Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV:

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tích cực tham gia ý kiến

  • 07:48 | Thứ Năm, 28/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Vào những ngày cuối của kỳ họp, mặc dù khối lượng công việc nhiều nhưng các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình vẫn tích cực nghiên cứu tham gia phát biểu ý kiến góp ý với các dự án luật dự kiến xem xét, thông qua tại các kỳ họp sau tại các phiên thảo luận ở tổ và hội trường.

Đại biểu Nguyễn Văn Man phát biểu thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Văn Man phát biểu thảo luận tại hội trường.

Trong phiên thảo luận tại hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu bày tỏ quan điểm đồng tình cơ bản với các nội dung được báo cáo đề cập tới.

Theo đại biểu, việc thực hiện Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành không chỉ là một chủ trương của Đảng để nâng cao kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế cạnh tranh của đất nước đối với thế giới mà còn là giải pháp giải quyết nhu cầu cấp bách đối với sự quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đại biểu cũng so sánh vị thế và khả năng đáp ứng của cảng hàng không Việt Nam so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore để thấy được sự cần thiết phải xây dựng sân bay này. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng dự án này sẽ là giải pháp đột phá để kích thích, phát triển vùng kinh tế phía Nam với đặc tính kinh tế năng động, giàu tiềm năng.

Để Dự án giai đoạn 1 được triển khai thực hiện có hiệu quả, đại biểu đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải lưu ý đẩy nhanh tiến độ thi công; đặc biệt, cần thẩm định chọn đúng doanh nghiệp, đúng đối tượng, không để thất thoát vốn, không gây lãng phí, vừa đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình.

Theo đại biểu, cần phải xem xét để loại trừ ngay từ ban đầu những doanh nghiệp hạn chế về năng lực, về chất lượng công trình và cần xử lý chu đáo vấn đề bồi thường, không để thiệt hại đến đời sống, kinh tế, phù hợp với nguyện vọng của người dân; đồng thời, giải quyết dứt điểm đối với những trường hợp lợi dụng việc bồi thường để gây yêu sách, cản trở tới tiến độ thi công.

Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng có bài phát biểu đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bài phát biểu được chuẩn bị công phu; tuy vậy, do không còn thời gian nên đại biểu chỉ đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vào Luật một số quy định. Cụ thể, sau khi phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét nâng địa vị pháp lý của Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu từ vị trí là cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lên thành Ủy ban của Quốc hội.

Đại biểu đồng tình với việc tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách; tuy vậy, theo đại biểu, để không làm tăng biên chế, trong các nhiệm kỳ sau cần chú trọng việc tái cử các đại biểu chuyên trách còn có khả năng đóng góp, vì đội ngũ này có nhiều kinh nghiệm hoạt động Quốc hội.

Đối với việc xem xét báo cáo của Chính phủ và báo cáo giám sát của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018, tại phiên thảo luận ở hội trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã thay mặt Đoàn đóng góp nhiều ý kiến xác đáng. Đại biểu cho rằng, phòng cháy, chữa cháy là một vấn đề hết sức hệ trọng.

Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng, Đảng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, Quốc hội đã ban hành luật, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực; nhận thức, ý thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực; theo đó, công tác phòng cháy, chữa cháy đã đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, theo đại biểu, thực tế xảy ra có thể khẳng định là phòng cháy, chữa cháy của chúng ta dù cố gắng đến đâu cũng chưa tốt. Bình quân mỗi năm có 30 vụ cháy lớn xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Từ việc đồng ý đối với các nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trong phòng cháy và chữa cháy mà các báo cáo đã chỉ ra, đại biểu đưa ra một số kiến nghị cụ thể, sát hợp với thực tiễn. Đặc biệt, đại biểu đề nghị pháp luật cần có quy định đối với các chung cư cao tầng, các khách sạn “không để tầng hầm làm nơi đậu xe, mỗi xe có một thùng xăng và tầng hầm nơi đậu xe máy, xe ô tô trở thành kho xăng dầu, khi cháy thì không thể nào mà cứu chữa được”.

Đại biểu cũng đề nghị tăng cường đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác chữa cháy được hiệu quả, vì hiện tại phương tiện chữa cháy của chúng ta đa số đã lạc hậu, không đảm bảo công tác chữa cháy khi cháy lớn xảy ra. Tăng cường vai trò của lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, “từng địa bàn, từng khu vực, từng khu dân cư phải có tổ phòng cháy, chữa cháy”.

Khi có cháy thì tổ này là tổ đầu tiên phải xử lý, kịp thời chữa cháy, báo lực lượng chức năng ứng phó; vì nhiều nơi, nhất là khu vực đô thị có mật độ dân cư đông, giao thông đi lại khó khăn, khi xảy ra cháy mà đợi lực lượng chức năng đến cứu chữa thì đã muộn.

Trong phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo “Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương tiếp tục đăng đàn phát biểu.

Trước hết, đại biểu bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ việc thí điểm và cho rằng, việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp xã, phường đã thể hiện sự đột phá của Hà Nội trong việc thể chế hóa kịp thời Kết luận của Bộ Chính trị về đánh giá chính quyền đô thị Hà Nội và Nghị quyết của Quốc hội trong vấn đề tinh giản biên chế và sắp xếp lại tổ chức bộ máy; đồng thời “đáp ứng với yêu cầu phát triển về trình độ đô thị hóa, hội nhập quốc tế ở tại Thủ đô Hà Nội; yêu cầu trực tiếp đổi mới, cải cách bộ máy, tổ chức tinh gọn, giảm cấp trung gian, giảm thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt và hiệu lực hơn, hiệu quả hơn”.

Theo đại biểu, với dự thảo Nghị quyết, thành phố Hà Nội ở khu vực đô thị sẽ thực hiện mô hình 2 cấp chính quyền: Cấp thành phố và cấp quận, thị xã. Ở cấp phường sẽ thí điểm không tổ chức cấp chính quyền và không có tổ chức Hội đồng nhân dân mà chỉ có cơ quan hành chính là Ủy ban nhân dân để thực hiện một số công việc quản lý hành chính nhà nước và cung cấp một số dịch vụ công.

Cũng có thể coi đây như là cánh tay nối dài của chính quyền quận. Nếu việc thí điểm trên phạm vi Hà Nội thành công, sau thí điểm có tổng kết, đánh giá thấy có hiệu quả thì áp dụng nhân rộng trong phạm vi cả nước nhằm sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế.

Trong phiên thảo luận đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, đại biểu Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 đã phát biểu đồng tình cơ bản đối với các nội dung được sửa đổi, bổ sung. Tuy vậy, để dự án Luật được thông qua đảm bảo chất lượng, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số quy định.

Trước hết, đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai: Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 cần bổ sung thêm hiện tượng hỏa hoạn do nắng nóng vào sau cụm từ nắng nóng; sửa lại cụm từ các loại thiên tai khác thành các hiện tượng tự nhiên bất thường khác để phù hợp hơn với định nghĩa về thiên tai.

Về sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 3, cần bổ sung các loại công trình chống ngập, chống lũ ống vào công trình phòng chống thiên tai; giải thích rõ nhà kết hợp sơ tán dân là công trình gì.

Về sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 5 nên đưa cụm từ điều tra cơbản lên trước và diễn đạt lại thành “Hàng năm tiến hành điều tra cơ bản để có chính sách đồng bộ về đầu tư, huy động nguồn lực và giải pháp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai; ưu tiên đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm; hỗ trợ địa phương xây dựng công trình phòng, chống thiên tai theo phân cấp của Chính phủ; trong đó, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các địa phương thường xuyên chịu sự tác động của thiên tai, kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn”.

Về bổ sung Khoản 6 vào Điều 5, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để có quy định đầy đủ, chặt chẽ hơn. Về sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 6, theo đại biểu,cần nghiên cứu, đối chiếu với các quy định pháp luật liên quan như Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật phòng, chống thiên tai hiện hành để có quy định phù hợp hơn. Đối với việc thay cụm từ chính xác bằng cụm từ đủ độ tin cậy trong sửa đổi Khoản 1 Điều 24, đại biểu không đồng tình và đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành để làm tốt công tác dự báo, cảnh báo.

Trong phiên thảo luận tại hội trường đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phát biểu bày tỏ quan điểm đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật; đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ; đồng thời góp ý thẳng vòa một số quy định.

Trước hết, sau khi phân tích một số bất cập, hạn chế của Luật Giám định tư pháp hiện hành, đại biểu đề nghị cần mở rộng phạm vi sửa đổi của dự án Luật, hướng tới một số vấn đề mà luật hiện hành chưa có quy định, như: phạm vi, chính sách xã hội hóa giám định tư pháp, sự trùng lắp trong giám định tư pháp công lập…

Đại biểu bày tỏ quan điểm tán thành đối với việc bổ sung nhiệm vụ thực hiện giám định tư pháp cho Kiểm toán nhà nước và đưa ra một số lý do để bảo vệ quan điểm của mình. Tuy vậy, đại biểu cho rằng nội dung bổ sung nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước tại Điều 41a là chưa đầy đủ và phù hợp, vì nội dung bổ sung này tách biệt khỏi nội dung điều 20 quy định về Công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Theo đó, đại biểu đề nghị xem xét để có quy định phù hợp hơn; đồng thời nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán nhà vào Điều 20 của dự thảo Luật.

Đại biểu cũng tán thành với việc cần thiết phải bổ sung quy định về thời hạn giám định trong điều tra. Tuy vậy, theo đại biểu, việc quy định thời hạn tối đa là 3 hoặc 4 tháng; có thể được gia hạn nhưng phải bảo đảm thời hạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự là không khả thi và không đồng bộ với Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, dự thảo không quy định rõ là việc gia hạn có nằm trong thời hạn tối đa hay không; dự thảo cũng chưa có quy định về thời hạn giám định lại, giám định bổ sung. Từ những vấn đề trên, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để bổ sung quy định thật phù hợp. Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, vì Bộ luật này chỉ quy định về thời hạn giám định đối với các trường hợp bắt buộc giám định, còn đối với các trường hợp khác được quy định là thực hiện theo Quyết định giám định, chứ không phải là thực hiện theo Luật Giám định tư pháp, do đó, quy định này không còn phù hợp.

Đại biểu còn đề nghị không bổ sung tên gọi của một tổ chức giám định pháp ý tâm thần, cụ thể là Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa vào dự thảo luật, vì sẽ không bảo đảm tính linh hoạt, bao quát chung của một đạo luật và cũng không đồng bộ với các quy định khác của hệ thống pháp luật.

Vào những ngày cuối của kỳ họp, mặc dù khối lượng công việc nhiều nhưng các đại biểu vẫn tích cực nghiên cứu tham gia phát biểu ý kiến góp ý với các dự án luật dự kiến xem xét, thông qua tại các kỳ họp sau tại các phiên thảo luận ở tổ và hội trường.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đã có bài phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; đại biểu Nguyễn Ngọc Phương có thêm những ý kiến đóng góp trong tham gia thảo luận tại hội trường đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Cùng với việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng luật, biểu quyết thông qua luật, các đại biểu tập trung nghiên cứu các dự thảo nghị quyết đã được bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện để biểu quyết thông qua; tham gia họp Đoàn để thảo luận, quyết định công tác nhân sự; góp ý đánh giá về cách thức tổ chức, kết quả kỳ họp.

Chiều ngày 27-11-2019, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV chính thức bế mạc; các đại biểu Quốc hội tỉnh trở về địa phương để tiến hành các hoạt động chuẩn bị cho việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp.

Phong Hồng-Hồng Nhung