.
Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 - 28-7-2019)

Giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam, 90 năm một chặng đường lịch sử

.
08:51, Thứ Năm, 25/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Cùng với sự lớn mạnh của dân tộc, giai cấp công nhân Việt Nam đã trải qua 90 năm xây dựng và phát triển. Ra đời trong hoàn cảnh đất nước trải qua các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, từ những ngày đầu thành lập đến nay, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tên gọi nào, Công đoàn Việt Nam luôn kề vai, sát cánh, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của đoàn viên, người lao động.

Công đoàn (CĐ) Việt Nam, tiền thân là Công hội đỏ Bắc kỳ được thành lập ngày 28-7-1929 tại số nhà 15, phố Hàng Nón, Hà Nội. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và CĐ Việt Nam. Kể từ đây, giai cấp công nhân có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích và đứng ra dẫn dắt phong trào cho công nhân lao động.

Công đoàn Quảng Bình thực hiện nhiều hoạt động hướng về người lao động.
Công đoàn Quảng Bình thực hiện nhiều hoạt động hướng về người lao động.

Trải qua 90 năm lịch sử vẻ vang, CĐ Việt Nam đã nhiều lần đổi tên để phù hợp với hoàn cảnh của mỗi giai đoạn cách mạng, như: Công hội đỏ, Nghiệp đoàn-Ái hữu, Hội Công nhân phản đế, Hội Công nhân cứu quốc, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tổng CĐ Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, với tên gọi nào, CĐ Việt Nam cũng luôn phát huy vai trò và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần to lớn vào thắng lợi cách mạng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, CĐ Việt Nam thực sự là trung tâm đoàn kết của đoàn viên, người lao động (ĐVNLĐ) cả nước. Với trên 20 vạn người trong năm 1945, các đoàn viên CĐ trở thành lực lượng nòng cốt làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam tạm thời bị chia thành hai miền.

Miền Bắc tiến hành công cuộc tái thiết đất nước, khó khăn tiếp tục đặt lên vai người công nhân. Với trách nhiệm chủ nhân của đất nước, đội ngũ công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ) đã đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, hoạt động sản xuất tại các cơ sở công nghiệp đã phục hồi.

Bước vào thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới, CĐ đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý kinh tế-xã hội; tổ chức các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước, với trọng tâm phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” phong trào “Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”... thu hút, tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của đông đảo ĐVNLĐ. Qua đó, đã khẳng định được vai trò tiên phong của giai cấp công nhân và tổ chức CĐ Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh của đất nước.

Có thể khẳng định rằng, trong suốt chiều dài lịch sử, đồng hành với sự phát triển của đất nước, CĐ Việt Nam đã chứng tỏ là tổ chức duy nhất, có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐVNLĐ.

Nhiều thế hệ cán bộ, ĐVNLĐ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần viết nên trang sử hào hùng dựng nước, giữ nước của dân tộc, của giai cấp công nhân và tổ chức CĐ Việt Nam, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng và nhân dân.

Cũng như giai cấp công nhân Việt Nam, công nhân lao động (CNLĐ) Quảng Bình ra đời và hình thành sau 2 cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Sự tác động tích cực của các hội viên tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” và những công nhân tiêu biểu trong lĩnh vực giao thông vận tải, đã tuyên truyền, giác ngộ tinh thần yêu nước và tư tưởng cách mạng cho CNLĐ Quảng Bình.

Tháng 8-1946, Liên hiệp CĐ tỉnh được thành lập, là dấu mốc quan trọng đối với phong trào CNVCLĐ và CĐ tỉnh. Sự kiện đã mở ra một thời kỳ mới của phong trào công nhân và hoạt động CĐ tỉnh sau này.

Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước tạm thời chia làm hai miền Nam-Bắc, Quảng Bình trở thành tiền tuyến lớn của miền Bắc, hậu phương lớn của miền Nam. CĐ đã vận động ĐVNLĐ thi đua, vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu với khẩu hiệu “tay búa, tay súng”, “tay bút, tay súng”, “thanh niên 3 sẵn sàng, phụ nữ 3 đảm đang”, “ tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, “mỗi người làm việc bằng hai”, “Tiếng hát át tiếng bom”, “Tiếng loa hòa tiếng súng"...

Nhiều xí nghiệp, máy móc đưa xuống hầm để sản xuất, bảo đảm phục vụ cho nhu cầu đời sống nhân dân và phục vụ chiến đấu, như: Xí nghiệp Dược phẩm Quảng Bình, Xí nghiệp diêm Nhật Lệ, bát sứ Văn La...

Với truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi gian khó, ĐVLĐ và tổ chức CĐ cùng với nhân dân trong tỉnh đã góp phần cùng cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tháng 6-1976 tổ chức CĐ 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và khu vực Vĩnh Linh hợp nhất thành Liên hiệp CĐ Bình-Trị-Thiên.

Đây là khoảng thời gian tổ chức CĐ 3 tỉnh có cơ hội sát cánh bên nhau, đoàn kết, gắn bó, hàn gắn vết thương chiến tranh, huy động mọi nguồn lực để duy trì sự ổn định của nền kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tháng 7-1989, Quảng Bình trở về địa giới cũ, lực lượng ĐVNLĐ cùng với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã nhanh chóng ổn định tổ chức để sản xuất, công tác; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, củng cố, giữ vững quốc phòng-an ninh. Sau 30 năm tái lập tỉnh, CĐ Quảng Bình đã tập trung xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức CĐ vững vàng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nội dung, phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, phù hợp với các loại hình cơ sở, hướng hoạt động về cơ sở.

Công đoàn luôn kề vai, sát cánh, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của đoàn viên, người lao động.
Công đoàn luôn kề vai, sát cánh, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của đoàn viên, người lao động.

CĐ các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động mới đem lại hiệu quả thiết thực, như: chương trình “Tết sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Phát triển đoàn viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CĐCS”;  đồng hành cùng doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, đối thoại các chính sách vì sự phát triển của doanh nghiệp và NLĐ...

Các hoạt động “Đồng hành vì người lao động có hoàn cảnh khó khăn”, vận động thành lập Quỹ “Mái ấm công đoàn”, Quỹ “Đoàn viên công đoàn nghèo”, “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” đã giúp đỡ hàng trăm tập thể và hàng nghìn lượt ĐVNLĐ, ngư dân có hoàn cảnh khó khăn...

Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong 73 năm qua, LĐLĐ tỉnh đã được Nhà nước tặng thưởngHuân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; được Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng cờ thi đua và nhiều bằng khen; nhiều tập thể và đoàn viên công đoàn được tặng thưởng huân chương, cờ thi đua, bằng khen và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Tự hào với truyền thống hào hùng của giai cấp công nhân và tổ chức CĐ, phát huy truyền thống “hai giỏi” của quê hương Quảng Bình và lịch sử 90 năm xây dựng, phát triển của CĐ Việt Nam, giai cấp công nhân và các cấp CĐ trong tỉnh sẽ khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tham gia thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, góp phần đưa Quảng Bình ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

Nguyễn Lương Bình, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

,