Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ III, năm 2019

Dấu ấn 5 năm thực hiện chính sách dân tộc

  • 07:56 | Thứ Ba, 10/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sau 5 năm thực hiện chương trình hành động và quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình lần thứ II (2014-2019), nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, sự phối hợp của các cấp, ngành trong tổ chức thực hiện công tác dân tộc và sự nỗ lực phấn đấu của đồng bào, tình hình kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh tiếp tục có bước phát triển quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang kiểm tra tình hình kinh tế-xã hội tại xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang kiểm tra tình hình kinh tế-xã hội tại xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực để giúp vùng đồng bào DTTS xóa đói giảm nghèo, vươn lên hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước. Chỉ tính riêng nguồn kinh phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình 135, trong 5 năm, đã đầu tư hơn 65,5 tỷ đồng xây dựng 57 công trình thiết yếu, như: giao thông, trường học, nước sinh hoạt, thủy lợi, nhà văn hóa, điểm sinh hoạt, tu sửa trạm y tế…

Đến nay, 100% số xã vùng đồng bào DTTS có đường ô tô về trung tâm xã, nhiều bản đường giao thông đã được cứng hóa. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tạo thành trục chính liên kết thành mạng lưới giao thông đến nhiều xã miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng miền.

Hiện tại, 100% số xã vùng DTTS có trường tiểu học, THCS, mầm non và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 15/17 xã có điện lưới quốc gia với tỷ lệ hộ dùng điện đạt trên 80%, khu vực trung tâm xã và một số bản ở 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) được sử dụng điện mặt trời.

Việc chuyển đổi phương thức canh tác, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS  cũng đạt được những kết quả tích cực. Một bộ phận đồng bào, đặc biệt, các tộc người, như: Rục, Khùa, Mày, Ma Coong, Mã Liềng... trước đây quen với lối canh tác “phát, đốt, cốt, trỉa” thì nay đã biết cách thâm canh lúa nước, các loại lương thực, thực phẩm. Hiện, vùng đồng bào DTTS của tỉnh có hơn 750 hộ làm ăn khá, giỏi (tăng 10% so với năm 2014), trong đó có 540 hộ có thu nhập trên 30 triệu đồng/hộ/năm, 220 hộ có thu nhập trên 70 triệu đồng/hộ/năm.

Công tác giao đất, giao rừng, giao khoán bảo vệ rừng cho đồng bào DTTS đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo giải quyết. Vấn đề thiếu đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS được từng bước giải quyết, giúp cho nhiều hộ có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, một số mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ đói và hộ nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng DTTS cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Bình quân hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm 4-5%.

Đến nay, 100% xã hoàn thành phổ cập tiểu học, 95% xã hoàn thành phổ cập THCS, tỷ lệ huy động học sinh vào lớp 1 đạt trên 97%. Hệ thống các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS. Trong lĩnh vực y tế, hiện nay, 100% hộ đồng bào DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào DTTS giảm dần.

Theo số liệu đến cuối năm 2018, tỷ lệ tảo hôn còn 11,8%; tỷ lệ hôn nhân cận huyết chỉ còn 0,6%. Mức hưởng thụ văn hóa ở vùng DTTS từng bước được nâng lên qua hàng năm. Năm 2019, 100% các xã vùng DTTS đã phủ sóng phát thanh, có máy điện thoại, tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt trên 90% dân cư.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đồng bào DTTS tích cực hưởng ứng. Qua đó, xuất hiện nhiều điểm sáng như: bản Cây Bông, bản Khe Khế, bản Tân Ly, bản Khe Giữa (huyện Lệ Thủy), bản Khe Dây, bản Khe Cát, bản Sắt (huyện Quảng Ninh),  bản Lương Năng, bản Ông Tú, bản Y Leng, bản Bãi Dinh, bản La Trọng I (huyện Minh Hóa).

Đến nay, có 3.665hộ đồng bào DTTS được công nhận “gia đình văn hóa” và nhiều bản có hương ước, quy ước. Các nét văn hóa bản sắc của đồng bào, như: lễ hội đập trống của người Ma Coong, lễ hội lấp lỗ của người Vân Kiều và các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống, như: hò thuốc cá, hát nhà trò, hát đúm, hát ví ở Minh Hóa; sáo sui của người Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh... luôn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS tiếp tục được quan tâm, xây dựng và củng cố. Đến cuối năm 2018, vùng đồng bào DTTS không còn bản trắng về chi bộ. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp 382 đảng viên người DTTS, nâng tổng số đảng viên người DTTS lên 1.028 người (tăng gần 59%).

Nhiệm kỳ 2015-2020, có 87 đảng viên là người DTTS tham gia cấp ủy cơ sở và 2 đảng viên tham gia cấp ủy cấp trên cơ sở; có 551 đảng viên người DTTS là lãnh đạo, công chức Đảng, đoàn thể cấp xã. Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có 1 nữ đại biểu Quốc hội là giáo viên THPT, thạc sỹ, người dân tộc Chứt; 166 đại biểu HĐND các cấp, 1 ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQVN, 6 ủy viên Ủy ban MTTQVN tỉnh và trên 1.000 ủy viên Ủy ban MTTQVN cấp huyện, xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư; có 10 cán bộ công tác tại cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan nhà nước cấp huyện và 119 cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ người DTTS luôn được chú trọng, quan tâm. Đến nay, 100% cán bộ người DTTS ở các cơ quan cấp huyện có trình độ chuyên môn cao đẳng và đại học; trình độ lý luận chính trị trung cấp và cao cấp.

Trong những năm qua, tình hình an ninh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng đồng bào DTTS cơ bản được giữ vững. Các cấp, ngành luôn quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao ý thức cảnh giác cho đồng bào DTTS. Đồng bào các xã biên giới đã tích cực tham gia phong trào bảo vệ cột mốc, đường biên, cung cấp cho các cơ quan chức năng nhiều nguồn tin quan trọng trong việc đấu tranh, ngăn chặn vận chuyển ma túy, vật liệu nổ, vượt biên trái phép qua biên giới.

Đồng bào DTTS các xã biên giới cùng với Bộ đội Biên phòng tổ chức hàng trăm lần phát quang đường biên giới, mốc giới; vận chuyển hàng tấn vật liệu để đúc, cắm biển báo “Khu vực biên giới, vành đai biên giới” và các công trình phòng thủ biên giới.

Các xã, thôn bản vùng biên giới đều thành lập tổ tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Vai trò của đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ được phát huy, góp phần tích cực trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Nhiều người có uy tín đã thực sự trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc, là chỗ dựa tinh thần của dân bản.

Bên cạnh những kết đạt được, vùng đồng bào DTTS tỉnh ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: mặt bằng dân trí thấp, các tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại, một số giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào có nguy cơ bị mai một, hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Mặt khác, hệ thống chính trị cơ sở ở một số địa bàn vùng đồng bào DTTS còn yếu, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, lực lượng lao động phần lớn chưa được đào tạo, hệ thống y tế còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho đồng bào.

Lớp học mầm non của con em người Mã Liềng, bản Chuối xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Lớp học mầm non của con em người Mã Liềng, bản Chuối xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Hiện tại, điều kiện kinh tế và đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng, giữa các tộc người còn lớn... Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao so với bình quân chung của tỉnh, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, số hộ có nguy cơ tái nghèo còn cao.

Nhằm tiếp tục chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, tỉnh Quảng Bình huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để cùng nỗ lực thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào vùng DTTS.

Theo đó, tỉnh tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết về công tác dân tộc của chính quyền các cấp bằng các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào DTTS; đồng thời, chú trọng những nhu cầu sát thực ở từng địa bàn để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp.

Cùng với việc huy động, tổng hợp các nguồn lực khác nhau để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội các vùng đồng bào DTTS, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản trong đồng bào DTTS; khơi dậy, phát huy tính cần cù, chịu thương chịu khó và tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới ở bản, làng.

Box: ĐBDTTS ở Quảng Bình  hiện có 6.145 hộ, 25.717 khẩu (chiếm 2,4% dân số toàn tỉnh); trong đó có 2 DTTS chính là Bru-Vân Kiều và Chứt. Đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều có 4.346 hộ với 18.148 khẩu (chiếm 70,7% dân số DTTS), gồm các tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì; dân tộc Chứt có 1.703 hộ, 7.299 khẩu (chiếm 27,7% dân số DTTS), gồm các tộc người: Sách, Rục, A Rem, Mã Liềng, Mày.

Ngoài ra còn có trên 96 hộ, 266 khẩu thuộc các DTTS khác đang sinh sống trên địa bàn, như: Thái, Mường, Thổ, Tày, Nùng, Pa Cô... ĐBDTTS sinh sống tập trung ở 106 thôn, bản thuộc 17 xã miền núi, vùng cao, biên giới và một bộ phận xen ghép với người Kinh ở các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Nguyễn Thị Lài
Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh