.

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc: Phát huy vai trò của cá nhân tiêu biểu

.
16:07, Thứ Bảy, 29/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Bằng uy tín và những việc làm cụ thể, các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) tỉnh đã và đang thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu trên mọi lĩnh vực, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Lê Huy, Phó ban Dân tộc-Tôn giáo, Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 535 người tiêu biểu, có uy tín trong ĐBDTTS được Mặt trận các cấp tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương.

Phát huy bản tính cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, những người tiêu biểu, có uy tín luôn động viên con cháu, mọi người trong bản làng tích cực lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, xóa bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình, điển hình làm kinh tế giỏi”.

Với phương châm "cầm tay chỉ việc", đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín đã từng bước thay đổi được nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu từ “phát, đốt, cốt, trỉa”, sản xuất “tự cung, tự cấp” sang thâm canh tăng vụ, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với cải tạo vườn đồi, vườn rừng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có năng suất, giá trị kinh tế cao, tạo ra các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, đa dạng.

Nhiều vùng đồng bào, như: Rục, Khùa, Mày, Ma Coong, Mã Liềng… đã chuyển đổi tập quán từ sản xuất nương rẫy "phát, đốt, cốt, trỉa" sang sản xuất thâm canh lúa nước 2 vụ.

Nhiều điển hình người tiêu biểu, có uy tín trong ĐBDTTS tỉnh đã được biểu dương, khen thưởng.
Nhiều điển hình người tiêu biểu, có uy tín trong ĐBDTTS tỉnh đã được biểu dương, khen thưởng.

Đến nay, ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh có hơn 290ha sản xuất 2 vụ lúa nước/năm, với năng suất bình quân đạt 40 tạ/ha. Toàn tỉnh có trên 700 hộ ĐBDTTS làm ăn khá, giỏi; trong đó có trên 500 hộ cho thu nhập 30 triệu đồng/năm trở lên, gần 200 hộ có thu nhập 70 triệu đồng/năm trở lên.

Tiêu biểu là các hộ: ông Hồ Văn Pan (bản Cây Bông, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy), ông Hồ Viên (bản Cà Xen, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa), ông Đinh Hợp (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch)…

Người tiêu biểu, có uy tín còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo từ thiện, tuyên truyền, vận động dân bản xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện dân số-kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Điển hình có bà Phạm Thị Lâm, người Mã Liềng, dân tộc Chứt (xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa); ông Hồ Phoi, dân tộc Bru-Vân kiều (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa); bà Hồ Thị Con, dân tộc Vân Kiều (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh)...

Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc, những tập tục lạc hậu ngày càng được đẩy lùi, xóa bỏ. Hiện nay, toàn tỉnh có 22 bản đạt danh hiệu “Bản văn hóa”; 64/64 xã miền núi, vùng cao ĐBDTTS có nhà văn hóa; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng.  

Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, người tiêu biểu, có uy tín trong ĐBDTTS thực sự là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh.

Họ cũng là những hạt nhân tích cực giúp các ngành chức năng vận động quần chúng tham gia xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc”, cung cấp nhiều thông tin quan trọng giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm; đồng thời, tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự khu vực biên giới.

Điển hình như: ông Hồ Chăn, dân tộc Bru-Vân kiều (bản Y Leng, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa), ông Hồ Bợt (bản Cà Xen, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa), ông Hồ Thao (bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh)…

Ghi nhận vai trò, đóng góp quan trọng của người tiêu biểu, có uy tín trong ĐBDTTS, ông Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho hay: “Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng với niềm tin vào Đảng, Nhà nước, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong ĐBDTTS đã phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong thực hiện và tuyên truyền, vận động bà con dân bản chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư (KDC), giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Họ thực sự trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc”.

Để tiếp tục phát huy vai trò của người tiêu biểu, có uy tín trong ĐBDTTS, Trung ương cần có những chính sách đãi ngộ đặc thù hơn nữa cho đội ngũ này. Cụ thể, như: hỗ trợ bảo hiểm y tế; tiếp tục bổ sung cấp, phát các loại báo, tạp chí của Đảng; có chính sách động viên họ tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng với việc thường xuyên nắm bắt, tập hợp tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, kịp thời kiến nghị với cấp ủy đảng, chính quyền xem xét, giải quyết tốt những yêu cầu chính đáng, hợp pháp, các cấp Mặt trận cần tiếp tục phát hiện, nhân rộng và phát huy tốt vai trò của người tiêu biêu, người có uy tín trong ĐBDTTS nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh ở địa phương.

Hiền Chi

,