.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm

.
08:30, Thứ Hai, 17/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Tham gia kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò trách nhiệm của Đoàn và của mỗi đại biểu. Bên cạnh các hoạt động thảo luận, chất vấn để thực hiện các quyền lập pháp, giám sát và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong suốt thời gian dự họp, các đại biểu còn tham gia một số hoạt động quan trọng khác, như: trả lời phỏng vấn báo chí, tham dự các phiên họp do các Ủy ban của Quốc hội tổ chức; giao lưu tiếp xúc, trao đổi thông tin với đại biểu các Đoàn, lãnh đạo các Bộ, ngành để duy trì và mở rộng mối quan hệ, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ tỉnh nhà.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại kỳ hop.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại kỳ hop.

Tiếp tục chương trình kỳ họp, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ (TCCP), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (TCCQĐP), Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã có 2 đại biểu tham gia ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội phát biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi và đánh giá cao nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật. Về nội dung các vấn đề được sửa đổi, bổ sung trong Luật TCCP, đại biểu cho rằng, Luật TCCP được sửa đổi không nhiều, tổng cộng sửa 5 điều, các nội dung sửa đổi tập trung vào việc bổ sung một số thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng.

Tuy sửa không nhiều nhưng các nội dung lại tập trung chủ yếu theo hướng giao cho Chính phủ quy định với tổng cộng là 4 nội dung lớn, trong đó có gần 20 nội dung nhỏ được liệt kê (cụ thể, như: quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh; quy định tiêu chí thành lập Tổng cục, cục, vụ; số lượng biên chế tối thiểu; số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa...).

Theo đại biểu, quy định như vậy có nhiều điểm bất cập, cần phải làm rõ. Cụ thể, cần làm rõ những nội dung được giao cho Chính phủ quy định là nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền quy định đương nhiên của Chính phủ theo quy định của Luật BHVBQPPL hay là thẩm quyền do Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ quy định?

Nếu những vấn đề nêu trên thuộc thẩm quyền đương nhiên của Chính phủ theo Luật BHVBQPPL thì không cần thiết phải sửa luật này; còn nếu thuộc thẩm quyền do Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ quy định thì dự thảo luật đang đi theo hướng xây dựng Luật TCCP thành một Luật khung; giao cho Chính phủ quy định bằng các nghị định mà các dự thảo nghị định hoàn toàn không được gửi kèm theo trong hồ sơ luật.

Những nội dung được giao cho Chính phủ quy định về cơ bản nhắc lại một số nội dung chính được đề ra trong các Nghị quyết 18, 19 của BCHTW khóa 12 về chủ trương sắp xếp, đổi mới bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả, nhưng dự thảo Luật lại không cụ thể hóa được các chủ trương này.

Thậm chí, có những nội dung đã được Luật hiện hành quy định thì lần này bị bãi bỏ để giao cho Chính phủ quy định (cụ thể là quy định về số lượng cấp phó của cấp Vụ là không quá 3 người; cấp Tổng cục không quá 4 tại K2 Đ40). Như vậy, số lượng cấp phó này sẽ không bị khống chế cho đến khi có nghị định của Chính phủ và cũng không rõ là số lượng này sẽ được tăng lên hay giảm đi.

Trong khi đó, đây là một quy định được Quốc hội khóa 13 thảo luận kỹ nhằm khắc phục 1 thực trạng là có quá nhiều cấp phó ở các cơ qua trung ương.Việc bỏ quy định này cũng chưa được tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định này trên thực tiễn...

Về việc bổ sung thẩm quyền của Chính phủ “quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh, cấp huyện” tại Khoản 10 Điều 23, theo đại biểu là rất cần thiết; tuy nhiên, cần xem xét, cân nhắc về thẩm quyền quyết định về việc thí điểm và kể cả nội hàm của thuật ngữ thí điểm.

Về việc quy định biên chế tối thiểu của các tổ chức hành chính, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn; theo đại biểu, việc đặt ra yêu cầu biên chế tối thiểu cũng là cần thiết, tuy nhiên đây đã phải là vấn đề bức xúc nhất trong những hạn chế về tổ chức, bộ máy của chúng ta hay chưa và liệu nó có tác động ngược hay không? Trong khi đó, vấn đề thực tế hiện nay đặt ra là bộ máy, biên chế công chức đang phình to, cần  khống chế biên chế thì lại không được đề cập trong Luật.

Cùng phát biểu thảo luận đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCCP và Luật TCCQĐP, đại biểu Cao Thị Giang cũng đồng ý cho rằng việc ban hành Luật này là hết sức cần thiết để nhằm kịp thời thể chế hoá tinh thần Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) và Nghị quyết số 56 của Quốc hội.

Góp ý vào các quy định cụ thể, đại biểu cho rằng, tại Khoản 3a Điều 1, dự thảo Luật quy định Chính phủ chỉ quy định khung số lượng và giao cho chính quyền địa phương quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện là không phù hợp, dễ dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất giữa các địa phương.

Việc quy định về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương là vấn đề rất quan trọng phải do Chính phủ quy định, không nên giao cho mỗi địa phương quyết định vì sẽ dẫn đến tùy tiện, thiếu thống nhất. Về nội dung bổ sung thẩm quyền của Chính phủ quy định số lượng biên chế tối thiểu của một số cơ quan, đơn vị tại Khoản 4a Điều 23, đề nghị xem xét, quy định theo hướng: Chính phủ quy định số lượng biên chế tối đa của các cơ quan, đơn vị.

Về cơ cấu tổ chức của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, đại biểu cho rằng, để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đề nghị nên quy định đối với các tỉnh thành loại 1 thì có 2 Phó Chủ tịch hoạt động chuyên trách, các tỉnh, thành phố loại 2 và loại 3 thì chỉ bố trí 1 Phó Chủ tịch hoạt động chuyên trách. Quy định tương tự như vậy đối với Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện.

Đối với các Ban của HĐND, đại biểu đề nghị, để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết về tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế của Đảng, dự thảo Luật cần quy định theo hướng đối với cấp tỉnh loại 2 và loại 3, đối với cấp huyện bố trí mỗi ban chỉ có một người hoạt động chuyên trách.

Cụ thể, nếu Trưởng ban hoạt động chuyên trách thì Phó Trưởng ban hoạt động kiêm nhiệm, nếu Trưởng ban hoạt động kiêm nhiệm thì Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Đối với tỉnh loại 1 thì bố trí 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách, Trưởng ban có thể hoạt động chuyên trách.

Về số lượng đại biểu HĐND cấp huyện, theo đại biểu, dự thảo Luật quy định số đại biểu HĐND ở cấp huyện có từ ba mươi đơn vị hành chính cấp xã, phường trực thuộc trở lên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực HĐND cấp tỉnh sẽ tạo ra các thủ tục rườm rà không cần thiết. Cần quy định theo hướng: Đối với HĐND cấp huyện có từ ba mươi đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên, thì cứ có thêm một đơn vị hành chính cấp xã được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu.

Về cơ cấu, tổ chức UBND cấp xã, theo dự thảo Luật quy định có tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại 2 so với quy định hiện nay là không đúng chủ trương tại Nghị quyết số 18 của Đảng; mặt khác, hiện nay, Chính phủ mới ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 92, đã quy định mỗi xã giảm 2 cán bộ, công chức so với quy định hiện hành. Như vậy, nếu tăng 1 Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại 2 thì mỗi xã phải giảm đến 3 công chức; vì vậy, cần xem xét giữ nguyên như quy định hiện hành để phù hợp với tinh thần tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế.

Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương, đại biểu cho rằng, hiện nay, chúng ta đang triển khai thực hiện chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một Văn phòng tham mưu, giúp việc chung theo Nghị quyết 580 của UBTV Quốc hội.

Việc hợp nhất này sẽ gây ra những vướng mắc trong hoạt động của văn phòng; nhất là bộ máy văn phòng chung lúc này sẽ phải vừa tham mưu công tác giám sát của Đoàn ĐBQH, HĐND và các cơ quan của HĐND tỉnh, vừa tham mưu công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh. Theo đó, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để có thể sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến vấn đề này trong dự thảo Luật để tạo cơ sở pháp lý và bảo đảm tính hợp lý, phù hợp thực tiến cho việc hợp nhất văn phòng.

Trong phiên thảo luận tại Hội trường đối với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã phát biểu đóng góp thêm nhiều ý kiến vào các nội dung cụ thể. Tại Điều 170 về tuổi nghỉ hưu, đại biểu đồng tình với phương án 2 và bày tỏ mong muốn UBTVQH và Ban soạn thảo cần hết sức quan tâm đến phương án này.

Theo đại biểu, tại Khóa XIII, Quốc hội đã tổ chức nhiều hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi trong nhiều doanh nghiệp, người lao động, nhưng dự thảo chưa thuyết phục nên nhiều quan điểm thiếu đồng tình vì thế không được thông qua. Đến thời điểm này, đại biểu đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng không ít người lao động không đồng tình, nên đề xuất cần có thêm điểm mở về tuổi nghỉ hưu trước tuổi.

Lý do đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu và cũng mong người lao động đồng tình ủng hộ, theo đại biểu là do tuổi thọ người Việt Nam hiện tăng cao, tăng tuổi nghỉ hưu là yếu tố bảo đảm nguồn quỹ bảo hiểm không bị phá vỡ; tăng tuổi nghỉ hưu là tận dụng tối đa tiềm năng, trí tuệ người lao động, đồng thời thực hiện tiến trình dân số vàng, bài học rút ra từ Nhật bản, Hàn quốc và một số nước trên thế giới.

Theo đại biểu, thực tiễn trên thế giới nhiều nước tuổi nghỉ hưu còn tăng cao hơn nhiều. Mặt khác, niềm tin lớn nhất của đại biểu là Luật sửa đổi đã đưa ra một lộ trình tăng tuổi hợp lý. Lộ trình này nhằm giải quyết tuyển dụng đối tượng lao động đã qua đào tạo nhưng thiếu việc làm. Đây cũng là thời gian để nâng cao trách nhiệm đào tạo, hướng nghiệp cho lực lượng lao động trẻ trong thời gian tới.

Đặc biệt sau 9 năm đối với nam, 16 năm đối với nữ với xu thế phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ thì người lao động chủ yếu điều hành bằng trí tuệ, cơ bản tự động hóa, ít lao động chân tay nên có khả năng kéo dài tuổi lao động.

Tuy nhiên, đại biểu cũng kiến nghị cần xem xét để mở rộng tuổi nghỉ hưu sớm hơn, từ 5 năm, lên 7 đến 10 năm; lý do là vì việc tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề hết sức nhạy cảm, cần tính toán cân nhắc kỷ lưỡng, cần tính đến nhu cầu lao động trẻ, trong lúc đất nước đang tinh giảm biên chế, nên Quốc hội cần quan tâm giải pháp hợp lý, có cơ sở, tăng được tuổi nhưng không gây sự phản ứng, tạo niềm tin, sự chia sẻ và ủng hộ của người lao động khi luật ban hành.

Tại Điều 37 “Trường hợp người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”, đại biểu đề nghị thêm vào Khoản 4 quy định “Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người đang lao động, thực hiện đúng hợp đồng lao động, có nhu cầu lao động, không vi phạm điều khoản quy định người sử dụng lao động”.

Tại Điều 46 về “Trợ cấp thôi việc”, đại biểu đề nghị thêm vào Khoản 4 quy định “Trường hợp người sử dụng lao động tự ý chấm dứt HĐLĐ thì người tham gia thực hiện hợp đồng lao động được thanh toán tiền BHXH, BHYT, BHTN thời gian còn lại cho đến tuổi nghỉ hưu”.

Ngoài những vấn đề trên, đại biểu còn đề xuất Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần có quy định cụ thể về xử phạt, truy tố doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH, BHYT, BHTN; Hội động trọng tài cần được tổ chức theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách; cần rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp bằng hòa giải để xử lý nhanh những bức xúc của người lao động và bổ sung thêm quy định về người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn của người lao động, khắc phục tình trạng ngộ độc xẩy ra trong thời gian qua.

Cùng với việc tham gia đóng góp ý kiến đối với một số dự thảo dự án luật quan trọng nêu trên, trong khoảng thời gian cuối kỳ họp, các đại biểu tập trung nghiên cứu các dự án luật, các nghị quyết đã được bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện để biểu quyết thông qua và họp Đoàn để lấy ý kiến đánh giá về kết quả kỳ họp.

Chiều ngày 14-6-2019, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV chính thức bế mạc; các đại biểu Quốc hội tỉnh trở về địa phương để tiến hành các hoạt động chuẩn bị cho việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp.

Phong Hồng-Hồng Nhung

,