Tăng cường lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng

  • 07:54 | Thứ Tư, 14/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Nêu gương là một trong những nội dung rất quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Lúc sinh thời, Người đã nhiều lần khẳng định: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và chính Người là tấm gương sáng chói nhất về sự nêu gương.

Thực tế chứng minh nếu người đứng đầu nghiêm túc, trong sáng về đạo đức, lối sống và trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn thì luôn là tấm gương sáng để cán bộ, quần chúng thật sự học tập, noi theo.

Ở nước ta, từ trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và thời kỳ đầu xây dựng đất nước đi lên CNXH, biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên suốt đời công tác, cống hiến, chiến đấu hy sinh quên mình, luôn đặt lợi ích của tập thể, của quốc gia, của dân tộc lên trên hết, không hề có chút biểu hiện về lạm quyền, lợi dụng chức quyền, địa vị hoặc vị trí công tác để trục lợi cho cá nhân, gia đình và người thân. Việc nêu gương ấy đã trở thành một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng.

Hiện nay, trong điều kiện nước ta chỉ có một Đảng duy nhất cầm quyền, một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị đã mắc phải bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và trở thành một trong những nguy cơ đối với vai trò cầm quyền của Đảng, đối với sự tồn vong của chế độ.

Một trong những nguyên nhân chủ quan, cơ bản của tình trạng trên là thiếu sự nêu gương của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là của một số cán bộ, đảng viên đứng đầu tổ chức đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội trong hệ thống chính trị.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của sự nêu gương và thực trạng của xã hội, từ nhiệm kỳ Ðại hội VIII, nhất là từ nhiệm kỳ Ðại hội X đến nay, Ðảng ta đã ban hành nhiều văn bản có liên quan việc cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp phải nêu gương, như: Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 7-11-2006 về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Quy định về những điều đảng viên không được làm, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, trong đó có nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nêu gương.

Nhiều văn bản trực tiếp liên quan việc nêu gương, như: Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QÐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị khóa XI về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Ðể phát huy hơn nữa hiệu quả của việc nêu gương, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII đã ban hành Quy định số 08/QÐi/TW, ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, để nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên.

Ðây là lần đầu Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu và quy định rõ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện tám nội dung cụ thể đã nêu ở Ðiều 2.

Ðồng thời, phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống tám biểu hiện tha hóa, suy thoái nêu tại Ðiều 3 của quy định này. Qua đó, không chỉ góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mà còn tạo sức lan tỏa rộng lớn để cán bộ, đảng viên và mọi người học tập, noi theo, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở: “Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới” và "đảng viên đi trước, làng nước theo sau".

Ðể thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, ngoài bảo đảm các nội dung đã được đề ra trong Quy định 08 nêu trên, cấp ủy đảng các cấp cần triển khai thực hiện tốt một số nội dung chính sau:

Một là, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc học tập và làm theo Bác cần tập trung vào nội dung nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tạo nên phong trào tự tu dưỡng, rèn luyện, trách nhiệm nêu gương trong cơ quan, tổ chức và xã hội.

Cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng từ Trung ương đến cơ sở, nhất là các đồng chí đứng đầu tổ chức phải tiên phong đi đầu trong việc nêu gương, nâng cao khả năng tự “đề kháng” bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống vị kỷ, thực dụng, thật sự là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, thật sự là công bộc của nhân dân.

Cần quy định và tổ chức học tập, thực hiện “văn hóa từ chức”, “văn hóa tự xử” và “quy chế trả giá trách nhiệm” đối với những sai lầm trong lãnh đạo, quản lý kinh tế-xã hội, trong lãnh đạo công tác cán bộ để tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Hai là, gắn việc thực hiện Quy định 08/QÐi/TW, ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và Quy định về những điều cán bộ, đảng viên, công chức không được làm để cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy các cấp phải thường xuyên nêu gương, phấn đấu, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Ba là, tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các quy định của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ðảng thành quy chế, quy định cụ thể để thực hiện đúng và có căn cứ để kiểm tra, giám sát và xem xét, xử lý nghiêm túc, triệt để khi cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm. Ðặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên, phải nhận thức, có kế hoạch cụ thể trong từng thời gian để thực hiện trách nhiệm nêu gương một cách thiết thực trong hoạt động thực tiễn.

Bốn là, thực hiện nghiêm minh việc kê khai tài sản và thẩm tra, xác minh nguồn gốc tài sản của cản bộ, đảng viên. Có chế tài cụ thể và kiên quyết xử lý những cán bộ không trung thực trong kê khai tài sản. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách: nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều có tính thuyết phục từ thực tế để nhân rộng.

Năm là, quy định rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ, nhất là trong việc đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ thuộc cấp mình quản lý. Đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ theo hướng định lượng hóa cụ thể tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý, thay vì quy định tiêu chuẩn đánh giá cán bộ mang tính định tính, chung chung như hiện nay.

Với việc cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở trong toàn hệ thống chính trị thực hiện tốt các văn bản nêu trên, nhất là Quy định số 08 QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương và 5 nội dung đề xuất trên, nhất định lòng tin của Đảng đối với quần chúng nhân dân sẽ được củng cố, Đảng mới thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Kim Long
Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh