Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

  • 21:17 | Thứ Ba, 14/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 7-1-2020, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
 
Nội dung Chỉ thị như sau:
 
Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng với những giá trị nổi bật toàn cầu là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình trong việc gìn giữ và phát huy giá trị Di sản. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản đã thu được những kết quả nhất định, cơ bản bảo tồn nguyên vẹn các giá trị của Di sản, góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu du lịch Quảng Bình trong nước và quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vẫn còn một số hạn chế: tình trạng chặt, phá, khai thác rừng, săn, bắt động vật rừng trái pháp luật còn xảy ra một số nơi thuộc vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia; một số loài xâm hại có nguy cơ phát triển mạnh, đe dọa đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để diệt trừ, ngăn chặn lây lan; du lịch tuy đã có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch cơ bản còn đơn điệu, chưa có những sản phẩm mang tính đột phá, khắc phục tính thời vụ trong du lịch ở Phong Nha-Kẻ Bàng nói riêng và Quảng Bình nói chung, một số di tích văn hóa, lịch sử chưa được khai thác, phát huy...
 
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do nhận thức và ý thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế; đời sống của người dân vùng đệm còn nhiều khó khăn, tập quán sống dựa vào khai thác tài nguyên rừng chưa được thay đổi đáng kể. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn coi công tác bảo vệ rừng là trách nhiệm của chủ rừng và lực lượng chức năng nên chưa thực sự vào cuộc quyết liệt; chưa huy động được một cách mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển du lịch, chưa có các chương trình, giải pháp đột phá để phát huy giá trị Di sản phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các xã vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. 
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư riêng cho khu vực Phong Nha-Kể Bàng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư riêng cho khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng.
Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
 
1. Tiếp tục nghiên cứu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các công ước quốc tế, khuyến nghị của UNESCO có liên quan và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, phát triển du lịch khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng của tỉnh để xây dựng và triển khai các kế hoạch cụ thể, phù hợp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý và bảo tồn nguyên vẹn các giá trị của Di sản, đặc biệt là các hệ sinh thái, các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, hệ thống hang động và các di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn.
 
2. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống chính trị và nhân dân, làm cho mọi tổ chức, cá nhân nhận thức đầy đủ giá trị, vị thế và tầm quan trọng của Di sản thiên nhiên thế giới đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, từ đó có ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản. Phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh, nhất là các huyện, xã vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
 
3. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và hiệu quả quản lý toàn dân; tinh thần cảnh giác, phát giác, đấu tranh của nhân dân để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản. Tập trung ngăn chặn hoạt động khai thác lâm sản trái pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra điểm nóng về khai thác gỗ và các lâm sản khác, săn bắn, bẫy bắt động vật rừng. Kiểm soát và xóa các tụ điểm, đường dây buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật ở khu vực vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia; có biện pháp chăm sóc, cứu hộ các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm.
 
Theo dõi, giám sát chặt chẽ tác động môi trường, đặc biệt các mối đe dọa từ các chương trình, dự án có sử dụng rừng, đất lâm nghiệp, sử dụng dịch vụ môi trường rừng, cho thuê môi trường rừng, khai thác khoáng sản… để kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu các tác động tiêu cực lên Di sản. Huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, xây dựng các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện của từng khu vực và chuyển giao để cải thiện sinh kế, ổn định và nâng cao đời sống của người dân các xã vùng đệm nhằm giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên Vườn Quốc gia một cách bền vững.
 
Phối hợp với các tổ chức, nhà khoa học trong nước và quốc tế xây dựng các chương trình nghiên cứu đối với hệ động, thực vật điển hình của khu vực miền Trung, đặc biệt là các loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm phân bố ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng; tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp diệt trừ và ngăn chặn có hiệu quả các loài xâm hại, có nguy cơ xâm hại đến hệ sinh thái rừng; xây dựng, hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng phục vụ công tác quản lý, khai thác và quảng bá, nâng cao hiệu quả nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị Di sản theo hướng chuyên sâu trên từng lĩnh vực.
 
4. Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời, rà soát, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành theo quy định của pháp luật tại khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng; quản lý chặt chẽ và ưu tiên nguồn lực để phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn các giá trị Di sản. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư riêng cho khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng; đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ, trong đó, ưu tiên các sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên biệt, có tính cạnh tranh cao trong nước và khu vực trên quan điểm phát triển du lịch phải gắn liền với bảo tồn bền vững các giá trị của Di sản. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã có chủ trương đầu tư tại khu vực Phong Nha, xử lý nghiêm các công trình, dự án vi phạm quy hoạch, kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai hoặc chậm tiến độ. Đẩy mạnh công tác quảng bá, liên kết và hợp tác quốc tế để giới thiệu các giá trị, cũng như tiềm năng du lịch của di sản đến với du khách trong và ngoài nước.
 
5. Huy động và tập trung các nguồn lực để sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh tốc độ xây dựng Thị trấn Phong Nha thành đô thị du lịch kiểu mẫu “xanh, sạch, đẹp”. Quản lý chặt chẽ quy hoạch đô thị Phong Nha và các xã tiếp giáp với Vườn Quốc gia; có giải pháp cụ thể, đồng bộ để làm tốt công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý giá cả, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2030, Phong Nha-Kẻ Bàng nói riêng và Quảng Bình nói chung trở thành trung tâm du lịch quốc tế “xanh, sạch, an toàn và thân thiện”.
 
6. Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, đặc biệt là các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên trong khu vực vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia. Phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng vận động người dân giao nộp các loại súng, vũ khí quân dụng và vật liệu nổ trái phép, ngăn chặn triệt để tình trạng săn bắn, bẫy bắt, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, lâm sản và các sản phẩm từ rừng bất hợp pháp trên địa bàn.
 
7. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, đồng thời, xử lý trách nhiệm các trường hợp vi phạm.
 
8. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến trong đoàn viên, hội viên, thành viên của tổ chức mình, tham gia tích cực vào việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản thiên nhiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
 
9. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các ban và Văn phòng Tỉnh ủy hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
 
Chỉ thị này được phổ biến, quán triệt đến Chi bộ.