Thực hiện chính sách dân tộc ở Trọng Hóa: Những kinh nghiệm rút ra

  • 08:35 | Thứ Sáu, 29/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Là xã miền núi biên giới, đặc biệt khó khăn của huyện Minh Hóa, Trọng Hóa được hưởng lợi từ các chương trình, chính sách hỗ trợ, đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách dân tộc nơi đây vẫn còn dàn trải, thiếu tập trung, rất cần một đề án hỗ trợ mang tính tổng thể trước mắt và lâu dài.

Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Hồ Phin chia sẻ: “Được hưởng lợi từ các chính sách dân tộc, trong những năm qua, Trọng Hóa đã đồng loạt triển khai Chương trình 134 và 135 giai đoạn III, chính sách cho vay vốn để phát phát triển sản xuất theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo thuộc vùng khó khăn, người có uy tín trong ĐBDTTS, về y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường...

Sự hỗ trợ, đầu tư từ chính sách dân tộc đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo qua hàng năm, làm thay đổi đáng kể diện mạo của xã”.

Trọng Hóa hiện có 18 bản với 902 hộ, 4.433 khẩu; trong đó có 96% hộ ĐBDTTS Bru-Vân Kiều (tộc người Khùa) và Chứt (tộc người Mày, Mã Liềng, Sách). Theo chân Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Hồ Phin, chúng tôi thực hiện chuyến thực tế về các bản và được chứng kiến nhiều hộ ĐBDTTS đã vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng các mô hình, trang trại chăn nuôi cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm, như: chăn nuôi dê, lợn cái sinh sản, trồng ổi, bưởi da xanh.

Riêng mô hình chăn nuôi dê tại các bản được bà con đầu tư chăm sóc bài bản, ngày càng phát triển về số lượng và bước đầu đã tạo thêm nguồn thu nhập ổn định.

Hiện nay, xã có số hộ ĐBDTTS làm ăn khá giỏi, có thu nhập bình quân từ 40 đến 100 triệu đồng/hộ/năm ngày càng tăng. Tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của xã có các hộ: Hồ Chon, Hồ Đăm, Hồ Nu, Hồ Thân, Hồ Phoong, Hồ Két, Hồ Kinh, Hồ Khiên, Hồ Thị Thanh…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang và các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự lễ trao tặng công trình nước sạch trị giá 80 triệu đồng cho bản La Trọng 2, xã Trọng Hóa.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang và các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự lễ trao tặng công trình nước sạch trị giá 80 triệu đồng cho bản La Trọng 2, xã Trọng Hóa.

Thực hiện các dự án, chính sách thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, Trọng Hóa đã được hỗ trợ, đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình về giao thông nông thôn, trạm y tế, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa.

Đến nay, trên địa bàn xã có 15/18 bản có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 11/18 bản có đường ô tô đến trung tâm.

Trong năm 2019, hệ thống cơ sở hạ tầng của xã tiếp tục được đầu tư các công trình như: đường vào bản Lé, bản K Rét và đường nội vùng bản Cha Cáp, nâng cấp tuyến đường vào bản Khe Cấy, đường giao thông nội vùng xã, xây dựng Trường mầm non số 1 tại bản Khe Rôông, xây dựng các nhà lắp ghép tại các bản: Khe Cấy, Ông Tú, Khe Rôông…

Nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình: 134, 167, 33 của Chính phủ và đặc biệt là chương trình xây dựng nhà “Đại đoàn kết” của Mặt trận các cấp, nhiều hộ nghèo ĐBDTTS trên địa bàn xã Trọng Hóa đã từng bước xóa nhà tạm, ổn định cuộc sống. Các dự án về xây dựng trung tâm cụm xã miền núi; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, bản; hỗ trợ nâng cao đời sống nhân dân... đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực.

Là xã có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều điểm trường lẻ nằm ở các bản vùng sâu, vùng xa, phải đi qua khe suối nên làm ảnh hưởng đến việc đi học của con em ĐBDTTS. Đây cũng là một trong những cản trở lớn đối với công tác phát triển giáo dục và đào tạo nơi đây. Thực hiện đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2015-2019, trên địa bàn xã đã được hỗ trợ xây dựng 51 phòng học, chấm dứt cảnh phải mượn nhà cộng đồng làm điểm trường.

Ngoài ra, thông qua các nguồn vốn xã hội hóa, xã được đầu tư xây dựng 15 phòng học tại các bản: Dộ, Sy, Ra Mai, Pa Choong, Lòm, Hưng… với tổng số vốn trên 4,3 tỷ đồng.

Dẫu được quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, chính sách cho vùng ĐBDTTS, nhưng đến nay, Trọng Hóa vẫn là một trong những xã biên giới có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Minh Hóa. Theo tổng điều tra đa chiều năm 2019, tỷ lệ hộ đói nghèo của xã là 81,56%. Cơ sở hạ tầng của xã mặc dù đã được đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh, tỷ lệ đường liên bản được cứng hóa đạt chuẩn chỉ chiếm gần 58%.

Toàn xã chỉ có 16,6% đường ngõ, xóm không lầy lội vào mùa mưa; 11% đường ngõ, xóm được cứng hóa và hiện có 8 tuyến đường ra khu sản xuất tại các bản: K Oóc, Ông Tú, Lé, Ra Mai, Sy, Cha Cáp, Lòm, Dộ chưa được đầu tư xây dựng. Các tuyến đường này hiện trạng chủ yếu là đường mòn, không sử dụng được các phương tiện cơ giới như: ô tô, xe máy để phục vụ sản xuất.

Đặc biệt, đa số các công trình cấp nước tự chảy tập trung trên địa bàn xã đều được đầu tư xây dựng từ giai đoạn 2007-2009 và đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ hoạt động được khoảng 30% công suất. Các bản: K Rét, Lé, Pa Choong, K Oóc, Lòm chưa được đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung nên dẫn đến tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt. Hiện tại, đa số bà con phải dùng nước tại các điểm khe, suối xa nơi ở, không bảo đảm vệ sinh.

Ông Đinh Xuân Tiến, Trưởng phòng Dân tộc, UBND huyện Minh Hóa nhấn mạnh: “Những vấn đề thiết yếu mà nhân dân Trọng Hóa cần nhất hiện nay là hệ thống cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà ở kiên cố để an cư lạc nghiệp, đường vành đai phục vụ sản xuất, nâng cấp và xây dựng hệ thống giao thông nội bản...

Từ kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ, đầu tư cho vùng ĐBDTTS xã Trọng Hóa, cần có sự thay đổi căn bản về cơ chế chính sách cho vùng dân tộc, miền núi bảo đảm ngày càng sát với thực tế và tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất”.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các chính sách dân tộc đối với địa bàn đặc biệt khó khăn như xã Trọng Hóa, tỉnh cần có chủ trương xây dựng một cơ chế đầu tư đặc thù cho các xã biên giới có trên 90% ĐBDTTS; trong đó ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển bền vững kinh tế-xã hội, nhất là đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

Thực tế cho thấy, địa bàn cư trú của ĐBDTTS luôn gắn với núi rừng, là vùng chiến lược về an ninh-quốc phòng, bảo vệ biên giới, vì vậy, bà con luôn có nguyện vọng nhận được các chính sách ưu đãi trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc bảo vệ rừng, tạo nguồn thu nhập ổn định từ việc bảo vệ rừng. 

Hiền Chi