.

Một đời vì sự nghiệp chung

.
06:49, Thứ Ba, 30/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Người chúng tôi muốn nói đến là ông Cao Xuân Hữu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Quảng Hải, TX. Ba Đồn. Ông từng vào sinh ra tử ở chiến trường miền Nam, cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục, rồi tham gia hoạt động, phong trào Hội CCB nơi ông sinh sống…
 
Rời giảng đường ra chiến trường
 
Ngược dòng suy nghĩ trở về quá khứ, ông Cao Xuân Hữu kể với chúng tôi, ông sinh ra trong một gia đình đông anh em, nhưng chỉ có ông là con trai. Năm 1968, trong một trận bắn phá dữ dội của máy bay Mỹ, bố mẹ ông đã qua đời vì bị trúng bom. Anh em ông phải sống nhờ ở nhà cô ruột của bố. Vượt lên hoàn cảnh, ông Hữu cố gắng học hành. Năm 1971, ông tốt nghiệp cấp 3 ở Trường Bắc Quảng Trạch, rồi trúng tuyển Trường đại học Sư phạm I Hà Nội.
 
Nhập học chưa được bao lâu thì Nhà nước có lệnh điều động sinh viên lên đường nhập ngũ. Ông Hữu không nằm trong diện bắt buộc phải đi, nhưng với lòng căm thù giặc sâu sắc, ông đã quyết định tạm ngừng việc “đèn sách” để ra chiến trường.
 
Sau 3 tháng huấn luyện ở Trung đoàn 19 Hà Nam Ninh, ngày 19-12-1972, ông Hữu nhập quân để đi B. Cùng đồng đội, ông đã trải qua 10 tháng gian khổ đi bộ hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Vào chiến trường, ông Hữu được bổ sung về Đại đội trinh sát, Trung đoàn độc lập (C21E88), vùng 4 chiến thuật (vùng Đồng Tháp Mười).
CCB Cao Xuân Hữu cùng con trai xem lại những kỷ vật của ông khi tham gia chiến trường miền Nam.
CCB Cao Xuân Hữu cùng con trai xem lại những kỷ vật của ông khi tham gia chiến trường miền Nam.
Thời gian này, tình hình rất căng thẳng khi địch cố tình lấn chiếm vùng giải phóng. Trung đoàn độc lập là đơn vị chủ lực trong việc tập trung mở rộng vùng giải phóng và chống càn. Cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ của trung đoàn, ông Hữu luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc được cấp trên giao phó.
 
Ông đã có nhiều đóng góp trên chiến trường, như: bắn 2 chiếc xe tăng, 1 chiếc xe GMC của địch. Nhờ đó, ông vinh dự được trung đoàn tặng danh hiệu dũng sỹ diệt xe cơ giới và được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 1974.
 
Đến năm 1975, ông Hữu được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 30-4-1975, trong chiến dịch tổng tiến công về Sài Gòn qua cầu chữ Y với 5 mũi chủ lực, ông Hữu cùng đồng đội tham gia ở mũi Tây Tây Nam.
 
Trưa 30-4-1975, ông Hữu vinh dự là một trong những người có mặt sớm nhất ở Sài Gòn, đánh về phía kho xăng Nhà Bè, bảo vệ kho xăng. Sau một thời gian ở lại làm nhiệm vụ quân quản kho xăng, ông Hữu và đồng đội đã chuyển giao cho chính quyền bảo vệ để tiếp tục nhận nhiệm vụ mới. Ông cùng Trung đoàn độc lập về tham gia ở chiến trường Tây Nguyên, được một năm thì ra quân.
 
Nhắc đến kỷ niệm nhớ nhất khi tham gia chiến trường miền Nam, ông Hữu chia sẻ với chúng tôi: “Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là lần được trung đoàn giao nhiệm vụ vượt ngã ba sông Vàm Cỏ Đông-Vàm Cỏ Tây (rộng khoảng 200m) qua nhà dân mượn thuyền để chở quân sang lập căn cứ. Khi ra giữa dòng, tôi bị tàu địch phát hiện, bắn đạn xối xả nhưng nhờ nhanh trí tôi đã thoát chết và hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
 
Cống hiến sức mình xây dựng quê hương
 
Rời chiến trường, ông Cao Xuân Hữu quay về tiếp tục theo học tại Trường đại học Sư phạm I Hà Nội. Sau 4 năm miệt mài “đèn sách”, năm 1980, ông Hữu ra trường, được Trường Sỹ quan Lục quân I huấn luyện sỹ quan dự bị (3 tháng), rồi bố trí cho đi học Trường Nguyễn Ái Quốc, nhưng ông xin không đi học.
 
Ông Hữu chia sẻ: “Lúc đó tôi nghĩ, nhiệm vụ quan trọng khi Tổ quốc cần, tôi đã hoàn thành; việc trau dồi kiến thức cho bản thân cũng đã có được cái cơ bản. Ba mẹ mất sớm, gia đình chỉ mình tôi là con trai, nên tôi muốn được trở về để hoàn thành đạo hiếu với gia đình và quê hương”.
 
Sau khi nguyện vọng của bản thân được chấp thuận, ông Hữu trở về quê hương, nhưng ông vẫn phải xa nhà, công tác ở một trường cấp 3 huyện Minh Hóa. Phải 8 năm sau đó, ông Hữu mới được chuyển về công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Trạch.
 
Bằng trình độ và tâm huyết với nghề, năng lực của ông Hữu được cấp trên tin tưởng ghi nhận. Năm 1997, ông được phân về làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Ba Đồn, năm 2003 là Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Thanh, năm 2010 là Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Hải. Trong thời gian công tác tại 3 ngôi trường này, ông Hữu đã cùng đội ngũ giáo viên, học sinh nỗ lực dạy tốt, học tốt, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Danh hiệu dũng sỹ diệt xe cơ giới Trung đoàn độc lập trao tặng cho ông Cao Xuân Hữu.
Danh hiệu dũng sỹ diệt xe cơ giới Trung đoàn độc lập trao tặng cho ông Cao Xuân Hữu.
Với những cống hiến của mình trong sự nghiệp giáo dục, ông Hữu đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Năm 2013, ông Hữu nghỉ hưu theo chế độ Nhà nước quy định nhưng ông vẫn được tín nhiệm, tiếp tục tham gia làm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức, rồi được bầu làm Chủ tịch Hội CCB xã Quảng Hải.
 
Ở vai trò, vị trí nào, ông Hữu cũng làm tốt nhiệm vụ của mình, đưa phong trào hoạt động của hội ngày càng phát triển vững mạnh, hiệu quả. Ông Hữu xứng đáng là tấm gương sáng trong phong trào học tập, làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã được Thị ủy Ba Đồn nhiều lần ghi nhận và tặng giấy khen.
 
Cùng với việc nước, việc gia đình cũng được ông Hữu lo lắng chu toàn, khi cùng vợ nuôi dạy 3 đứa con ăn học đàng hoàng và có việc làm ổn định. Tranh thủ thời gian rảnh, ông Hữu còn nuôi gà, thả cá, trồng rau… góp phần tăng gia sản xuất cho gia đình.
 
Ông Cao Ngọc Xá, Chủ tịch Hội CCB TX. Ba Đồn cho biết: “Từ một người lính, một nhà giáo, rồi một CCB, ông Cao Xuân Hữu luôn là người xông xáo, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Đây là tấm gương để các thế hệ trẻ sau này học tập, làm theo”.
 
                                                                                                                                   Lê Mai
,