.

Dấu ấn một thập kỷ-Bài 1: Đồng lòng vượt qua gian khó

.
06:56, Thứ Hai, 13/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Khi đất nước đang ở những năm đầu của giai đoạn đổi mới, Quảng Bình cũng bước vào dấu mốc quan trọng là tái lập tỉnh (1989). Đồng hành cùng đất nước qua hơn 3 thập kỷ, Quảng Bình đã đạt nhiều thành tựu vượt bậc. Đặc biệt, trong giai đoạn 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), diện mạo quê hương đã đổi thay ngoạn mục, là tiền đề quan trọng trên hành trình đi đến tương lai.

Bắt tay thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Quảng Bình đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Không lùi bước trước khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đã nỗ lực, đoàn kết vượt qua gian khó, mở ra những hướng đi phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Ngổn ngang gian khó

Sau hơn  hai mươi năm tái lập tỉnh, đến năm 2010, Quảng Bình vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế phát triển chưa toàn diện với bức tranh toàn cảnh nền nông nghiệp truyền thống, thiếu các mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang trò chuyện cùng du khách nước ngoài tại Phong Nha-Kẻ Bàng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang trò chuyện cùng du khách nước ngoài tại Phong Nha-Kẻ Bàng.

Trên đồng ruộng, dù bước đầu đã đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp nhưng chưa phổ biến.Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, dồn điền đổi thửa còn gặp nhiều chướng ngại vật. Nỗi lo thiếu ăn mùa giáp hạt vẫn thường xuyên ám ảnh trong lòng không ít người dân ở nhiều miền quê.

Trên biển, Dự án đầu tư đánh bắt hải sản xa bờ (ĐBXB) bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước giai đoạn 1997-2003, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có nhiều thiếu sót, yếu kém dẫn tới hiệu quả không cao, tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và đời sống của ngư dân. Nên dù sở hữu tiềm năng biển rộng lớn, đời sống ngư dân vẫn còn nhiều chật vật, âu lo.

Lĩnh vực du lịch, dù sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng đến năm 2011, con số du khách đến tỉnh cũng chỉ mới đạt gần 1 triệu khách. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn nghèo nàn, thiếu thốn, nhân lực phục vụ du lịch chất lượng và số lượng đều hạn chế.

Quan trọng hơn, doanh thu từ du lịch đạt thấp bởi còn thiếu các dịch vụ để du khách có thể “móc hầu bao”, vì vậy, doanh thu du lịch năm 2011 chỉ mới đạt con số khiêm tốn là 424 tỷ đồng. Giai đoạn này, du lịch Quảng Bình được mệnh danh là “người đẹp ngủ trong rừng” khi những tiềm năng chưa được khai phá và phát huy.

Hạ tầng giao thông, một trong những yếu tố quan trọng tác động đến nền kinh tế của tỉnh, vẫn trong tình trạng thiếu đồng bộ. Giao thông ở một số vùng chưa bảo đảm thông suốt bốn mùa; một số thôn bản chưa có cầu, đường ô tô, thường xuyên bị cô lập, chia cắt trong mùa mưa, nhất là ở các khu vực bị ngập lụt và khu vực miền núi.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định phấn đấu đến năm 2015, đưa hệ thống các trục quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng, sân bay, cảng biển vào đúng các cấp bậc kỹ thuật quy định; cơ bản hoàn thành chương trình cứng hóa giao thông nông thôn. Đây cũng chính là giai đoạn tỉnh nhà bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà tiêu chí giao thông là một trong những tiêu chí khó, nhận được sự quan tâm của các sở, ngành, địa phương.

Trước những khó khăn đó, năm 2010, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 14,8 triệu đồng; thu ngân sách 1.343 tỷ đồng, đời sống nhiều người dân, đặc biệt ở các xã miền, vùng sâu vùng xa còn nhiều hạn chế cả về tinh thần và vật chất. Nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục loay hoay trong việc xác định hướng đi trong bối cảnh quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, năng lực tài chính và sức cạnh tranh thấp, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Nỗ lực hành động

Xác định những khó khăn, tồn tại cần phải đối mặt và tháo gỡ, Quảng Bình bắt tay vào thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) (Cương lĩnh năm 2011) với quyết tâm cao.Trước hết, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên học tập, quán triệt các văn kiện Đại hội XI của Đảng và Cương lĩnh năm 2011 bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp theo tinh thần đổi mới, thiết thực, hiệu quả; tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn.

Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, là điều kiện thuận lợi để các cấp ủy vận dụng và tổ chức thực hiện một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị; cụ thể hóa những định hướng lớn nêu trong Cương lĩnh năm 2011 vào nghị quyết hằng năm của cấp ủy.

Trên lĩnh vực kinh tế, để hoàn thành mục tiêu của Cương lĩnh năm 2011, Quảng Bình đã tập trung công tác cải cách thể chế, triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện đã góp phần huy động và phát huy tốt nội lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh đã xác định rõ hướng đi lên của nền kinh tế, từng bước tạo nền tảng quan trọng để phát triển nhanh và bền vững.

Sự phát triển đa dạng các hình thức sở hữu, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ sở hữu khác nhau trong nền kinh tế được khuyến khích và tạo điều kiện.Môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển ngày càng được cải thiện. Công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đúng lộ trình đề ra.

Xác định tầm quan trọng của hoạt động thu hút đầu tư, trong một thập kỷ qua, Quảng Bình đã không ngừng nỗ lực triển khai và đổi mới theo hướng trực tiếp với các đối tác có tiềm năng, trong đó chú trọng các lĩnh vực quan trọng, như: du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, công nghệ cao...

Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư được sửa đổi, bổ sungtheo hướng có lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với thực tế của tỉnh. Thị trường hàng hoá, dịch vụ được tập trung đầu tư và khuyến khích phát triển.Thị trường tài chính-tiền tệ được mở rộng là “chìa khoá” quan trọng để mở cánh cửa thành công. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch đúng hướng, sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định, nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững.

Diệu Cầm

,