.

Củng cố hệ thống chính trị ở vùng dân tộc và miền núi

.
11:39, Thứ Bảy, 04/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở vùng dân tộc và miền núi, đặc biệt là đối với các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới. Đến nay, cơ bản các vùng DTTS đã xóa được thôn, bản trắng về chi bộ và đảng viên, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ tăng khá qua hàng năm.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Công Huấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: “Để xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc và miền núi, hàng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp để đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS.

Các địa phương có đồng bào DTTS tập trung đánh giá thực trạng hoạt động của hệ thống chính trị nơi đây để có các giải pháp củng cố, kiện toàn, thay đổi phương thức hoạt động; đồng thời phân công cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, uy tín về đảm nhiệm các vị trí chủ chốt tại cơ sở vùng DTTS còn gặp nhiều khó khăn.

Việc tạo nguồn phát triển đảng viên là người DTTS được các cấp ủy cơ sở đặc biệt quan tâm, phân công từng cấp ủy viên và đảng viên làm công tác tạo nguồn, có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ các chi bộ trong công tác phát triển đảng viên”.

Năm 2003, toàn tỉnh có 39 thôn, bản chưa có chi bộ độc lập; 38 thôn, bản chưa có đảng viên. Bằng các giải pháp thiết thực, đến nay, cơ bản các vùng DTTS đã xóa được thôn, bản trắng về chi bộ và đảng viên. Tổng số đảng viên là người DTTS đến cuối năm 2018 là 997 người, tăng 603 đảng viên so với năm 2003. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp, sử dụng đội ngũ cán bộ vùng đồng bào DTTS, người DTTS được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm thường xuyên.

Vì vậy, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ trong vùng đồng bào DTTS tăng khá qua hàng năm. “Sau đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh có 92 đảng viên là người DTTS tham gia cấp ủy cơ sở và 2 đảng viên tham gia cấp ủy cấp trên cơ sở.

Hiện nay, người DTTS trên địa bàn tỉnh có 1 đại biểu Quốc hội, 166 đại biểu HĐND các cấp; 1 vị Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQVN, 6 vị Ủy viên Ủy ban MTTQVN tỉnh và trên 1.000 Ủy viên Ủy ban MTTQVN cấp huyện, xã và ban công tác Mặt trận ở khu dân cư; 10 cán bộ công tác tại cơ quan Đảng, Ủy ban MTTQVN, các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội và cơ quan Nhà nước cấp huyện; 119 cán bộ, công chức cấp xã”, ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng ban Dân tộc-Tôn giáo, Ủy ban MTTQVN tỉnh cho hay.

Theo số liệu thống kê về chất lượng của đội ngũ cán bộ là người DTTS từ các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị, năm 2009: tiểu học có 17 người (chiếm 23%), THCS 53 người (chiếm 71%), THPT 4 người (chiếm 6%), trung cấp 2 người (chiếm 1,3%) và đại học, cao đẳng 3 người (chiếm 2%).

Nhờ quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ người DTTS nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, đến nay, 100% cán bộ người DTTS công tác tại các cơ quan cấp huyện có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên và trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, 50% cán bộ cấp xã có trình độ THPT; trong đó đại học chiếm trên 14%, trung cấp 20%, cử nhân và cao cấp lý luận chính trị trên 6%, trung cấp lý luận chính trị trên 10%.

Chất lượng đội ngũ được nâng lên, hệ thống chính trị ở vùng DTTS và miền núi, nhất là chi bộ, ban công tác Mặt trận, chi đoàn, chi hội ở các thôn, bản được củng cố và kiện toàn. Từ đó, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác dân tộc và vận động đồng bào DTTS phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa mới.

Nhằm góp phần xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở vùng dân tộc và miền núi, các cấp, ngành, địa phương có đồng bào DTTS đã phân công cán bộ lãnh đạo và cán bộ tham mưu phụ trách công tác dân tộc. Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội luôn chú trọng phát huy các nhân tố mới để xây dựng và phát huy vai trò, vị trí đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Các lực lượng vũ trang đóng quân, công tác trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi đã chủ động phối hợp với các huyện, xã có đồng bào DTTS xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Vì vậy, trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS, khu vực biên giới cơ bản ổn định, không có các điểm nóng, vụ việc phức tạp và hiện tượng tôn giáo nổi lên.

Hiền Chi

,