.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tham gia đóng góp nhiều ý kiến

.
08:46, Thứ Năm, 06/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Những ngày làm việc tiếp theo tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tiếp tục có những ý kiến quan trọng trong các phiên thảo luận tại hội trường và tại tổ; tích cực nghiên cứu các tài liệu, báo cáo để chuẩn bị cho các phiên họp chất vấn; tham gia trả lời phỏng vấn báo chí.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội phát biểu tại hội trường.

Tiếp tục chương trình làm việc, trong phiên thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cũng như chính quyền địa phương các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Nhờ những nỗ lực, cố gắng đó, đến nay, việc quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại các đô thị về cơ bản đảm bảo tính hợp lý; bộ mặt đô thị đã có nhiều đổi mới, bức tranh toàn cảnh về đô thị trên phạm vi cả nước đã có nhiều nét khởi sắc; nhiều nơi đã tạo lập được không gian đô thị khang trang, hiện đại và phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội trong thời kỳ mới. Nhiều doanh nghiệp đã có những đóng góp rất quan trọng, cải tạo đất đầm lầy, đất thường trở thành đất vàng, trở thành khu đô thị khang trang, hoành tráng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với những bất cập, hạn chế, yếu kém như báo cáo của Chính phủ và Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra; đồng thời, phân tích, nhấn mạnh một số hạn chế, bất cập cơ bản để tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Theo đại biểu, trong tất cả những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra thì những bất cập, hạn chế của chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị là rất cơ bản, nhất là sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong một số quy định giữa Luật Đất đai với một số luật liên quan về chủ thể sử dụng đất; về đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, chỉ định chủ đầu tư; về thẩm quyền chấp thuận sự cần thiết phải thu hồi đất và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư; về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; về chuyển quyền sử dụng đất khi chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư; về hạn tiến độ sử dụng đất; về xử lý vấn đề đất đai, tài sản gắn liền trong trường hợp dự án bị chấm dứt hoạt động; về kinh doanh bất động sản; về mối quan hệ giữa các quy hoạch và các cấp quy hoạch…

Đại biểu cho rằng, chính những bất cập, hạn chế này đã tác động ảnh hưởng làm phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế khác trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị; đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá về vấn đề này để sớm quyết tâm khắc phục.

Phân tích thực trạng quy hoạch, đại biểu cho rằng, những bất cập trong công tác quy hoạch là do năng lực, trách nhiệm cũng như tính dự báo về phát triển kinh tế-xã hội của một số cơ quan chức năng và một số tỉnh, thành phố còn nhiều hạn chế; đặc biệt là do thiếu tầm nhìn bao quát, dài hạn nên chất lượng công tác lập quy hoạch đô thị chưa cao, thiếu đồng bộ, khả thi dẫn đến nhiều quy hoạch sau khi được phê duyệt phải điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ nhiều lần.

Cũng có những khu vực quy hoạch rồi, tiến hành xây dựng hạ tầng rồi nhưng vì thay đổi quy hoạch nên dừng lại, gây tốn kém, lãng phí cho doanh nghiệp và thất thu ngân sách. Một số khu vực đô thị tuy đã có quy hoạch tổng thể đất đai từ lâu nhưng vẫn thiếu quy hoạch chi tiết, gây khó khăn trong quá trình quản lý. Cũng không ít bất cập trong sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong quá trình xác định nhu cầu sử dụng đất để lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cũng như trong quá trình quy hoạch xây dựng các công trình.

Đối với công tác quản lý, ở nhiều nơi các cấp, ngành và chính quyền địa phương còn có biểu hiện buông lỏng, bị doanh nghiệp chi phối, chạy theo lợi nhuận doanh nghiệp, lợi ích cá nhân; từ đó dẫn tới phát sinh nhiều tiêu cực, xảy ra nhiều sai phạm; nhất là các sai phạm về cơi nới, lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng đất đai không đúng mục đích, thực hiện dự án treo kéo dài, kém hiệu quả; không tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt... Nhiều sai phạm nghiêm trọng chậm xử lý, gây cản trở các dự án nhưng không thực hiện cưỡng chế, hạ thấp kỷ cương.

Sau khi phân tích những bất cập, hạn chế trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị với những dẫn chứng cụ thể, đại biểu đề nghị, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần tập trung vào một số giải pháp có tính cấp bách. Trong đó, trước hết, phải tiến hành rà soát, phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan để kiến nghị Quốc hội kịp thời xem xét bổ sung, điều chỉnh.

Rà soát các dự án đã giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thu hồi những dự án không có khả năng thực hiện; đấu thầu công khai, đảm bảo cạnh tranh. Rà soát một cách tổng thể quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai tại đô thị gắn với quy hoạch xây dựng của từng địa phương; đưa ra khỏi quy hoạch những dự án bất hợp lý, không đảm bảo yêu cầu để phát triển đô thị; những công trình, dự án không tương thích có nguy cơ phá vỡ cấu trúc đô thị.

Tăng cường công tác khảo sát, đo đạc, bản đồ; đẩy mạnh công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục dích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Thường xuyên rà soát, dự báo nhu cầu sử dụng đất của một số ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội để đảm bảo với nguồn lực đầu tư và tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc lập quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị...

Tiếp đó, trong phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng đã có bài phát biểu khẳng định, nhấn mạnh những kết quả đạt được về kinh tế-xã hội trong những tháng đầu năm 2019.

Đại biểu cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ; với phương châm hành động “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp, việc làm, thể hiện quyết tâm hành động, đổi mới, điều hành nền kinh tế ổn định, phát triển với tốc độ tăng trưởng ước đạt 7,08% trong quý I. Theo đại biểu, những thành quả đạt được đã tiếp thêm niềm tin và tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội trong những tháng, năm tiếp theo.

Về tồn tại, hạn chế, đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ; đồng thời, phân tích một số bất cập trong quy hoạch, quản lý và mong muốn Chính phủ cần có những giải pháp “bứt phá” để tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội.

Quốc hội, Chính phủ cần kịp thời điều chỉnh những vướng mắc của Luật Quy hoạch và các văn bản liên quan; trước mắt, cần ban hành nghị quyết riêng để xử lý tổng thể việc chuyển tiếp các quy hoạch, bao gồm: gia hạn thời hạn hiệu lực của pháp luật chuyên ngành có liên quan để thực hiện việc điều chỉnh các quy hoạch cho tới khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 được phê duyệt; cho phép triển khai, tạo cơ hội cho những quy hoạch đã được xác lập, các bộ, ngành đã xác nhận, thẩm định, được phê duyệt tiến hành thi công, không để nằm im, trì trệ gây cản trở chủ trương bứt phá.

Chấp thuận cho các dự án thuộc diện chuyển tiếp (đã trình hồ sơ thẩm định trước ngày 31-12-2018 và nằm trong quy hoạch phát triển điện lực và các lĩnh vực khai thác khoáng sản của tỉnh) được phép triển khai thực hiện theo các qui định trước năm 2019.

Quan tâm điều chỉnh, sửa đổi cách xử lý các chương trình, dự án của các tỉnh, các doanh nghiệp đã đề xuất kiến nghị một cách kịp thời, không rê ra kéo dài; đặc biệt là sớm phân bổ, giải ngân nguồn hỗ trợ gồm bốn trăm tỷ đồng cho 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế sau sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty Hưng nghiệp Formosa từ năm 2016; sửa đổi một số quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và doanh nghiệp trong quá trình thu hút đầu tư.

Ngoài những vấn đề trên, thời gian qua các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng đã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến trong các phiên thảo luận tại tổ đối với một số dự án luật, như: Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Bộ luật Lao động (sửa đổi); tích cực nghiên cứu các tài liệu, báo cáo để chuẩn bị cho các phiên họp chất vấn, tham gia trả lời phỏng vấn báo chí.

Kỳ họp này, Quốc hội dành thời gian 5 buổi họp để tiến hành chất vấn trực tiếp đối với Bộ trưởng các bộ: Công an, Xây dựng, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải và các thành viên liên quan của Chính phủ. Mọi diễn biến hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình trong các phiên chất vấn sẽ được phản ánh với quý độc giả trong số báo sau.

Hồng Nhung-Diệu Linh

(Còn nữa)

,