Các bộ, ngành trả lời kiến nghị của cử tri Quảng Bình

  • 09:50 | Thứ Sáu, 04/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Một số bất cập khi triển khai các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người có công xây dựng nhà ở phòng, tránh lũ lụt; những vấn đề về tệ nạn xã hội, buôn bán xăng dầu giả; vấn đề lựa chọn nhà thầu xây dựng các công trình giao thông lớn, công trình trọng điểm quốc gia... là những kiến nghị nhiều cử tri đặt ra trong phiên tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV của Đoàn ĐBQH tỉnh. Sau khi tiếp nhận các kiến nghị được Đoàn ĐBQH tỉnh gửi thông qua Ban Dân nguyện, hiện nay, nhiều bộ, ngành đã trả lời các kiến nghị của cử tri Quảng Bình.

Tháo gỡ những vướng mắc trong xây dựng nhà ở chính sách

Cử tri kiến nghị nâng mức cho vay xây nhà chống lũ đối với hộ nghèo theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28-8-2014 của Thủ trướng Chính phủ để hỗ trợ người dân trong bối cảnh chi phí vật liệu xây dựng tăng cao. Bộ Xây dựng trả lời, các hộ gia đình tham gia Chương trình được nhà nước hỗ trợ không hoàn lại từ 12-16 triệu đồng/hộ và vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 15 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà.

Như vậy, cùng với sự chung tay của cộng đồng, dòng họ, với khoảng 40 triệu đồng, các gia đình đã có thể xây dựng một ngôi nhà kiên cố có sàn vượt lũ, có diện tích sử dụng tối thiểu 10m2, cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà.

Đối với những vùng khó khăn, các hộ già cả, neo đơn thì UBND các cấp cần huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội, kêu gọi kinh phí xã hội hóa từ doanh nghiệp, các mạnh thường quân để giảm chi phí xây dựng khi hỗ trợ cho các hộ này.

Bộ Xây dựng cũng thông tin thêm, đối với Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ còn cho phép lồng ghép Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định số 48/2014-QĐ/TTg với dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ thông qua UNDP với kinh phí 1.700 UDS/hộ.

Quảng Bình đã có 897 hộ nghèo được hỗ trợ theo diện này với mức hơn 60 triệu đồng/hộ.  Hiện nay, chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo xây nhà chống lũ đang đi đến giai đoạn cuối, dự kiến tổng kết vào năm 2021. Ý kiến tăng mức hỗ trợ, Bộ đã ghi nhận để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Cũng liên quan đến vấn đề hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25-7-2017 của Chính phủ về việc thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng mà cử tri phản ánh, theo quy định, Chương trình này phải hoàn thành dứt điểm trong năm 2018.

Dự án đường cao tốc Bắc-Nam có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.    (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Dự án đường cao tốc Bắc-Nam có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

(Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tuy vậy, hiện nay, tỉnh Quảng Bình có 1.394 hộ không thể thực hiện được trong năm 2018 do nhiều lý do khách quan và chủ quan (như: nguồn vốn đầu năm 2018 mới được Trung ương cấp mà gia đình đang có tang, đi làm ăn xa chưa về, chưa được tuổi làm nhà, một số hộ già cả neo đơn không thực hiện được...). Từ đó, cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ đối với các hộ có tên trong Đề án mà UBND tỉnh phê duyệt nhưng vì nhiều lý do chưa thể triển khai.

Trả lời kiến nghị trên, Bộ xây dựng khẳng định đã nắm được thông tin về các vướng mắc và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện việc hỗ trợ nhà cho đối tượng người có công đến hết ngày 31-12-2019.

Việc đấu thầu cần triển khai chặt chẽ, minh bạch

Trước kiến nghị của cử tri về việc cần thận trọng trong lựa chọn nhà thầu có năng lực khi triển khai các dự án lớn, như: đường cao tốc Bắc - Nam, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trả lời, Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện quy định về đầu thầu, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, uy tín. Thời gian tới, việc lựa chọn các dự án trọng điểm quốc gia sẽ được Bộ tiếp tục chú trọng để đảm bảo minh bạch, công khai trong đấu thầu.

Đối với việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức đầu tư PPP (hình thức đối tác công tư), theo quy định của pháp luật, quy trình này thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Tuy nhiên, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan quản lý, giám sát chặt chẽ việc lựa chọn nhà thầu của nhà đầu tư để đảm bảo nhà thầu tham gia đủ năng lực và sẽ có chế tài yêu cầu bổ sung, thay thế nhà thầu yếu kém nếu cần thiết.

Bộ cũng khẳng định đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuât, dự toán, quy định chặt chẽ về năng lực, kinh nghiệm… trước khi lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo lựa chọn những đơn vị đủ năng lực đối với các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Liên quan tới việc đấu thầu qua mạng, cử tri kiến nghị, hình thức đấu thầu qua mạng mới chỉ được áp dụng đối với gói thầu xây dựng tỷ lệ còn thấp, một số chủ đầu tư cố tình trì hoãn hoặc lựa chọn các gói thầu có giá trị thấp để đạt tỷ lệ của Chính phủ quy định nhưng giá trị thì rất nhỏ. Ngoài ra, hình thức đấu thầu qua mạng mới áp dụng cho các gói thầu xây lắp có giá trị dưới 20 tỷ đồng.

Trong công văn số 5365/KHĐT-TH ngày 31-5-2019, Bộ Kế hoạch-Đầu tư khẳng định lộ trình đấu thầu qua mạng đang được Bộ thực hiện theo quy trình từng bước. Theo lộ trình, đến năm 2021, việc đấu thầu qua mạng sẽ được tiến hành đối với tất cả các gói thầu thuộc thuộc lĩnh vực hàng hóa, phi tư vấn, tư phấn nhỏ hơn hoặc bằng 10 tỷ đồng, các gói thầu thuộc lĩnh vực xây lắp nhỏ hơn hoặc bằng 20 tỷ đồng, đồng thời tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 70% và tổng giá trị gói thầu trong năm đạt tối thiểu 35%.

Sang tới giai đoạn 2022-2025, các thông tin đấu thầu, hợp đồng sẽ được đăng tải 100% trên hệ thống và sẽ áp dụng mua sắm toàn bộ mua sắm tập trung qua mạng; đấu thầu qua mạng tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Như vậy, quy trình đấu thầu đang dần được công khai, minh bạch hơn để nâng cao chất lượng các công trình, sản phẩm được đấu thầu.

Làm rõ những thắc mắc liên quan đến hoạt động đầu tư tại Quảng Bình

Cử tri tỉnh Quảng Bình gửi kiến nghị đến Chính phủ phản ánh, giai đoạn 2017-2020, tỉnh Quảng Bình được Thủ tướng Chính phủ đầu tư dự án "Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông" với tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng.

Tuy  nhiên, trên thực tế, đến tháng 9-2017 dự án mới được bố trí kế hoạch vốn, nên trong năm 2017 chỉ giải ngân được một số công việc chuẩn bị đầu tư; đối với kế hoạch vốn năm 2018, dự án đã được Bộ Kế hoạch-Đầu tư bố trí với số vốn bao gồm cả kế hoạch đăng ký của năm 2019 và 2020, trong khi việc thi công công trình phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về trình tự kỹ thuật theo quy trình, không thể rút bớt tiến độ thi công của các hạng mục được… Do đó, cử tri kiến nghị xem xét phương án phân bổ các nguồn vốn bảo đảm phù hợp với tình hình thực hiện các dự án.

Trả lời ý kiến trên, Bộ Kế hoạch-Đầu tư khẳng định, xuất phát từ tính cấp thiết của dự án trên nên lãnh đạo Chính phủ đã huy động nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 để phân bổ tối đa 100% cho dự án trên.

Theo quy định tại Điều 76, Luật Đầu tư công, “thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm được kéo dài sang năm sau”, do đó, tỉnh cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và thực hiện việc giải ngân dự án theo quy định. Trường hợp đến hết thời gian quy định mà dự án không giải ngân hết kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018, Bộ sẽ tiếp tục tổng hợp, báo cáo Chính phủ để kéo dài thời gian thực hiện dự án theo Nghị định số 120/NĐ-CP.

Các kiến nghị liên quan đến báo chí

Cử tri phản ánh, hiện nay trên khắp cả nước có hàng trăm tờ báo, tạp chí, trong đó có những tờ tạp chí chuyên ngành có tỷ lệ người đọc rất thấp nhưng vẫn tiêu tốn ngân sách để duy trì bộ máy, in ấn phát hành.

Đáng chú ý, có tình trạng các tờ tạp chí chuyên ngành thường xuyên gửi thư mời đăng bài, chạy quảng cáo đến các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước. Hoạt động này không có tác dụng tuyên truyền, cũng không mang lại hiệu quả quảng cáo nào đáng kể mà còn phiền hà đến các cơ quan, doanh nghiệp, tiêu tốn tiền ngân sách.

Trả lời ý kiến cử tri, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết theo Điều 21, Luật Báo chí, cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu. Nguồn thu từ quảng cáo là một trong các nguồn thu của các báo, tạp chí này. Tuy vậy, việc thực hiện quảng cáo, đăng bài tuyên truyền là do cơ quan, tổ chức, cá nhân quyết định.

Bộ đã thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, chấn chính để các cơ quan báo chí hoạt động đúng luật, tránh các biểu hiện nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Điển hình là việc thiết lập đường dây nóng Cục Báo chí (đện thoại 086.5282828 và hộp thư điện tử: duongdaynongbaochi@mic.gov.vn) để tiếp nhận thông tiên liên quan đến việc lợi dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức.

Từ khi được thiết lập, đường dây nóng đã tiếp nhận hơn 1.500 cuộc gọi và gần 400 thư điện tử hỏi, phản ánh, trao đổi. Bộ đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân tăng cường trao đổi thông tin để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các cơ quan báo chí nói chung, đặc biệt là tạp chí chuyên ngành nói riêng có biểu hiện ép mời quảng cáo, nhũng nhiễu doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Trên đây là phần trả lời một số kiến nghị của cử tri Quảng Bình gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ngoài ra, nội dung trả lời các kiến nghị liên quan đến một số bất cập khi triển khai các Luật: Quy hoạch, Lâm nghiệp, Tố tụng hình sự, Tố tụng tư pháp... cũng được các Bộ liên quan trả lời. Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuyển tới các cơ quan liên quan để nghiên cứu, điều chỉnh trong quá trình triển khai.

Diệu Linh
(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình)