Kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và 20 năm Ngày Dân vận của cả nước:

Ngành Dân vận Quảng Bình: Phát huy truyền thống, nâng cao hiệu quả công tác

  • 09:37 | Thứ Hai, 14/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Cách đây 89 năm, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất, tháng 10 năm 1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của các Đảng bộ thượng cấp (từ thành ủy và tỉnh ủy trở lên) đã ra đời. Ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật đúc rút nên những nội dung tư tưởng cốt lõi về công tác dân vận, nhất là quan điểm về “Dân vận khéo”. Vào tháng 10-1999, trên cơ sở đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã quyết định lấy ngày 15-10 hàng năm là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và là Ngày Dân vận của cả nước.

Đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Công Huấn tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa.
Đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Công Huấn tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa.

Trong suốt 89 năm hình thành và phát triển, qua mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng, công tác dân vận có phương thức, nội dung khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Đồng hành với công tác dân vận của cả nước, ngành Dân vận tỉnh nhà từng bước được xây dựng và trưởng thành, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đất nước. Về mặt tổ chức, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mặc dù cơ quan tham mưu công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh chưa hình thành, song Đảng bộ tỉnh đã phân công 1 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách công tác dân vận, phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, góp phần viết nên truyền thống vẻ vang của “Quảng Bình quật khởi”, “Quảng Bình hai giỏi”.

Sau ngày tái lập tỉnh, thực hiện Quyết định số 20-QĐ/TU ngày 4-4-1992 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh uỷ Quảng Bình được thành lập với chức năng là cơ quan tham mưu giúp Tỉnh ủy về công tác dân vận của Đảng.

Từ đây hệ thống tổ chức của ngành Dân vận tỉnh nhà từng bước được hình thành, phát triển đồng bộ từ tỉnh xuống cơ sở; chức năng, nhiệm vụ được xác định ngày càng cụ thể, rõ ràng; chất lượng, hiệu quả mặt công tác ngày một nâng cao; vai trò, vị thế của ngành được khẳng định. Về nội dung công tác, ngành đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, tích cực chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, phối hợp với chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác dân vận trên địa bàn tỉnh.

Ngành đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy đảng có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án về công tác dân vận; tập trung chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo; thường xuyên sâu sát cơ sở, quan tâm nắm bắt tình hình nhân dân ở các địa bàn, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề nổi lên ở cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

Ngành Dân vận đã tích cực phối hợp với chính quyền, các cơ quan nhà nước triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về công tác dân vận; thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Ngành cũng đã phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức Mặt trận, đoàn thể ngày càng vững mạnh.

Mặt khác, tập trung tham mưu, phối hợp đẩy mạnh thực hiện các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xem đây là một trong những giải pháp trọng tâm để đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay.

Qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã xây dựng và làm lan toả hàng ngàn mô hình, điển hình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong các địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp tích cực vào sự phát triển, đi lên của tỉnh nhà.

Nhìn lại và tự hào về những thành tựu to lớn trong 89 năm qua, trước yêu cầu của thời kỳ mới, mỗi cán bộ, công chức ngành Dân vận của Đảng và đội ngũ làm công tác dân vận của hệ thống chính trị càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục phát huy tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp dân vận của Đảng” để tăng cường công tác tham mưu vận động nhân dân thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

Theo tinh thần đó, trong những năm tiếp theo, ngành Dân vận tập trung chăm lo kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy, cán bộ dân vận tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa XII), đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác.

Trong đó cần tập trung các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới” gắn với đẩy mạnh thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tỉnh. Tiếp tục bám sát cơ sở, các địa bàn, nắm bắt tình hình nhân dân để tuyên truyền, vận động nhân dân, kịp thời tham mưu giải quyết các vấn đề nổi lên, tạo sự đồng thuận và ổn định trong các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội.

Tập trung các giải pháp đẩy mạnh và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác dân vận chính quyền, xác định công tác dân vận chính quyền là khâu đột phá, là nội dung xuyên suốt, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong giai đoạn hiện nay để tích cực phối hợp với UBND, các cơ quan nhà nước cùng cấp triển khai các nội dung công tác dân vận gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, địa phương, đơn vị.

Tiếp tục tham mưu, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, tập trung hướng về cơ sở, tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức vững mạnh; tích cực giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Tăng cường công tác vận động đồng bào dân tộc, công tác tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, huy động sức mạnh, tiềm năng sáng tạo của các giai cấp, tầng lớp, các lực lượng trong toàn xã hội thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tiếp tục tham mưu, hướng dẫn chỉ đạo để đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác của các tổ chức trong hệ thống chính trị, tiếp tục xem đây là giải pháp trọng tâm để đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay và là nội dung thiết thực thực hiện tốt Di chúc và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Nguyễn Công Huấn
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy