Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)

Nửa thế kỷ làm theo lời Bác

  • 17:32 | Thứ Bảy, 31/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Khi Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-QB ngày 17-3-1969 về đánh giá tình hình 4 năm chống Mỹ cứu nước với những thắng lợi to lớn và cơ bản, cũng là thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ốm nặng. Ngày 2-9-1969, Bác đã từ trần, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể nhân loại, cho dân tộc Việt Nam, trong đó có Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình. Thực hiện lời Di chúc của Người, nửa thế kỷ qua, Quảng Bình đã không ngừng quyết tâm, nỗ lực tạo dựng một diện mạo mới đầy nặng động, tự tin và tươi trẻ cho quê hương.

Hình ảnh Bác Hồ với nhân dân Quảng Bình được tái hiện tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình
Hình ảnh Bác Hồ với nhân dân Quảng Bình được tái hiện tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình.

Ngay khi được tin Bác qua đời, khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, từ cơ quan đến trường học, nhà máy, xí nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền trong toàn tỉnh đều tổ chức lễ truy điệu Bác. Các cơ quan, công sở, đơn vị quân đội, công an đã lập bàn thờ Bác. Và trong các gia đình, bên cạnh bàn thờ tổ tiên, nhân dân đã lập bàn thờ tưởng niệm với tấm ảnh Bác Hồ đề tặng nhân dân Quảng Bình.

Tỉnh ủy Quảng Bình đã phát động đảng viên, quần chúng nhân dân biến đau thương thành hành động cách mạng, phát huy tinh thần và khí thế phong trào thi đua “Hai giỏi”, tiếp tục đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương ngang tầm với tình hình và nhiệm vụ mới. Các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt học tập Di chúc và 5 lời thề trong điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc trong lễ truy điệu của Người.

Đây chính là thời điểm những hợp tác xã, như: Đại Phong, Xuân Trung, Phúc Lý..., đạt được những thành tích to lớn, được tỉnh rút kinh nghiệm chỉ đạo và nhân rộng điển hình trong toàn tỉnh. Các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp duy trì hoạt động hiệu quả. Các ngành, địa phương tập trung mọi khả năng đẩy nhanh các mặt kinh tế-xã hội để sớm ổn định đời sống và có bước chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với chiến tranh phong tỏa của địch.

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trong bối cảnh phải đối mặt với muôn vàn gian khó, thực hiện lời Di chúc của Bác, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, làm tròn trách nhiệm của mình, góp phần cùng cả nước kết thúc một giai đoạn lịch sử, giành lại độc lập thống nhất trọn vẹn, vững bền cho đất nước, xứng danh là quê hương “Hai giỏi” như lời Bác Hồ từng khen tặng.

rt
Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh (1989-2019).

Thấm thoắt, Quảng Bình đã đi qua nửa thế kỷ gian khó nhưng đầy tự hào bởi những thành tựu đã đạt được. Từ những ngổn ngang, đổ nát sau chiến tranh và khủng hoảng kinh tế, cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, bắt tay vào tái thiết quê hương.

Những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, hệ thống giao thông đa dạng, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, đặc biệt là tiềm năng về nguồn lực con người..., được phát huy mạnh mẽ. Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới đã tạo động lực quan trọng để Quảng Bình đổi thay, bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, đạt được nhiều thành tựu to lớn.  

Nửa thế kỷ thực hiện Di chúc của Bác Hồ kính yêu, Quảng Bình đã thực sự "thay da đổi thịt". Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Hợp tác xã Đại Phong vẫn là “ngọn gió lớn” tiêu biểu của sản xuất nông nghiệp, nhưng ở một tầm cao mới khi không chỉ sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, mà còn góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới, đưa đời sống xã viên ngày càng sung túc, ấm no.

Hiệu quả từ các chương trình “dồn điền đổi thửa”, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ... đã cho ra đời những cánh đồng mẫu lớn và nhiều loại sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu. Người nông dân đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học, máy móc hiện đại vào sản xuất, giảm công lao động nhưng tăng hiệu quả sản xuất.

Trên biển, đội tàu đánh bắt xa bờ của Quảng Bình là một trong những "đội quân" hùng mạnh của cả nước. Với sản lượng đánh bắt hải sản năm 2018 là gần 41.000 tấn, ước tính năm 2019 khoảng 70.000 tấn, hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản đã đưa hàng nghìn ngư dân trở thành những “ông chủ lớn”.

Không dừng lại ở đó, họ còn tích cực tham gia giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và trong bối cảnh chiến tranh cùng những khó khăn sau khi hoà bình mới lập lại, hoạt động du lịch chỉ bắt đầu manh nha hình thành vào những năm 90 của thế kỷ trước. Đến thời điểm hiện tại, du lịch Quảng Bình đã và đang trở thành nền kinh tế mũi nhọn, là mốc son nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam, khu vực và thế giới. Những địa danh ác liệt năm xưa giờ trở thành điểm đến của hàng triệu du khách...

Thực hiện ý nguyện của Người trong Di chúc là Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, sau nửa thế kỷ, chúng ta có thể tự hào bởi sự khởi sắc chung của toàn tỉnh về kinh tế, văn hóa-xã hội.

Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 37,5 triệu đồng; toàn tỉnh có trên 14.000 người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở, 23.000 người có công được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 6,98%. Học sinh các cấp được học trong những ngôi trường khang trang, hiện đại.

Và từ một nền giáo dục còn nhiều khó khăn, hai thập kỷ qua, Quảng Bình đã tự hào khi nhiều em học sinh được gọi tên trong các kỳ thi quốc tế, khu vực với nhiều huy chương vàng, huy chương bạc, có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu như lời căn dặn của Bác năm nào.

Du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Bình.
Du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Bình.

Cùng với nhân dân cả nước, nửa thế kỷ qua, từ những hoang tàn, đổ nát của chiến tranh, Quảng Bình đã xây dựng lại quê hương “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Năm xưa Mẹ Suốt chèo đò đưa đoàn quân qua sông Nhật Lệ trong đạn bom, nay nối đôi bờ là hai cây cầu duyên dáng và hiện đại, để Bảo Ninh, quê hương của Mẹ Suốt anh hùng không còn là vùng đất cách sông trở đò mà trở thành điểm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với thành phố Đồng Hới tươi trẻ bên sông Nhật Lệ, thị xã Ba Đồn cũng từng ngày lớn mạnh, 6 huyện với những thế mạnh riêng biệt về du lịch, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp... cũng đang vươn mình đi lên. Những con đường “nông thôn mới” đang tạo đà, tạo thế để phát triển kinh tế-xã hội các vùng nông thôn, đưa đời sống người nông dân ngày càng khởi sắc.

Kinh tế-xã hội phát triển, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình càng nỗ lực chăm lo giữ vững ổn định quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội, củng cố công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Sự ổn định và phát triển vững vàng trên tất cả các lĩnh vực đã và đang là tiền đề quan trọng để Quảng Bình tiếp tục tiến xa hơn trên hành trình mới, xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân, đặc biệt là niềm tin và sự kỳ vọng của Bác Hồ kính yêu về quê hương “Hai giỏi”.

Diệu Cầm