.

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa

.
08:54, Thứ Năm, 09/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện kế hoạch giám sát 367/KH-ĐGS của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 08/QĐ-TrĐĐBQH, ngày 5-1-2019 của Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, vừa qua, đoàn giám sát do đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu đã tiến hành giám sát tại các cơ quan, đơn vị và một số huyện thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Đoàn giám sát làm việc với các cơ quan, đơn vị và một số huyện thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Đoàn giám sát làm việc với các cơ quan, đơn vị và một số huyện thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Trong 2 ngày, đoàn đã tiến hành làm việc với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc và UBND huyện Tuyên Hóa.

Qua giám sát cho thấy, trong giai đoạn 2012-2018, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã tạo nên sức mạnh tổng lực để hỗ trợ vùng địa bàn dân tộc thiểu số, miền núi vươn lên thoát nghèo.

Trong đó, giai đoạn 2012-2015, ngân sách Trung ương đã cấp 200.648 triệu đồng để phát triển cơ sở hạ tầng; 23.380 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản xuất cho 44 xã, 20 thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2016-2018, chương trình 135 được cấp 149.757 triệu đồng để đầu tư cho hạ tầng; 37.585 triệu đồng đầu tư cho các mô hình giảm nghèo, 4.570 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp đã được cấp để nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ 40 xã, 20 thôn đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, nguồn lực hỗ trợ quốc tế đã được địa phương huy động để hỗ trợ thực hiện nhiều dự án giảm nghèo. Điển hình là dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho các xã điện lưới quốc gia không đến được trên địa bàn tỉnh do Keximbank Hàn Quốc tài trợ, cung cấp điện ổn định cho 1231 hộ dân, 78 đơn vị dịch vụ công tại 40 bản thuộc 8 xã biên giới; dự án SRDP (Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo) đã thực hiện các tiểu dự án đầu tư nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng các công trình hạ tầng công phục vụ phát triển các chuỗi giá trị tại địa bàn 4 huyện miền núi Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Ninh…

Hàng chục mô hình giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế đã được xây dựng và duy trì trong giai đoạn này đã giúp người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi vươn lên thoát nghèo bền vững. Đáng chú ý là các mô hình nuôi gà, trồng nấm, trồng cây dược liệu, trồng rừng... Nhiều mô hình đã được các huyện, xã phát triển thành sản phẩm chủ điểm trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm để tạo thành sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu của địa phương.

Với những nỗ lực đó, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số được giảm đáng kể, bình quân giảm 5,08%.

Tuy vậy, đoàn giám sát cũng nhận thấy một số khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Điển hình là việc thoát nghèo nhanh nhưng không bền vững, sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến lãng phí, phân tán nguồn lực giảm nghèo.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cho rằng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách giảm nghèo, bao phủ nhiều lĩnh vực; chủ trương đúng, chính sách tốt, nhưng nguồn ngân sách có hạn (nhất là đối với những tỉnh nghèo kinh tế chậm phát triển như Quảng Bình) nên hết sức khó khăn trong huy động nguồn lực tài chính cũng như bố trí phân bổ cho việc giảm nghèo.

Mặt khác, một số chính sách thực hiện chưa thực sự hiệu quả, còn mang tính bao cấp, ban phát đã tạo nên tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số, gây ảnh hưởng cản trở đến sự phát triển.

Tại các buổi làm việc, thay mặt đoàn giám sát, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận những ý kiến phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nghiêm túc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật về giảm nghèo bền vững địa bàn dân tộc, thiểu số; rà soát lại quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh để tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành và địa phương trong thực hiện từng chương trình; đồng thời, cần tích cực rà soát, tham mưu kiện toàn chính sách khi nhận thấy sự bất cập, chồng chéo trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt, các ban, ngành, đoàn thể cần tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa và nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại để kết quả giảm nghèo thực sự bền vững, mang lại hiệu quả lâu dài cho người dân và địa phương.

Diệu Linh
Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

,