không để xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
 
X.Phú (thực hiện)
 
Để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh
 
* Ông Phạm Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng
 
Thời gian qua, bên cạnh sự phục hồi và tăng trưởng mạnh của thị trường bất động sản (BĐS), đóng góp tích cực cho nền kinh tế-xã hội của tỉnh, có những thời điểm, thị trường BĐS phát triển "nóng", giá cả BĐS bị đẩy lên cao, gây "sốt ảo", tiềm ẩn nhiều rủi ro.
 
Nguyên nhân chính là hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường BĐS còn có một số nội dung chưa phù hợp nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Việc đầu tư, phát triển các dự án BĐS chưa phù hợp với nhu cầu thị trường và tình hình phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Công tác quản lý Nhà nước còn thiếu chặt chẽ…
 
Để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh theo đúng tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Xây dựng đã tham mưu cho tỉnh có những biện pháp nhằm ổn định thị trường BĐS. Sở đã tổ chức kịp thời, nghiêm túc các quy định pháp luật liên quan đến thị trường BĐS; theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến thị trường, sớm có các biện pháp bình ổn, không để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng” BĐS.
 
Sở rà soát quy hoạch đô thị, quy hoạch các KCN, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Khi tham mưu lập quy hoạch các đô thị mới, KCN mới, Sở ưu tiên hài hòa hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ xã hội, dân sinh theo đúng quy định pháp luật.
 
Đơn vị phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh BĐS. Đồng thời, Sở tiến hành lập danh mục các dự án (bao gồm các dự án khu dân cư đầu tư từ ngân sách và các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở thương mại do doanh nghiệp đầu tư); công khai, minh bạch các dự án BĐS trên phương tiện thông tin đại chúng; bảo đảm lượng quỹ đất cung ứng đáp ứng sức mua thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm quỹ đất.
 
Sở chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng và ban hành cơ sở dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường BĐS, bảo đảm kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ Xây dựng theo quy định tại Nghị định 117/2015/NĐ-CP, ngày 12-11-2015 của Chính phủ.
 
T.Long (thực hiện)