Hoàng Văn Thụ-người chiến sỹ cộng sản kiên trung

  • 09:56 | Thứ Bảy, 02/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

Ban Tuyên giáo Trung ương vừa ban hành đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (4-11-1909 - 4-11-2019). Báo Quảng Bình trân trọng giới thiệu toàn văn đề cương tuyên truyền.

I. KHÁI LƯỢC THÂN THẾ, CUỘC ĐỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ HOÀNG VĂN THỤ

Đồng chí Hoàng Văn Thụ, sinh ngày 4-11-1909 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Tuổi thiếu niên, được học tại Trường Tiểu học Pháp - Việt ở thị xã Lạng Sơn.

Trong thời gian học được chứng kiến nhiều biến động mới của phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi khắp cả nước, đặc biệt là cuộc đấu tranh của thanh niên, học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925), để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (1926) đã thôi thúc Hoàng Văn Thụ cùng nhóm học sinh yêu nước trong Trường Tiểu học Pháp - Việt tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; rồi sau đó tham gia rải truyền đơn ở thị xã Lạng Sơn.

Tháng giêng năm 1928, Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) sang Trung Quốc, bắt liên lạc với ông Bùi Ngọc Thành, đại diện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoạt động ở khu vực Long Châu - Nam Ninh, Trung Quốc. Với bí danh là Lôi Minh Hạ, Hoàng Văn Thụ vừa làm công việc của một người thợ cơ khí, vừa thâm nhập tuyên truyền gây dựng các cơ sở quần chúng bí mật giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Cuối năm 1928, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Đầu năm 1929, được giới thiệu vào làm việc ở “Tu giới sở”, thông qua hoạt động thực tiễn, Đồng chí đã gây dựng được một số cơ sở hoạt động bí mật ở Long Châu và sau đó được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), đồng chí Hoàng Văn Thụ được Chi bộ Đảng phân công phụ trách để phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn.

Sau cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh (1930-1931), thực dân Pháp ra sức đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam, Đồng chí được cấp trên giao nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo phát triển mở rộng phong trào quần chúng cách mạng ở Lạng Sơn. Đến đầu năm 1934, thay mặt Trung ương Đảng đồng chí Lê Hồng Phong tuyên bố thành lập Ban cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn và phân công đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp phụ trách.

Giữa năm 1938, Đồng chí được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công tăng cường chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Hải Dương.

Ngày 8-9-1939, Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) bàn chủ trương chỉ đạo phong trào cách mạng trong giai đoạn mới. Tại Hội nghị này, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.

Đầu năm 1940, Hội nghị Xứ uỷ Bắc Kỳ tiến hành họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông). Hội nghị chủ trương hoạt động bí mật để giữ vững cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng; đồng thời đẩy mạnh tập hợp lực lượng trong Mặt trận Dân tộc Phản đế, chuẩn bị mọi điều kiện để chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới khi tình thế chuyển biến. Hội nghị đã tiến hành bầu kiện toàn Ban Lãnh đạo Xứ uỷ, đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ.

Tháng 11 năm 1940, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 diễn ra tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, Đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng với đồng chí Trường Chinh và đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I). Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5-1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng.

Ngày 25-8-1943, Đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Mặc dù bị tra tấn cực hình, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn vững vàng trong tư thế hiên ngang của người chiến sĩ cộng sản trung thành với Đảng, với đồng bào, đồng chí. Không khuất phục được ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản, rạng sáng ngày 24-5-1944, kẻ thù đã xử bắn Đồng chí tại Tương Mai (Hà Nội), trong niềm đau thương vô hạn của đồng bào, đồng chí.

II. NHỮNG CỐNG HIẾN TO LỚN CỦA ĐỒNG CHÍ HOÀNG VĂN THỤ ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ ĐẤT NƯỚC

1. Tham gia gây dựng, củng cố phong trào cách mạng Việt Nam

Năm 1928, 1929 trong thời gian hoạt động ở Long Châu, Nam Ninh, (Quảng Tây, Trung Quốc), đồng chí Hoàng Văn Thụ làm thợ cơ khí của “Xưởng cơ khí Nam Hưng”, sau đó làm việc tại cơ sở công binh xưởng Quốc dân Đảng ở Long Châu. Tại đây, Đồng chí đã gây dựng được một số cơ sở hoạt động bí mật, trong đó cơ sở liên lạc thường xuyên là nhà ông Nông Nhân Bảo ở phố Bát Bảo, thị trấn Long Châu (Trung Quốc). Đây là cơ sở rất thuận lợi cho cán bộ cách mạng Việt Nam hoạt động ở khu vực Long Châu-Nam Ninh.

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, Chi bộ Hải ngoại Long Châu (Trung Quốc) được thành lập và chỉ đạo phong trào cách mạng vùng núi biên giới Việt - Trung, gồm các đồng chí: Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, Hoàng Hồng Việt... do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ được phân công phụ trách, cùng đồng chí Lương Văn Tri chỉ đạo xây dựng, phát triển phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn. Giữa năm 1930, Đồng chí đã chỉ đạo gây dựng được 03 tổ chức quần chúng trung kiên tại Lũng Nghịu, lan rộng tới các xóm Khưa Đa, Ma Mèo, Tà Lài thuộc xã Tân Yên, châu Văn Uyên (nay là huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Tại hang “Áng Cúm” trên dãy núi Khưa Đa, Ma Mèo, Đồng chí đã tổ chức in tài liệu tuyên truyền giác ngộ quần chúng yêu nước.

Sau cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930-1931), đồng chí Hoàng Văn Thụ được tham gia lớp bồi dưỡng lý luận cách mạng tại Long Châu, Trung Quốc và sau đó được đồng chí Lê Hồng Phong giao nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo phát triển mở rộng phong trào quần chúng cách mạng ở Lạng Sơn. Từ cuối năm 1932 đến đầu năm 1933, bằng sự hoạt động tích cực của mình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp chỉ đạo các tổ chức quần chúng trung kiên ở Khưa Lếch (Trung Quốc) và Khưa Đa, Ma Mèo, Tài Lài, xã Tân Yên (Văn Uyên, Lạng Sơn) và tổ chức rải truyền đơn ở nhiều nơi, làm cho kẻ thù hoang mang lo sợ; tạo đà cho phong trào quần chúng cách mạng tiếp tục được phát triển mạnh mẽ ở nhiều nơi.

Giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ tới gây dựng, chỉ đạo phong trào cách mạng tại xã Thuỵ Hùng (Văn Uyên). Tại đây Đồng chí đã tổ chức kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn và trực tiếp làm Bí thư. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Văn Thụ và các đảng viên chi bộ, đến cuối năm 1933, phong trào cách mạng không ngừng phát triển rộng khắp ở Văn Uyên.

Từ cuối năm 1934 đến đầu năm 1935, thực dân Pháp tăng cường khủng bố khốc liệt những chiến sĩ cộng sản và quần chúng trung kiên. Phong trào cách mạng ở Văn Uyên tạm thời lắng xuống, song đã lôi cuốn quần chúng tích cực ở Thất Khê (nay là thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định), Bắc Sơn tìm đến với tổ chức cách mạng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp tuyên truyền, giác ngộ và đưa nhiều quần chúng trung kiên từ Văn Uyên, Thất Khê sang dự các lớp huấn luyện cách mạng bí mật ở Lũng Nghịu - Long Châu. Các lớp huấn luyện này đã góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ cho việc gây dựng, củng cố phong trào cách mạng của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng.

Cũng khoảng thời gian này, tại địa bàn Văn Uyên, hệ thống các trạm liên lạc bí mật cũng được khôi phục, củng cố ở các xã Tân Yên, Thuỵ Hùng và Phú Xá. Các trạm liên lạc bí mật đã góp phần tích cực vào việc đưa, đón, bảo vệ an toàn, thuận lợi cho một số đại biểu ở trong nước đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức từ ngày 27-3 đến ngày 31-3-1935 tại Ma Cao (Trung Quốc).

Tháng 9-1936, đồng chí Hoàng Văn Thụ đến thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng (Bắc Sơn) tổ chức kết nạp đảng viên và thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Bắc Sơn. Từ năm 1936 - 1939, chi bộ Đảng ở Bắc Sơn và các tổ chức quần chúng trung kiên ở Thất Khê đã tổ chức được nhiều cuộc đấu tranh, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia, tạo sức lan toả mạnh mẽ nhiều nơi trong tỉnh, làm cho chính quyền thực dân, phong kiến nhiều phen khốn đốn.

Đầu năm 1937, đồng chí Hoàng Văn Thụ tới Thông Nông (Cao Bằng) chỉ đạo vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp, đồng thời trực tiếp chỉ đạo mở một số lớp huấn luyện cán bộ ngắn ngày làm nòng cốt cho phong trào cách mạng ở Cao Bằng. Song song với việc tăng cường chỉ đạo phong trào cách mạng ở Thông Nông (Cao Bằng), ngày 11-4-1938, Đồng chí đã tới xã Phi Mỹ (nay là xã Tri Phương), huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn kết nạp đảng viên, tuyên bố thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Tràng Định.

Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản ở Bắc Sơn và Tràng Định đánh dấu bước trưởng thành vững chắc của phong trào cách mạng Lạng Sơn trong nhiều năm do đồng chí Hoàng Văn Thụ dày công xây dựng và phát triển.

Trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới và thực hiện sự phân công của Xứ uỷ Bắc Kỳ. Từ giữa năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ chỉ đạo củng cố phong trào cách mạng ở các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Yên và Hải Dương.

Đầu tháng 8-1938, sau gần 2 tháng củng cố phong trào đấu tranh của công nhân mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên), đồng chí Hoàng Văn Thụ về Thanh Hà (Hải Dương) để củng cố nhóm “Thanh niên dân chủ” và phong trào cách mạng sau thời gian bị khủng bố khốc liệt.

Cuối tháng 8-1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Xứ uỷ Bắc Kỳ về làng Vũ Di, huyện Vĩnh Tường tổ chức kết nạp các quần chúng trung kiên vào Đảng, tuyên bố thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Vĩnh Yên.

Thực hiện chủ trương của Xứ uỷ về việc củng cố và tăng cường phong trào đấu tranh của công nhân mỏ Quảng Ninh. Tháng 9-1939, với bí danh là Vân, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới mỏ than Hà Lầm. Trong vai người thợ đùn máng than, anh Vân đã lăn lộn với cuộc sống lao động cực nhọc của người công nhân, chắp nối, củng cố các cơ sở trung kiên, động viên, khích lệ, xây dựng và bồi đắp niềm tin đấu tranh cho công nhân mỏ. Những ngày ở mỏ than Hà Lầm không lâu, nhưng hình ảnh anh Vân - người cán bộ tận tuỵ vì phong trào đã để lại cho công nhân mỏ than Hà Lầm một tình cảm cách mạng sâu sắc.

Cùng với việc chỉ đạo phong trào cách mạng của nhiều tỉnh, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dành thời gian chỉ đạo củng cố Thành uỷ Hà Nội sau nhiều lần tan vỡ do bị kẻ thù khủng bố. Với sự chỉ đạo tích cực của Đồng chí, đến cuối năm 1939, Thành uỷ Hà Nội đã từng bước được phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ.

Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển Đảng bộ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên, củng cố được nhiều cơ sở Đảng ở Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Vĩnh Yên, Quảng Ninh và Hải Dương...

Sự phát triển vững chắc của các cơ sở Đảng ở các tỉnh đã đóng vai trò nòng cốt cho việc mở rộng phát triển phong trào cách mạng trên một địa bàn rộng lớn. Hoạt động của Đồng chí Hoàng Văn Thụ trên nhiều địa bàn, nhiều công việc khác nhau đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn xa, hiểu rộng.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG-TỈNH ỦY LẠNG SƠN

(Còn tiếp)