Nữ công nhân làm theo lời Bác

  • 13:06 | Thứ Bảy, 10/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Gắn bó với nghề khai thác mủ cao su đã gần 11 năm, dù công việc vất vả, nặng nhọc nhưng chị Phạm Thị Kim Luyến (SN 1979), công nhân đơn vị 1, Công ty cổ phần Lệ Ninh luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị giao. Chị xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm quan trọng và rèn luyện bản thân trở thành người công nhân gương mẫu.

11 năm gắn bó với nghề cạo mủ cao su, chị Phạm Thị Kim Luyến đã quen với cảnh dậy từ 2 giờ sáng chuẩn bị dụng cụ, đồ nghề để lên lô cạo mủ cao su. Tâm sự về công việc của mình, chị Luyến cho biết: “Phải dậy giờ đó rồi lên rừng cạo mủ một mình lúc đầu tôi cũng sợ lắm. Nhưng xung quanh cũng có nhiều công nhân đang làm việc giống mình nên tôi cũng an tâm hơn. Giờ thì công việc đã quá quen thuộc và trở thành một phần trong cuộc sống của tôi”.

Là một đảng viên và Trưởng ban nữ công của đơn vị 1, chị Luyến cho hay, dù công việc vất vả nhưng việc đăng ký thực hiện Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị luôn được chị nghiêm túc thực hiện và đặt lên hàng đầu. Bản thân là công nhân lao động nên việc học tập và làm theo lời Bác không ở đâu xa mà ở ngay trong công việc hàng ngày. Chính vì vậy, sau khi được quán triệt các chuyên đề về học tập và làm theo lời Bác, chị đã áp dụng ngay vào công việc của mình.

Năm 2017, thực hiện chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chị đã có sáng chế hữu ích giúp công nhân trong công ty tiết kiệm được thời gian và sức lao động. Chị cho hay, cạo mủ cao su là nghề vất vả, phải dậy đi làm từ 2h sáng, sau đó, lên lô cao su để chăm sóc, phát dọn cỏ.

Chị Phạm Thị Kim Luyến.
Chị Phạm Thị Kim Luyến.

Chính vì vậy, thời gian rảnh rỗi để chăm sóc gia đình của chị và nhiều công nhân khác rất hạn hẹp. Trước hoàn cảnh này, chị Luyến đã tự mày mò, cải tiến máy cắt cỏ để đưa vào sử dụng nhằm giảm thời gian lao động. "Máy cắt cỏ trước đây được hầu hết các công nhân trong công ty sử dụng để chăm sóc vườn cao su nhằm giúp cây cao su phát triển nhanh.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, máy chỉ cắt được những loại cỏ cao, còn loại cỏ mọc sát mặt đất thì rất khó để cắt. Sau thời gian tự mày mò, nghiên cứu, tôi đã bổ sung vào máy thêm dây cước loại to ở bộ phận cắt. Nhờ cải tiến này, máy không chỉ cắt được lớp cỏ thấp mà tốc độ cắt nhanh hơn trước gấp 3-4 lần.", chị Luyến chia sẻ.

Thấy cải tiến của chị Luyến hiệu quả, nhiều công nhân trong đội và công ty cũng đã áp dụng. Với cải tiến này, chị Phạm Thị Kim Luyến được Ban giám đốc Công ty cổ phần Lệ Ninh tuyên dương, khen thưởng.

Những năm trở lại đây, do ảnh hưởng nặng nề của đợt bão năm 2017 và mủ cao su rớt giá, thu nhập của công nhân bị sụt giảm, chỉ từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Nhiều người đã bỏ việc để tìm nghề mới có thu nhập cao hơn, thế nhưng chị Luyến vẫn bám trụ với nghề. Đặc biệt, chị đã động viên các công nhân trong đơn vị ổn định tư tưởng, đoàn kết để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đưa công ty vượt qua khó khăn.

Bên cạnh đó, để có thêm thu nhập, chị đã nghĩ nhiều cách để phát triển kinh tế cho gia đình. Được công ty tạo điều kiện, chị đã nhận chăm sóc 2 ha rừng trồng và nuôi thêm 2 con bò lai. Cùng với sản xuất 1 ha lúa, bình quân mỗi tháng chị có thêm khoản thu nhập phụ 1-1,5 triệu đồng.

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, với vai trò Trưởng ban nữ công, chị Phạm Thị Kim Luyến luôn phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình. Chị tâm sự: "Vinh dự được công ty giao thêm trọng trách quan trọng là Trưởng ban nữ công của đơn vị, bản thân tôi luôn sâu sát để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chị em, từ đó khích lệ tinh thần, tạo không khí thi đua lao động sản xuất, giúp chị em hoàn thành tốt nhiệm vụ công ty giao".

Bên cạnh đó, đối với những chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần giúp đỡ, chị luôn là người đầu tiên nhiệt tình thực hiện. Chị Luyến nhớ lại, cách đây mấy tháng, trong đơn vị có chị Cúc chồng bị bệnh ung thư phải điều trị dài ngày ở Bệnh viện Trung ương Huế. Nhà neo người, một mình chị Cúc phải vào ra chăm sóc chồng nên không thể hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.

Trước hoàn cảnh của chị Cúc, chị Luyến đã nhiệt tình nhận làm công việc cạo mủ cao su giúp chị Cúc. “Buổi sáng, tôi tranh thủ dậy sớm hơn thường ngày 1 tiếng. Nếu bình thường dậy đi làm 2 giờ sáng thì bây giờ, 1 giờ sáng tôi đã dậy để đi làm. Cạo và nhập xong lô của tôi thì sang làm giúp lô của chị Cúc”, chị Luyến tâm sự. Không ít trường hợp khó khăn khác chị cũng đã kêu gọi chị em trong đơn vị cùng chung tay giúp đỡ. Nhờ được tuyên truyền, vận động, hầu hết chị em đều tham gia nhiệt tình.  

Với những nỗ lực, cố gắng của bản thân trong những năm qua, chị Phạm Thị Kim Luyến đã được nhận nhiều danh hiệu như: đảng viên tiêu biểu năm 2016, 2017, đoàn viên công đoàn tiêu biểu năm 2018, phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, bằng khen của LĐLĐ tỉnh và mới đây nhất, chị được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích tốt trong việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...

Đ.Nguyệt