Tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước

  • 08:38 | Thứ Sáu, 20/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm tạo động lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, những năm qua, các đơn vị trong Khối thi đua Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội đã triển khai hiệu quả nhiều phong trào thi đua yêu nước (TĐYN), thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
 
Đi đầu trong thực hiện các phong trào TĐYN là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh với việc đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các cuộc vận động xây dựng Quỹ "Vì người nghèo”, "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… 
Nông dân các địa phương tích cực thực hiện các hoạt động nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nông dân các địa phương tích cực thực hiện các hoạt động nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới.
Cùng với việc xây dựng nhiều mô hình như: "Hỗ trợ thoát nghèo có địa chỉ", “Nói không với chất cấm trong sản xuất và chế biến”, “Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông…, người dân ở các địa phương còn tích cực hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Các hình thức như hỗ trợ vốn, giống, tặng nhà… đã tạo điều kiện cho người nghèo, người gặp hoàn khó khăn cảnh ổn định cuộc sống.
 
Dấu ấn trong thực hiện phong trào TĐYN của Liên đoàn Lao động tỉnh là các phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”. Mục tiêu của phong trào là nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, thực hành tiết kiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật…
 
Chỉ tính riêng trong năm 2019, đoàn viên, người lao động Quảng Bình đã hoàn thành 77 công trình, sản phẩm, 121 phần việc và 3.000 sáng kiến, giải pháp được đăng ký áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các phong trào TĐYN được Chủ tịch UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen và các danh hiệu thi đua khác.
 
Phong trào thi đua “Cựu chiến binh (CCB) gương mẫu” trong tổ chức Hội CCB đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành động lực để mỗi cán bộ, hội viên phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên các lĩnh vực, nổi bật là lĩnh vực phát triển kinh tế. CCB đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng mô hình kinh tế trang trại, thành lập doanh nghiệp sản xuất với nhiều ngành, nghề đa dạng, phong phú để nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
 
Toàn tỉnh hiện có 124 doanh nghiệp, 34 hợp tác xã, 34 tổ hợp tác, 80 trang trại, 212 gia trại và 983 cơ sở kinh doanh dịch vụ do CCB làm chủ, thu hút 7.379 lao động tại các địa phương. Năm 2019, toàn tỉnh có 832 CCB đạt danh hiệu CCB sản xuất, kinh doanh giỏi.
 
Các tổ chức hội khác như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã gắn thi đua với nhiệm vụ chuyên môn, chú trọng xây dựng mô hình điểm, mô hình mới. Các phong trào: "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi", "Nông dân thi đua bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới", "Gia đình nông dân không vi phạm pháp luật, không mắc tệ nạn xã hội"… đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong mỗi cán bộ, hội viên.
 
Không ít mô hình kinh tế do nông dân làm chủ đang phát huy hiệu quả tích cực như: chăn nuôi lợn rừng sinh học, nuôi cá cảnh, trồng nấm ở xã Thuận Đức, mộc mỹ nghệ cao cấp ở xã Đức Ninh (Đồng Hới); kinh tế trang trại tổng hợp ở các huyện: Quảng Ninh, Lệ Thủy, Quảng Trạch… Ngoài ra, nông dân toàn tỉnh còn hiến đất, đóng góp ngày công, tiền của… để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
 
Phát huy vai trò của phụ nữ trong TĐYN, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tập trung triển khai phong trào: “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc ”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, thi đua phát triển kinh tế, gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều chị em đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất… từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
 
Ở lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chị em đã không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật, tay nghề, đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường, phát triển sản xuất và phát huy hiệu quả các ngành nghề thủ công truyền thống của địa phương như mây tre đan, làm nón, làm chổi đót...
 
Nhiều gương mặt phụ nữ được tôn vinh tại các hội nghị điển hình tiên tiến toàn tỉnh như chị Lê Thị Thanh Thủy (xã Hòa Trạch, Bố Trạch) với việc xây dựng thương hiệu rau sạch An Nông; chị Lê Thị Bích (Cự Nẫm, Bố Trạch), người đi đầu và gặt hái nhiều thành công từ mô hình du lịch cộng đồng; chị Hồ Thị Thanh (Trọng Hóa, Minh Hóa) với mô hình nuôi lợn bản...
 
Ngoài ra, các tổ chức Hội Phụ nữ còn xây dựng các mô hình như: tuyến đường nông thôn kiểu mẫu, đoạn đường tự quản, thu gom xử lý rác thải, bảo vệ môi trường… Qua đó, khơi dậy trách nhiệm cộng đồng, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
 
Các phong trào thi đua của Tỉnh đoàn Quảng Bình, tiêu biểu là phong trào “Sáng tạo trẻ” đã có sức lan tỏa trong lực lượng đoàn viên, thanh niên. Từ phong trào này đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trên các lĩnh vực như: sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả học tập, giảng dạy, chăm sóc sức khỏe...
 
Điển hình là tổ chức Đoàn Thanh niên Công ty cổ phần Dược phẩm Quảng Bình, Xí nghiệp may Hà Quảng, Công ty Điện lực Quảng Bình, Viễn thông Quảng Bình... với việc cho ra đời rất nhiều giải pháp, sáng kiến nhằm rút ngắn thời gian lao động, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
 
Đánh giá về việc thực hiện các phong trào thi đua của Khối thi đua Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội, đồng chí Mai Xuân Toàn, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh khẳng định: Nhờ gắn thi đua với nhiệm vụ chuyên môn, xem thi đua là động lực phát triển, các đơn vị trong khối đã gặt hái được nhiều thành công trên các lĩnh vực công tác. Các phong trào thi đua, cuộc vận động được phát động với hình thức đa dạng, phong phú, phong trào thi đua có chủ đề, mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng, cụ thể, tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị.
 
Những kết quả đó là động lực để toàn khối tiếp tục phát huy nhằm đổi mới, sáng tạo và nhân rộng các điển hình tiên tiến, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
 
Nh.V