.

Khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo của mỗi người dân

.
09:32, Thứ Bảy, 25/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, việc thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế đã có sức lan tỏa rộng khắp, thu hút sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Toàn  tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh ta thực hiện thành công các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Đồng chí Mai Xuân Toàn, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh cho biết: Từ khi tái thành lập tỉnh đến nay, toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là thi đua phát triển kinh tế. Nhờ vậy, nền kinh tế tỉnh ta luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá.

Tính chung từ năm 1989-2018, tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 8,2%, trong đó: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5%, công nghiệp, xây dựng tăng 13,5%, dịch vụ tăng 8,6%. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,03%, cao nhất từ trước đến nay.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đặc biệt, trong thời kỳ 2010-2018, ngành du lịch của tỉnh có sự chuyển biến mạnh, kéo theo nhiều ngành dịch vụ khác phát triển, qua đó, tăng dần tỷ trọng dịch vụ.

Trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, toàn tỉnh đã có bước chuyển biến về chất lượng và hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2018 đạt 4,5%. Nhiều điển hình tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế được tôn vinh, như: HTX dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong, HTX dịch vụ nông nghiệp Đại Phong (xã Phong Thủy, Lệ Thủy), HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng, Mỹ Lộc Hạ (xã An Thủy, Lệ Thủy), HTX dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (xã An Ninh, Quảng Ninh)...

Du lịch Quảng Bình ngày càng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế, góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh.
Du lịch Quảng Bình ngày càng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế, góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh.

Từ phong trào nông dân thi đua phát triển kinh tế, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng cây công nghiệp, trồng rừng... đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, toàn tỉnh có 730 trang trại, tăng 683 trang trại so với năm 1990, thu hút 2.212 lao động tham gia.

Điển hình trong phong trào này có ông Nguyễn Văn Bồn, thôn 2, xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch) đã đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018”, được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều điển hình nông dân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác giao khoán, bảo vệ, khoanh nuôi, phục hồi và trồng rừng được chú trọng đúng mức. Từ nguồn vốn của các chương trình, dự án và các thành phần kinh tế, gần 30 năm qua, toàn tỉnh đã trồng 129.585 ha rừng, bình quân mỗi năm trồng 4.468,5 ha.

Đến nay, tỉnh ta cơ bản không còn đất trống, đồi trọc, góp phần bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học và giảm nhẹ thiên tai. Năm 2018, độ che phủ rừng của tỉnh ta chiếm 67%, đứng thứ 2 toàn quốc, sau tỉnh Bắc Kạn (độ che phủ rừng toàn quốc hiện nay là 42%). Lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.  Giá trị sản xuất thủy sản đạt tốc độ tăng bình quân 8,4%/năm.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng có bước phát triển đáng mừng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và tăng nguồn thu cho ngân sách của tỉnh. Từ năm 2009 đến nay, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm đạt 8,6%. Nhiều phong trào thi đua đã được phát động và triển khai sôi nổi. Nổi bật là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”,"Năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động", “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”...

Nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất hiệu quả, như: xi măng Sông Gianh, may Hà Quảng và một số dự án có quy mô đang tiếp tục được triển khai, xây dựng. Từ các phong trào thi đua trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đã xuất hiện nhiều tập thể điển hình tiên tiến như: Công ty cổ phần Bia Hà Nội-Quảng Bình, HTX rượu làng nghề Võ Xá (Quảng Ninh), Công ty cổ phần vật liệu xây dựng 1-5... liên tục nhiều năm liền được tặng cờ thi đua của Chính phủ, UBND tỉnh.

Thời gian qua, thị trường dịch vụ của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân. Đến nay, đóng góp của dịch vụ trong cơ cấu GRDP chiếm tỷ trọng trên 54%, mức tăng trưởng hàng năm, đạt trên 6,5%. Số lượng đơn vị kinh doanh thương mại tăng nhanh và đã hình thành các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ chuyên doanh, chợ nông thôn... trên địa bàn toàn tỉnh.

Xác định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế, tỉnh ta đã quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án để phát triển du lịch. Nhờ đó, hoạt động du lịch đã có nhiều khởi sắc, các loại hình du lịch ngày càng phát triển. Quảng Bình nổi tiếng với các điểm đến mới, hấp dẫn, thương hiệu du lịch Quảng Bình dần được khẳng định trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

Kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư đã và đang trở thành nhân tố tích cực góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Trên cơ sở các cuộc làm việc, hội đàm cấp cao, nhiều văn bản hợp tác giữa Quảng Bình với các đối tác của Lào và Thái Lan… đã được ký kết.

Từ đó, tạo hành lang pháp lý cho các đối tác khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của nhau để mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế, thương mại, du lịch và các lĩnh vực khác cùng phát triển. Hoạt động kinh tế đối ngoại không những góp phần đắc lực vào quá trình thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế phát triển mà còn mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế cả về các lĩnh vực khác.

Như mạch ngầm lan tỏa, các phong trào thi đua yêu nước không chỉ mang lại động lực phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, mà còn khơi dậy tinh thần lao động, sáng tạo của mỗi người dân, góp phần lan tỏa tình yêu quê hương để xây dựng tỉnh nhà ngày càng tiến nhanh trên hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nhật Văn

,