Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV:

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tích cực tham gia chất vấn

  • 08:35 | Thứ Tư, 20/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày làm việc tiếp theo của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến tại các phiên thảo luận và chất vấn các Bộ trưởng.
 
Trong phiên thảo luận tại hội trường về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã có ý kiến phát biểu. 
 
Đại biểu tập trung phân tích thực trạng nhức nhối của tệ nạn mua bán người thông qua hình thức đưa người đi xuất khẩu lao động “chui”; chỉ ra những hình thức tinh vi mà loại tội phạm này đã sử dụng để “lách luật” trong thời gian qua, như: sử dụng công nghệ thông tin tìm kiếm nạn nhân, môi giới qua nhiều khâu trung gian khác nhau, sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành để đưa nạn nhân đi sâu vào nội địa các nước láng giềng…
 
Qua phân tích, đại biểu đã chỉ ra những bất cập trong công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của việc tham gia vào những đường dây buôn bán người; đồng thời, đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan trong việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý an ninh biên giới, quản lý xuất nhập cảnh, việc giải quyết công ăn việc làm để nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, việc tổ chức đưa người đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức.
 
Từ những vấn đề đặt ra, đại biểu đề xuất một số biện pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng mua, bán người đã và đang diễn biến phức tạp hiện nay; trước hết, cần quán triệt phương châm phòng ngừa là chính để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về thủ đoạn, hoạt động và mối nguy hiểm của loại tội phạm này; cần làm rõ, cụ thể hơn trách nhiệm quản lý nhà nước trong mỗi vụ việc để rút ra các bài học kinh nghiệm.
 
Quan tâm tổ chức tốt công tác phòng, chống mua bán người bằng nhiều biện pháp đồng bộ về kinh tế, hành chính, pháp luật; lồng ghép công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người với chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở các địa bàn khó khăn, khu vực nông thôn. Quan tâm tiếp nhận, hỗ trợ, tạo điều kiện đưa nạn nhân trở về với gia đình, cộng đồng và ổn định cuộc sống cho họ. Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế để phối hợp ngăn chặn hiệu quả tội phạm này không để diễn biến ngày một phức tạp.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường.
Trong 3 ngày (từ ngày 6 đến ngày 8-11), Quốc hội đã dành thời gian tiến hành các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với các vấn đề thuộc 4 lĩnh vực: Nông nhiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông.
 
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã nêu 2 câu hỏi: “Một là, hiện nay, việc đánh bắt khai thác nguồn lợi thủy sản cả nước chủ yếu là do người dân tự chủ về kinh nghiệm, kỹ thuật đánh bắt, Bộ trưởng chưa có những giải pháp để giúp người dân tham gia đánh bắt ở kỹ năng, kỹ thuật cao hơn. Vì vậy cho nên, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là đối với các tàu lớn mới đóng theo Nghị định số 67. Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc đó có đúng không và có giải pháp gì để giúp người dân trong thời gian sắp tới. Hai là, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo những bước đột phá, biến đổi, đưa lại niềm vui cho người dân. Tuy nhiên, sự biến đổi khí hậu của Việt Nam diễn biến thất thường, nguy cơ tiềm ẩn sạt lở đê điều, đập, hồ thủy lợi. Thực tế hàng năm kinh phí đầu tư lại chưa được đáp ứng yêu cầu. Vậy Bộ trưởng cho biết, nỗi lo lắng của người dân có đúng không và giải pháp trong thời gian tới như thế nào? Bộ trưởng lý giải để cho người dân yên tâm và không lo ngại đến nguy cơ sạt lở”.
 
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đối với vấn đề thứ nhất, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay, chúng ta có khoảng 96.000 phương tiện đánh bắt cá, trong đó có 2.618 phương tiện rất hiện đại, có công suất từ 800 mã lực trở lên. Tuy nhiên, “đối với những phương tiện dưới 15m, đặc biệt phương tiện dưới 12m và những phương tiện 6m thì trang thiết bị còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến năng suất khai thác, hiệu quả kinh tế chưa cao, kể cả về năng suất, kể cả về hao hụt, về hậu cần thì đều còn chưa đáp ứng”. Theo Bộ trưởng, hiện chúng ta đang tái cơ cấu lại ngành thủy sản, hải sản theo hướng từng bước hiện đại đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững.
 
Đối với vấn đề thứ hai, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định phát triển nông thôn có được những tiến bộ; tuy nhiên, nếu chúng ta không có giải pháp căn cơ thì trước tác động biến đổi khí hậu, những thành quả vừa qua kể cả trong lĩnh vực nông thôn mới có những địa phương sẽ về không. Đây là một thực tế, bởi vì tác động biến đổi khí hậu hiện nay ngày một khốc liệt; trong 3 năm gần đây, tỷ lệ thiệt hại đối với vùng miền núi sạt lở, lũ ống, lũ quét đang trở thành một trong những hiện tượng dị thường mà thiệt hại nặng nhất. Theo Bộ trưởng, chúng ta đã và đang tổ chức các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt, cố gắng dự báo được sát hơn, kịp thời hơn. Thứ hai, tăng cường các khâu trong quá trình ứng phó với phương châm tích cực, đồng bộ hơn... Thứ ba, tới đây, trong chương trình đầu tư nguồn lực trung hạn, việc đầu tư phát triển bền vững bằng các nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu phải được coi là một nhóm nguồn lực ưu tiên nhất.
 
Tiếp đó, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu câu hỏi gồm 2 vấn đề: “Một là, đề nghị Bộ trưởng cho biết có bao nhiêu dự án năng lượng điện tái tạo chậm tiến độ. Bộ trưởng có giải pháp gì để cho các doanh nghiệp thực hiện được dự án của mình mà không bị phá sản, đồng thời tăng nguồn điện lực cho tất cả các cơ quan hiện nay. Hai là, hiện nay tiến độ thực hiện các dự án điện gió bị chậm, nguyên nhân không phải là do doanh nghiệp mà do vướng mắc của Luật Quy hoạch. Đến nay, Quốc hội đã ban hành nghị quyết hướng dẫn, Chính phủ vẫn chưa ra nghị định. Vậy, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp theo Nghị định số 39 của Chính phủ năm 2018 trong phát triển các dự án điện gió có được kéo dài hay không? Đề nghị Bộ trưởng trả lời, nếu không trả lời được thì đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời”.
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay chúng ta còn có gần 260 dự án điện mặt trời với tổng công suất tới 28.300MW đang chờ để được đưa vào quy hoạch; có 150 dự án điện gió với khoảng 4.800MW đang đợi phê duyệt, ngoài ra còn có 8 dự án lớn về điện khí LNG nhập khẩu đang nghiên cứu và báo cáo trình Chính phủ. Chưa kể đến các dự án lớn, khoảng hơn 300 dự án về hệ thống hạ tầng, trong đó có đường chuyển tải điện, các trạm biến áp... cũng đang cần được đổi bổ sung vào quy hoạch để giảm tải công suất.
 
Sau khi có hướng dẫn của Quốc hội về giải thích pháp luật đối với Luật Quy hoạch, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tổng hợp, thẩm định các dự án đưa vào quy hoạch tích hợp để bổ sung trong quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện ngay trong năm 2020 để đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế của đất nước. Còn đối với điện gió, sau tháng 11-2021 chúng ta sẽ áp dụng theo cơ chế khuyến khích mới và việc này Thủ tướng Chính phủ sẽ có văn bản chỉ đạo để đảm bảo cơ chế mới vẫn khuyến khích phát triển, khắc phục được những mặt hạn chế và phát huy được tính tích cực của cơ chế trước đây, nhưng đồng thời cũng tạo nên môi trường công bằng và minh bạch cho tất cả các nhà đầu tư liên quan. “Kể cả trong điện mặt trời sắp tới cũng sẽ thực hiện như vậy, kể cả trong những phương án thực hiện tổ chức đấu thầu cho các dự án điện mặt trời”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình có 2 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phản ánh, việc tinh giản biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy nhà nước được nhân dân và cử tri rất đồng tình; tuy nhiên, có xảy ra sự cố khi một số trường hợp giáo viên hợp đồng nhưng trong quá trình thi tuyển viên chức hay xét tuyển viên chức lại không được ưu tiên, dẫn tới bị cắt hợp đồng, gây nhiều bất bình, bức xúc. Từ phản ánh trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết “Bộ có giải pháp gì để giải quyết được những bức xúc, kiến nghị của cử tri trong vấn đề này?”.
 
Đại biểu Cao Thị Giang cho rằng, trong báo cáo của Bộ có nhận định vẫn còn có những sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, như: bổ nhiệm chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm quá số lượng quy định, chưa đáp ứng về trình tự, thủ tục, bổ nhiệm người nhà, người thân. Qua đó, đại biểu đề nghị "Bộ trưởng có thể công khai về các trường hợp này cho đại biểu Quốc hội và nhân dân biết để giám sát được hay không. Bộ sẽ có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?”
 
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, vấn đề xét tuyển giáo viên hoặc những người hoạt động trong lĩnh vực y tế mà có hợp đồng trước ngày 31-12-2015 cho đến nay có đóng bảo hiểm xã hội, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì thực hiện theo Kết luận 9028 và Công văn 1480 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, nếu xét đủ tiêu chuẩn, điều kiện và nếu còn trong tổng biên chế thì được xét chuyển thành viên chức.
 
Trả lời ý kiến của đại biểu Cao Thị Giang, Bộ trưởng cho rằng, khi có Kết luận 43 của Bộ Chính trị thì Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị của Trung ương làm báo cáo bước đầu tự kiểm tra về kết quả sai phạm từ công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, nâng ngạch, khen thưởng... Theo Bộ trưởng, “con số báo cáo kết quả kiểm tra này đã được Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp báo cáo chung cho Bộ Chính trị và Ban Bí thư; Bộ Nội vụ chỉ chịu trách nhiệm tổng kết báo cáo trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước nhập với báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương để làm báo cáo chung; con số này xin báo cáo với các vị đại biểu tôi sẽ không công bố tại đây”. Tuy nhiên, liên quan đến nội dung chất vấn của đại biểu Cao Thị Giang, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho biết tình hình chung của việc để xảy ra những sai phạm trong tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ, công chức thời gian qua.
 
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng,  đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu câu hỏi: “Thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi Luật An ninh mạng được ban hành thì tin nhắn rác lại xuất hiện nhiều, cùng với không ít video clip, tin bài phản cảm với nội dung đồi trụy, thiếu văn hóa. Nghiêm trọng hơn là thông tin nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền, nguy cơ an ninh mạng tiếp tục không bảo đảm. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước, các thị trường chứng khoán, ngân hàng thương mại có nguy cơ đối mặt bị kẻ xấu tấn công và không thể có dự đoán trước. Nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt, chịu thiệt hại cả vật chất, tinh thần lẫn tin nhắn rác lừa đảo đe dọa khủng bố. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp sắp tới xử lý như thế nào?”.
 
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trước khi có Luật An ninh mạng chúng ta đã giải quyết những vấn đề trên không gian mạng vì chúng ta đã có những cơ sở pháp lý khác; khi Luật An ninh mạng ra đời, có hiệu lực từ đầu năm nay thì việc này mạnh mẽ hơn.
 
Bộ trưởng đưa ra một số ví dụ để khẳng định cho những kết quả đạt được, như: “về làm việc với các nền tảng xã hội xuyên biên giới, trước đây đối với Facebook chúng ta yêu cầu 100 thì họ chỉ thực hiện khoảng 20-30 yêu cầu, gần đây do có nhóm làm việc nên tỷ lệ đã nâng lên đến 70%. Google ngày trước chúng ta nói 100 thì họ chấp hành cỡ khoảng 40-50 thôi, hiện nay chấp hành của họ đã lên đến mức 85%, thậm chí có một số nội dung lên đến hơn 90%. Ví dụ như, gỡ các game xấu độc, game đánh bạc thì tỷ lệ ngăn chặn của Google gần đây là 92%”.
 
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, cách đây 2 ngày Facebook cũng chính thức tuyên bố chặn những quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.
Phong Hồng – Diệu Linh