.

Sinh hoạt chi bộ ở thôn, bản, tổ dân phố: Bám sát thực tiễn, nhân rộng cách làm hay

.
08:30, Thứ Tư, 24/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Mỗi chi bộ thường được ví như "tế bào" nuôi dưỡng, vun đắp, đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại, phát triển của tổ chức cơ sở đảng, đồng thời là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở. Chính vì vậy, bấy lâu nay, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (SHCB) ở thôn, bản, tổ dân phố là yếu tố then chốt, nhiệm vụ hàng đầu, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và nâng tầm chất lượng đội ngũ đảng viên.

Bắt đầu buổi SHCB thường kỳ trong tháng của các đảng viên thuộc Chi bộ bản Khe Ngang (Trường Xuân, Quảng Ninh), Trưởng bản kiêm Bí thư Chi bộ Hồ Nam thông báo cho các đảng viên trong chi bộ về những văn bản, báo cáo mới liên quan đến công tác Đảng, chính quyền, lĩnh vực kinh tế, đời sống văn hóa-xã hội...

Tiếp đó, đồng chí Hồ Nam báo cáo chi tiết về những vấn đề mới, nảy sinh trong chi bộ và đời sống hàng ngày của bà con. Đặc biệt, một số nội dung về xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất của bản, của xã cũng được thông báo đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu, dễ nhớ đến các đảng viên.

Những tháng đầu năm nay, hạn hán và bệnh dịch tả lợn châu Phi gây tâm lý hoang mang trong bà con dân bản, ảnh hưởng đến sản xuất, chăn nuôi. Các đảng viên trong chi bộ cùng sôi nổi thảo luận, góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm chống hạn, phòng chống dịch bệnh... Không khí dần sôi nổi, cởi mở và nhiệt tình hơn, không còn những văn bản báo cáo suông, khô khan nữa.

Cán bộ Huyện ủy Quảng Ninh và xã Trường Xuân dự họp với Chi ủy thôn Rào Đá bàn về nội dung sinh hoạt chi bộ sắp tới.
Cán bộ Huyện ủy Quảng Ninh và xã Trường Xuân dự họp với Chi ủy thôn Rào Đá bàn về nội dung sinh hoạt chi bộ sắp tới.

Phó Bí thư Chi bộ bản Khe Ngang Hồ Toàn cho biết, hiện chi bộ có 29 đảng viên, 4 đảng viên dự bị, hầu hết là người dân tộc Vân Kiều (3 đảng viên là người Kinh). Trước đây, hạn chế lớn nhất trong các buổi SHCB là các đồng chí thường e dè, nhút nhát, không phát biểu ý kiến, phụ thuộc vào cấp trên.

Nay thì đã khác, nhờ nội dung các buổi sinh hoạt phong phú, đa dạng, sát với thực tiễn đời sống và sản xuất, đồng thời tạo được không khí dân chủ, cởi mở, sôi nổi, các đảng viên, nhất là đồng bào Vân Kiều đã mạnh dạn phát biểu, đóng góp ý kiến, không ngại ngần.

Theo Phó Bí thư Chi bộ Hồ Toàn, chính từ các buổi SHCB hiệu quả, các kinh nghiệm nuôi trồng, chăn nuôi được chia sẻ trong bà con, tinh thần thi đua giữa các hộ gia đình được nâng cao. Đồng thời, qua không khí cởi mở, những khó khăn, vướng mắc của bà con được giãi bày kịp thời để chi bộ có hướng xử lý phù hợp.

Đồng chí Nguyễn Văn Hậu, Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân cho biết, Đảng bộ xã hiện có 15 tổ chức cơ sở đảng; 1 đảng bộ bộ phận trực thuộc Đảng bộ và 2 chi bộ thuộc Đảng bộ bộ phận Kim Sen (trong đó, có 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ trạm y tế và 8 chi bộ nông thôn). Đảng bộ có 280 đảng viên, trong đó 67 đảng viên là người Vân Kiều.

Nhằm nâng cao chất lượng SHCB thôn, bản, tổ dân phố, Đảng ủy phân công mỗi đồng chí trong Ban Thường vụ phụ trách 5 chi bộ và 2 tháng/lần đi kiểm tra tình hình thực tế ở các chi bộ mình phụ trách. Văn phòng Đảng ủy có trách nhiệm chuyển các bản tin SHCB, bản tin huyện Quảng Ninh, Báo Nhân Dân, Báo Quảng Bình về tận các chi bộ.

Đặc biệt, mỗi năm, các chi bộ cơ sở đều triển khai 1 chuyên đề sát với thực tiễn địa phương, như: Chi bộ bản Rào Đá thực hiện chuyên đề về quốc phòng-an ninh; Chi bộ bản Khe Ngang có chuyên đề về xây dựng nông thôn mới; các chi bộ trường học xây dựng chuyên đề về nâng cao chất lượng công tác dạy và học…

Khó khăn lớn nhất là ở Chi bộ bản Nà Lâm-Hang Chuồn bởi ít đảng viên (4 đảng viên chính thức), điều kiện đi lại vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, do Trường Xuân có nhiều thôn, bản nên các mô hình phát triển kinh tế triển khai rải rác, không tập trung, khiến việc thực hiện các chuyên đề phát triển kinh tế trong SHCB, nhất là về nuôi ong lấy mật, chăn nuôi gia súc gia cầm…, gặp nhiều khó khăn.

Đồng chí Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm, thời gian tới, các nội dung về phát triển kinh tế, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, xây dựng nông thôn mới… sẽ được đưa vào các buổi SHCB theo hướng đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức.

Đồng thời, Đảng ủy sẽ đẩy mạnh bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho chi ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ về nghiệp vụ công tác Đảng, trong đó chú ý bồi dưỡng nghiệp vụ, năng lực điều hành SHCB. Vừa qua, các bí thư chi bộ của Trường Xuân đã tham gia rất tích cực vào cuộc thi "Bí thư chi bộ giỏi" của huyện Quảng Ninh và đạt được thành tích đáng khích lệ.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình hiện có trên 73.414 đảng viên, 623 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 336 đảng bộ cơ sở, 287 chi bộ cơ sở; có 139 đảng bộ bộ phận, 3.276 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và đảng ủy bộ phận. Hiện nay, toàn Đảng bộ có 14 loại hình chi bộ. Các mô hình tổ chức đảng cơ bản phù hợp, ổn định, đang phát huy tốt vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng cao.

Sau khi có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể của từng loại hình để cụ thể hoá nội dung và hình thức sinh hoạt phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng chi bộ.

Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng SHCB vẫn gặp một số khó khăn, như: nội dung, hình thức, chất lượng chưa đồng đều giữa các chi bộ và giữa các loại hình chi bộ; nền nếp SHCB có nơi chưa bảo đảm; nội dung, hình thức sinh hoạt ở một số chi bộ còn rập khuôn máy móc, chưa toàn diện, chủ yếu nặng về chuyên môn, nhất là ở các chi bộ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp; việc đề cao thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong SHCB còn hạn chế, nhiều đảng viên, nhất là đảng viên trẻ còn rụt rè, nể nang, ngại va chạm, chưa mạnh dạn góp ý xây dựng chi bộ…

Đáng chú ý, việc xây dựng nghị quyết của chi bộ có nơi chưa cụ thể, chưa chú trọng xây dựng nghị quyết hàng tháng hoặc xây dựng chất lượng chưa cao, chưa tập trung vào những vấn đề bức xúc; thiếu đề ra biện pháp và phân công đảng viên tổ chức thực hiện; chưa coi trọng kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của chi bộ, đảng viên.

Ngoài ra, việc tổ chức SHCB ở các chi bộ vẫn còn hạn chế, đó là chưa tổ chức thường xuyên; lúng túng trong việc lựa chọn nội dung sinh hoạt; đa số lồng ghép với sinh hoạt định kỳ; nội dung chuyên đề chuẩn bị thiếu chu đáo; ý kiến thảo luận của các đảng viên chưa nhiều, chưa sâu, giải pháp để thực hiện còn chung chung, chưa sát thực tế; kết luận sau SHCB và ra nghị quyết chuyên đề còn khá rộng, chưa cụ thể.

Bên cạnh các giải pháp cơ bản về đổi mới nội dung, đa dạng, phong phú về hình thức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng tình hình mới, các cấp ủy cần sớm ban hành bộ tiêu chí cụ thể đánh giá chất lượng sinh hoạt đối với từng loại hình chi bộ theo các mức độ (tốt, khá, trung bình, kém) làm cơ sở để các chi bộ phấn đấu, cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên kiểm tra, giám sát, đánh giá, xếp loại chất lượng chi bộ, đảng viên hàng năm.

Đối với SHCB, cần phát huy dân chủ, đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình; bí thư chi bộ phải linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; chủ trì các cuộc họp cần có tác phong cởi mở, chân thành, dân chủ, quyết đoán.

Đồng thời, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp ủy cấp trên, nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nguyên tắc và chế độ SHCB, kịp thời biểu dương, khen thưởng các cấp ủy chi bộ thực hiện tốt công tác SHCB.

Mai Nhân

,