Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ III, năm 2019

"Hạt nhân" giữ rừng nơi biên giới

  • 08:13 | Thứ Ba, 10/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Bằng những nỗ lực, đóng góp hiệu quả trong công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự thống nhất cao trong cộng đồng về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia các dự án bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng, ông Đinh Xức, Trưởng bản Cà Roòng 2, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch xứng đáng là "hạt nhân" giữ rừng nơi biên giới…

Thượng Trạch là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Bố Trạch, tiếp giáp với nước CHDCND Lào, cách trung tâm thị trấn Hoàn Lão khoảng 100km về phía tây nam. Xã có diện tích tự nhiên trên 74.151ha; trong đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 73.384ha, rừng phòng hộ 6.563ha, rừng đặc dụng 54.060ha và rừng sản xuất 12.583 ha.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch luôn được giữ gìn, phát huy.
Lễ hội đập trống của người Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch luôn được giữ gìn, phát huy.

Thời gian qua, với trách nhiệm là trưởng bản, ông Đinh Xức luôn ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển rừng, cùng với cán bộ xã, cán bộ kiểm lâm tích cực tham gia phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng đối với đời sống của nhân dân. Từ đó, tuyên truyền, vận động người dân tích cực, tự giác tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Ông Đinh Xức chia sẻ: “Sau khi tham gia hội nghị đánh giá công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm của xã tổ chức, tôi nhanh chóng về triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn, tổ chức vận động các gia đình và người thân tham gia bảo vệ rừng, không khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy và thực hiện các hành vi xâm hại rừng trái phép.

Tại các buổi họp bản, tôi cùng Ban cán sự bản thường xuyên lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các nội dung văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng với vận động nhân dân tham gia bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Tôi còn gặp trực tiếp các đối tượng thường xuyên vào rừng khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng để tuyên truyền, vận động, làm bản cam kết để các đối tượng dần từ bỏ phương thức sống phụ thuộc vào rừng”.

Được sự hỗ trợ của cán bộ xã và kiểm lâm địa bàn, ông Đinh Xức và Ban cán sự bản Cà Roòng 2 đã thành lập các tổ, đội quần chúng bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng trong các cộng đồng dân bản. Các tổ, đội đã tích cực vận động người dân trong bản tham gia, phối hợp với lực lượng kiểm lâm, công an và lực lượng dân quân tự vệ xã trong công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ban cán sự bản đã chủ động lấy ý kiến của dân bản, tham gia góp ý, xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và phương án bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm; đưa việc bảo vệ và phát triển rừng vào hương ước, quy ước của bản.

Trước đây, với điều kiện địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, người dân trong bản làm nhà chủ yếu bằng gỗ được khai thác từ rừng. Việc này ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động của Ban cán sự bản và cá nhân ông Đinh Xức, bà con nay đã chuyển đổi nhận thức và thay thế cách thức làm nhà bằng vật liệu mới không ảnh hưởng đến việc bảo vệ và phát triển rừng.

Bên cạnh đó, ông Đinh Xức và Ban cán sự bản đã vận động nhân dân trong bản tham gia hỗ trợ bản Nịu thực hiện dự án trồng keo tại bản Nịu và hướng dẫn, tổ chức công tác quản lý,bảo vệ diện tích đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý.

Nhằm thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vào những tháng cao điểm nắng nóng trong năm, ông Đinh Xức đã không quản ngày đêm, tích cực đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động dân bản quản lý lửa rừng, không đốt nương rẫy, xử lý thực bì trong những ngày nắng nóng, đồng thời chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng chữa cháy khi có sự cố xảy ra.

Hiện nay, được sự cho phép của các ban, ngành chức năng, bà con được khai thác lâm sản ngoài gỗ (cây huyết đằng), ông Đinh Xức đã tích cực kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng khai thác sai vị trí, chủng loại lâm sản.

Phát, đốt nương rẫy là công việc thường xuyên và là tập quán sản xuất của ĐBDTTS nói chung và dân bản Cà Ròong 2 nói riêng. Việc đốt rẫy chủ yếu được thực hiện vào mùa nắng nóng. Vì vậy, nếu không có các biện pháp vén thực bì, theo dõi khi đốt rẫy thì nguy cơ cháy rừng rất lớn. Trước vấn đề này, ông Đinh Xức thường xuyên tổ chức các cuộc họp bản để quán triệt bà con về cách thức đốt nương rẫy và theo dõi việc đốt nương rẫy đúng, không để tình huống xấu xảy ra.

Từ các chương trình, dự án, nhiều hộ ĐBDTTS xã Thượng Trạch đã có nhà sàn khang trang để an cư.
Từ các chương trình, dự án, nhiều hộ ĐBDTTS xã Thượng Trạch đã có nhà sàn khang trang để an cư.

“Với trách nhiệm là trưởng bản, tôi luôn tích cực, giúp các ngành chức năng theo dõi, nắm tình hình, vận động các hộ có máy cưa xăng trên địa bàn ký ký cam kết không sử dụng máy cưa xăng vào các công việc vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, tôi còn yêu cầu bà con đề cao ý thức cảnh giác, báo cáo kịp thời những trường hợp, đối tượng lạ mặt vào địa bàn để phá rừng.

Tôi và tổ bảo vệ rừng của bản thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, trao đổi, phối hợp với lực lượng kiểm lâm định kỳ tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng tận gốc, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm bảo vệ rừng; báo cáo kịp thời những biến động về rừng đến các cơ quan chức năng để nhanh chống có biện pháp xử lý”, ông Đinh Xức cho biết thêm.

Bằng những nỗ lực, hành động, việc làm cụ thể, ông Đinh Xúc đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc nêu cao trách nhiệm của mọi người đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, là việc huy động bà con thực hiện tốt việc kết hợp giữa tập tục tốt đẹp của cộng đồng dân cư với những chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng.

Điều quan trong hơn là đến nay, ĐBDTTS bản Cà Roòng 2 đã nhận thấy lợi ích của việc phát triển rừng là không những bảo vệ môi trường sinh thái mà còn mang lại lợi ích kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nên đã từ bỏ tập tục đốt rừng làm rẫy, hăng hái tham gia nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo sự thống nhất cao trong cộng đồng về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia các dự án bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng trên vùng miền núi biên giới đặc biệt khó khăn Thượng Trạch.

T.Hiền