Ý kiến của các sở, ban, ngành tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII: Những vấn đề cử tri quan tâm

  • 08:17 | Thứ Sáu, 13/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII đại diện lãnh đạo các các sở, ban, ngành đã nêu những vấn đề cử tri quan tâm.

Triển khai chất lượng, hiệu quả các đợt ra quân tấn công trấn áp tội phạm

* Đại tá Trần Hải Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh

 Năm 2019, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu, phối hợp với các lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đánh mạnh, đánh trúng nhiều ổ, nhóm tội phạm hoạt động trong lĩnh vực “tín dụng đen”, đòi nợ, xiết nợ gây bất ổn trong xã hội, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội, cờ bạc, cá độ, mại dâm và tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng pháo trái phép…

Cơ quan Công an công bố lệnh tạm giữ đối với đối tượng Nguyễn Xuân Thủy trong chuyên án 319-V về “tín dụng đen”.
Cơ quan Công an công bố lệnh tạm giữ đối với đối tượng Nguyễn Xuân Thủy trong chuyên án 319-V về “tín dụng đen”.

Từ quyết tâm và nỗ lực nêu trên kết hợp các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội, đã góp phần kéo giảm tội phạm xâm phạm trật tự xã hội 3,82% so với cùng kỳ năm 2018 (vượt 0,82% chỉ tiêu Bộ Công an giao), tỷ lệ điều tra khám phá án chung đạt 92,1% (vượt 7,1 % chỉ tiêu Bộ Công an giao), trọng án khám phá đạt 100%.

Số vụ mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tổ chức sử dụng ma túy bị phát hiện, bắt giữ tăng 68% so với cùng kỳ; phát hiện, điều tra kết luận 46 vụ án kinh tế (tăng 475% so với cùng kỳ). Đặc biệt, số vụ mua bán, tàng trữ pháo bị phát hiện, bắt giữ tăng trên 83% với 30 vụ, 29 bị can bị khởi tố.

Mới đây nhất, ngày 6-12-2019, Công an tỉnh đã phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng tàng trữ trái phép hơn 900kg pháo các loại và nhiều tang vật liên quan tại xã Hưng Thủy (Lệ Thủy).

Đây là chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, mua bán, tàng trữ pháo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình lớn nhất từ trước đến nay. Việc phát hiện, xử lý buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại tăng gần 83%; phát hiện vi phạm pháp luật về môi trường tăng 15,9% so với cùng kỳ, đã khởi tố 4 vụ, 8 bị can. 

Những kết quả đó đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp nói chung, lực lượng Công an nói riêng. Về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên một số địa bàn, lĩnh vực mà cử tri quan tâm, trăn trở như “tín dụng đen”, tội phạm ma túy, vận chuyển, mua bán pháo nổ…, trước sự quyết liệt của lực lượng Công an, hiện nay các loại tội phạm đã không còn ngang nhiên hoạt động, song vẫn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh trật trên địa bàn, Công an tỉnh tiếp tục xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh toàn diện, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; nắm chắc tình hình, tăng cường công tác phòng ngừa xã hội, kết hợp chặt chẽ với phòng ngừa nghiệp vụ. Trước mắt, ngành sẽ tập trung triển khai chất lượng, hiệu quả đợt ra quân tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự để nhân dân đón Tết an toàn.

Cùng với quyết tâm và nỗ lực của cán bộ, chiến sỹ, Công an tỉnh mong muốn nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, ngành, địa phương và nhân dân trong công tác đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi liên quan tín dụng đen, tệ nạn xã hội, ma túy, pháo… giữ vững cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Ngọc Mai (thực hiện)

Kiên quyết xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng cố tình thực hiện lạm thu…

* Đồng chí Đinh Quý Nhân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Từ năm học 2016-2017 đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, tình trạng lạm thu tại các trường học đã được chấn chỉnh, khắc phục; đa số các trường đã thực hiện theo đúng quy định của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT).

Tuy vậy, việc lạm thu vẫn còn xảy ra tại một số ít trường học như: lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS), xã hội hóa giáo dục để thu các khoản không có trong quy định; thu tiền may hoặc mua áo quần đồng phục, mua hộ sách giáo khoa, tài liệu tham khảo cho học sinh; kêu gọi tài trợ của các tổ chức, cá nhân để thực hiện xã hội hóa nhưng còn mang tính cào bằng, bình quân mức đóng góp; trực tiếp thu hộ các khoản thu của các tổ chức, Đoàn, Đội, Hội trong nhà trường. 

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực hợp pháp cho giáo dục.
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực hợp pháp cho giáo dục.

Bên cạnh đó, một bộ phận cực đoan đã vận động, lôi kéo cha mẹ học sinh không đóng góp các khoản theo quy định hoặc đóng góp tự nguyện nhưng rất cần thiết cho hoạt động giáo dục và phù hợp với thực tế địa phương (như bảo hiểm y tế, tiền trông giữ xe đạp, xe máy, tiền ăn bán trú, tiền hợp đồng nhân viên nấu ăn).

Sở GD-ĐT đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng lạm thu và đặc biệt thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp như: tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng cố tình thực hiện lạm thu, theo đúng quy định của pháp luật; thậm chí cho thôi giữ chức hiệu trưởng khi để xảy ra tình trạng lạm thu.

Vì suy cho cùng, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra lạm thu trong nhà trường. Văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh đầy đủ, kịp thời, có thanh tra, kiểm tra mà hiệu trưởng không có tâm, không thực hiện đúng quy định hoặc theo mục đích cá nhân… nhưng chỉ xử lý nương nhẹ, chủ yếu là rút kinh nghiệm, vi phạm ở trường này thì chuyển làm hiệu trưởng trường khác, thì tình trạng lạm thu khó khắc phục và không thể chấm dứt được.

Cùng với đó, cần phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Ban đại diện Hội CMHS. Hội CMHS chỉ được thu các khoản theo quy định, phải có chính kiến của mình khi hiệu trưởng, giáo viên đề xuất các khoản thu trái quy định.

Tiếp tục tổ chức ký cam kết không lạm thu giữa hiệu trưởng, giáo viên với cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, giáo viên. Thực hiện công khai các khoản thu chi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực hợp pháp cho giáo dục.

Đồng thời cũng đề nghị các cấp chính quyền, thủ trưởng các cơ sở giáo dục, trường học nêu cao tinh thần trách nhiệm, có những giải pháp khả thi, kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý, bổ nhiệm để khắc phục hiệu quả việc lạm thu trong trường học; không để tình trạng lạm thu xảy ra hệ lụy xấu, ảnh hưởng đến uy tín của ngành Giáo dục, hình ảnh của thầy giáo, cô giáo.

Nội Hà (thực hiện)

Tăng cường trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong theo dõi, quản lý giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ

* Đồng chí Nguyễn Xuân Sanh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh

Những năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và quy chế, quy định của ngành Kiểm sát liên quan đến việc theo dõi, quản lý, giải quyết án hình sự tạm đình chỉ (TĐC). Qua rà soát tại đơn vị cho thấy, đa số các vụ án TĐC đều do hết thời hạn điều tra, chưa xác định được bị can. Có một số vụ án TĐC do hết thời hạn điều tra mà bị can bỏ trốn hoặc không biết bị can ở đâu.

VKSND huyện Tuyên Hóa kiểm sát hồ sơ các vụ án tại cơ quan Công an huyện.
VKSND huyện Tuyên Hóa kiểm sát hồ sơ các vụ án tại cơ quan Công an huyện.

Trong 5 năm (từ năm 2014 đến 2018), các cơ quan điều tra (CQĐT) đã ra quyết định TĐC 249 vụ/84 bị can; VKSND 2 cấp trong tỉnh ra quyết định TĐC 7 vụ/10 bị can. Tất cả các vụ án TĐC đều bảo đảm đúng căn cứ pháp luật, không để xảy ra việc lạm dụng TĐC không đúng quy định. VKSND 2 cấp cũng đã chủ động rà soát các vụ án TĐC còn tồn để kịp thời giải quyết đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng trong 5 năm qua, không có vụ án TĐC nào được phục hồi điều tra.

Để tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong việc kiểm soát, theo dõi, quản lý giải quyết các vụ án hình sự TĐC, VKSND 2 cấp cần phải chủ động hơn, tích cực áp dụng mọi biện pháp tố tụng từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thực hành quyền công tố sớm hơn, ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự cho thấy, giai đoạn tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm có ý nghĩa quan trọng, góp phần chống bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Vấn đề đặt ra là Viện Kiểm sát phải nắm bắt được đầy đủ tình hình tội phạm và kết quả tiếp nhận, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo của CQĐT, nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm pháp luật, áp dụng các thẩm quyền được pháp luật quy định để khắc phục, chống oan sai.

Bên cạnh đó, VKSND 2 cấp phải chú trọng đề ra các yêu cầu điều tra khi phát hiện việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo không đầy đủ, vi phạm pháp luật để yêu cầu CQĐT thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhằm giải quyết kịp thời vụ án khi có phát sinh các tình huống pháp lý, cũng là một trong những giải pháp góp phần hạn chế việc để án TĐC kéo dài và không bỏ lọt tội phạm.

Dương Công Hợp (thực hiện)

Chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm thu ngân sách

* Ông Đoàn Vỹ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh

Năm 2019, thu ngân sách của Quảng Bình đạt gần 5.200 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Nhận định năm 2020, việc thực hiện công tác này sẽ gặp nhiều khó khăn bởi một số sắc thuế không bảo đảm nguồn thu bền vững. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020 và những năm tiếp theo, Cục Thuế tỉnh và các sở, ngành, địa phương cần chủ động phối hợp, triển khai nhiều giải pháp cụ thể.

Năm 2019, vẫn còn nhiều cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chưa nghiêm túc thức hiện nghĩa vụ nộp ngân sách.
Năm 2019, vẫn còn nhiều cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chưa nghiêm túc thức hiện nghĩa vụ nộp ngân sách.

Trước hết là tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung và phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được giao. Cục Thuế tỉnh sẽ chủ động theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế để xây dựng phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời.

Mặt khác, đơn vị sẽ kiến nghị với cấp có thẩm quyền kịp thời thu thuế ở các lĩnh vực, loại thuế có tiềm năng nhưng còn thất thu như: thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ du lịch, các ngành nghề phát sinh mới…

Việc quản lý kê khai thuế cũng sẽ được Cục Thuế tỉnh chú trọng bằng việc giám sát, quản lý chặt chẽ doanh nghiệp thành lập mới, giải thể, phá sản, ngừng hoạt động; đồng thời tập trung lực lượng để thanh tra, kiểm tra thuế theo kế hoạch đã được phê duyệt, chú trọng kiểm tra việc phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; chủ động đấu tranh, xác minh, phát hiện những hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và bất hợp pháp hóa đơn để xử lý theo quy định.

Một giải pháp trọng tâm nữa là Cục Thuế sẽ chủ động phối hợp với các ngành thực hiện các giải pháp nuôi dưỡng, tạo nguồn thu mới, kích cầu và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có quy mô lớn nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Trong đó, chú trọng việc rà soát lại các dự án đầu tư trên địa bàn để bảo đảm tiến độ, vốn đã cam kết để đưa vào sản xuất, kinh doanh tăng thu cho ngân sách địa phương.

Nguyễn Hoàng (thực hiện)

Tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững

* Phan Văn Khoa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Trong năm 2019, việc phát sinh các dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi của tỉnh. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh nên đã hạn chế tối đa thiệt hại.

DTLCP xuất hiện đầu tiên tại huyện Minh Hóa từ tháng 6-2019 (Quảng Bình trở thành tỉnh thứ 56/63 tỉnh, thành phố bị DTLCP) và tiếp tục lây lan tại một số địa phương trong tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 57 xã phát hiện có DTLCP, số lượng lợn bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy chỉ chiếm 1% so với tổng đàn.

Phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Với tình hình thời tiết thay đổi, chuyển mùa, việc dập tắt hoàn toàn DTLCP trong thời điểm hiện nay vô cùng khó khăn do chưa có loại vắc-xin phòng ngừa cũng như thuốc chữa. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, DTLCP chủ yếu xuất hiện ở các hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ, lẻ, công tác vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng dịch còn nhiều hạn chế. Vì vậy, trong thời tới, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng và chính quyền các địa phương.

Theo đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm soát tại các chốt kiểm dịch phía bắc và nam của tỉnh nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhiễm bệnh vào địa bàn; xử lý tiêu hủy và hỗ trợ thiệt hại kịp thời theo quy định khi lợn bị bệnh DTLCP; nắm chắc diễn biến dịch bệnh, siết chặt công tác kiểm tra nguồn gốc thức ăn công nghiệp, điều kiện kinh doanh thức ăn...

Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các loại dịch bệnh trên gia súc. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tiêm phòng đúng thời gian quy định, góp phần ổn định tăng trưởng ngành chăn nuôi.

Để bảo đảm cho việc tái đàn sau khi khống chế được hoàn toàn dịch bệnh, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các trang trại phải có biện pháp bảo vệ các đàn lợn nái; tăng cường áp dụng biện pháp nuôi lợn an toàn sinh học. Các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, khuyến cáo không nên thực hiện tái đàn khi chưa bảo đảm được công tác vệ sinh, phòng dịch.

Trong những tháng cuối năm 2019, dự báo nhu cầu về thực phẩm sẽ tăng cao. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức cho các hộ, các trang trại chăn nuôi, cơ sở mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Đồng thời, phải xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm trái phép.

X.Phú (thực hiện)

Tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp

* Đồng chí Nguyễn Thanh Xuân, TUV, Chánh án TAND tỉnh

Năm 2019, TAND hai cấp tỉnh giải quyết 2.467 vụ án trong tổng số 3.089 vụ án các loại, đạt tỷ lệ 79,9%. Chất lượng xét xử, giải quyết các loại án tiếp tục nâng cao, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán là 0,41%, án bị sửa do lỗi chủ quan chiếm 1,42%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu thi đua mà TAND Tối cao quy định.

Nhằm nâng cao chất lượng xét xử, TAND hai cấp phối hợp hiệu quả với Viện KSND cùng cấp tổ chức thành công 34 phiên tòa rút kinh nghiệm. Đây được xem là giải pháp đột phá và thiết thực giúp đội ngũ làm công tác xét xử nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi nâng cao kỹ năng xét xử, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án. Từ đó thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp.

Tội phạm ngày càng trẻ hóa đang có dấu hiệu gia tăng đáng báo động.
Tội phạm ngày càng trẻ hóa đang có dấu hiệu gia tăng đáng báo động.

Quá trình giải quyết các vụ án, TAND hai cấp chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và công dân. Những phán quyết Tòa án căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và trên cơ sở xem xét toàn diện, khách quan các chứng cứ vụ án theo đúng yêu cầu Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

TAND hai cấp có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp và tranh thủ sự hướng dẫn, chỉ đạo từ Tòa án cấp trên nên việc giải quyết, xét xử các vụ án bảo đảm đúng quy định pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình.

Để  nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử, thời gian tới, TAND hai cấp tỉnh cần thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, TAND Tối cao và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh liên quan đến hoạt động Tòa án, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Không để án quá hạn luật định và nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử, chú trọng chất lượng tranh tụng tại phiên tòa bảo đảm các phán quyết của Toà án phải đúng pháp luật, bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp công dân.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án trọng điểm, nhất là những vụ án lớn mà dư luận xã hội quan tâm; tập trung làm tốt công tác hòa giải và tăng cường đối thoại; tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa xét xử lưu động.

T.Long (thực hiện)

Phòng, chống sốt xuất huyết, tất cả cùng chung tay

* Đồng chí Nguyễn Đức Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế

Thời gian qua, tình hình sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh ta diễn biến hết sức phức tạp. Tính đến cuối tháng 11-2019, toàn tỉnh đã có 11.831 người mắc SXH, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2018 và đã có 3 bệnh nhân SXH (có kèm bệnh lý khác) tử vong. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dịch SHX bùng phát mạnh là do biến đổi khí hậu, nhiệt độ toàn cầu tăng, thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa… tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Sở Y tế tổ chức các buổi làm việc với những địa phương có tỷ lệ người mắc SXH cao nhằm bàn biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Sở Y tế tổ chức các buổi làm việc với những địa phương có tỷ lệ người mắc SXH cao nhằm bàn biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

Để phòng, chống SXH hiệu quả cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương và mỗi người dân. Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo phân cấp của Chính phủ”. Như vậy, trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh là của tất cả các cơ quan nhà nước và cộng đồng, trong đó ngành Y tế là cơ quan tham mưu về chuyên môn, kỹ thuật.

Nhận định về những diễn biến phức tạp của dịch SXH, ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 22-2-2019 về phòng, chống dịch bệnh tỉnh Quảng Bình và Kế hoạch số 207/KH-UBND về phòng chống SXH năm 2019; tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 9-8-2019 về tăng cường các biện pháp phòng chống SXH trên địa bàn tỉnh; đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng, chống SXH.

Ngành Y tế đã tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc SXH để có biện pháp xử lý kịp thời và chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thu dung điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy, trong điều kiện số người mắc SXH nhập viện tăng đột biến, song các bệnh viện đã có nhiều giải pháp nhằm khắc phục khó khăn để điều trị tốt cho bệnh nhân.

Ngành cũng đã tăng cường các hoạt động dự phòng như phối hợp với các địa phương triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, chủ động bố trí nguồn nhân lực, phương tiện, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch SXH. Đến tháng 11-2019, dịch SXH có dấu hiệu giảm dần tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuy nhiên, SXH là bệnh dịch lưu hành quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa, vì vậy, công tác phòng, chống SXH phải được duy trì thường xuyên, không được lơ là, mất cảnh giác. Đặc tính truyền bệnh SXH là do muỗi nhưng việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn (4-5 giờ sau phun).

Muốn phòng, chống SXH hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương, mỗi người dân trong việc chủ động triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, tập trung vào việc xử lý các vũng nước tồn đọng nhằm ngăn chặn sự sinh sản của muỗi truyền bệnh theo phương châm “không có lăng quăng/bọ gậy, không có sốt xuất huyết”.

Nhật Văn (thực hiện)