.
"Hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh và 70 năm Quảng Bình quật khởi"

Đường đến tương lai

.
15:50, Thứ Sáu, 05/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - L.T.S: Nhằm góp phần khơi dậy niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân về những thành tựu to lớn của tỉnh nhà sau 30 năm tái lập tỉnh và giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương Quảng Bình "Hai giỏi", bắt đầu từ tháng 4-2019, Báo Quảng Bình mở chuyên mục "Hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh (1-7-1989 - 1-7-2019) và 70 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15-7-1949 - 15-7-2019).

Chuyên mục tập trung chuyển tải các bài viết phản ánh, tuyên truyền về những thành tựu đạt được của tỉnh nhà trên các lĩnh vực, trải qua các thời kỳ cách mạng; sự đổi thay, vươn mạnh mẽ lên của vùng đất, con người Quảng Bình trong công cuộc đổi mới hôm nay và cả những dự định tương lai.

---------------------------------

Sau ba mươi năm Quảng Bình trở về địa giới cũ, có nhiều giấc mơ đã trở thành hiện thực. Những bản làng xa xôi, heo hút, nay chỉ cách vài tiếng đồng hồ chạy xe ô tô. Cha Lo, Cổng Trời, Tân-Thượng Trạch, Kim-Ngân Thủy… giờ không còn là những địa danh dặm đường cách trở. Cả sông Gianh cuồn cuộn với những chuyến phà cần mẫn ngày đêm giờ cầu mới thênh thang nối đôi bờ. Những khởi sắc của hạ tầng giao thông qua ba thập kỷ đã và đang đưa Quảng Bình tự tin đi đến tương lai.

Năm 1989, quốc lộ 1A, con đường huyết mạch chỉ rộng 7m, đầy rẫy những ổ gà, ổ voi. Quốc lộ 15 vẫn hằn in dấu vết chiến tranh với nhiều đoạn bị phá hủy. Quốc lộ 12A đoạn Ba Đồn-Quy Đạt phải đi ròng rã hàng ngày trời mới đến, đoạn Khe Ve-Mụ Giạ nền đường hẹp, rải cấp phối, không có hệ thống cầu cống.

Mùa mưa lũ, đoạn đường này là cái bẫy nguy hiểm với người và xe khi hàng nghìn mét khối đất đá luôn chực chờ đổ xuống, hệ thống ngầm tràn bị cuốn trôi, nhiều đoạn mất hẳn nền đường phải chỉnh tuyến để thông xe. Phía quốc lộ 1A, phà Gianh vẫn dằng dặc nỗi đợi chờ và cả âu lo, nhất là mùa mưa bão. Giao thông nông thôn chỉ là những con đường đất nhỏ hẹp, tự phát, thiếu quy hoạch…

Không lùi bước trước khó khăn, thiếu thốn, “kịch bản” xây dựng và phát triển giao thông tỉnh nhà được bắt tay triển khai. Mười năm đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh (1989-1999), hạ tầng giao thông thị xã Đồng Hới và một số trung tâm huyện lỵ đã bắt đầu có những khởi sắc. Cầu Quán Hàu được đầu tư xây dựng, quốc lộ 1A được mở rộng. Trên tuyến quốc lộ 1A, cầu Gianh đã nối đôi bờ sông Gianh, những con phà cũng hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Cầu Nhật Lệ 2, công trình điểm nhấn, mở ra tương lai tươi sáng cho vùng cát ven biển Bảo Ninh (ảnh: Lê Đức Thành).
Cầu Nhật Lệ 2, công trình điểm nhấn, mở ra tương lai tươi sáng cho vùng cát ven biển Bảo Ninh. Ảnh: Lê Đức Thành

Trên đường 12A, những cây cầu hiện đại đầu tiên được hoàn thành như cầu Bãi Dinh, La Trung, Khe Ve, Quy Đạt, Minh Cầm… Nhiều tuyến tỉnh lộ được cán nhựa. Cũng trong thời điểm này, dự án đường Cha Lo-Vũng Áng được Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ. Mười năm đầu tiên sau ngày trở về địa giới cũ, bằng sự kiên trì và nỗ lực, hạ tầng giao thông Quảng Bình đã có những khởi sắc mới, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Dẫu vậy, tại Đồng Hới, “bán đảo” Bảo Ninh vẫn là vùng đất vời xa khi bị sông Nhật Lệ chia cắt. Ước mơ về một cây cầu nối liền đôi bờ đau đáu trong lòng người dân nơi đây. Giao thông miền núi vẫn là nỗi khiếp sợ của nhiều người khi mùa mưa lũ nguy hiểm luôn cận kề. Thời điểm ấy, các lực lượng Bộ đội Biên phòng, hải quan, giáo viên… công tác ở vùng miền núi phải vượt qua bao khó khăn, trở ngại để gắn bó với công việc.

Mười năm sau đó (2000-2009), nhiều giấc mơ của người Quảng Bình đã thành hiện thực. Đó là cầu Nhật Lệ 1 đã nối đôi bờ Nhật Lệ, đưa Bảo Ninh gần Đồng Hới hơn bao giờ. Sau khi cầu Nhật Lệ khánh thành, làng chài yên tĩnh năm nào giờ rộn tiếng xe ô tô, xe máy, học trò ríu rít đạp xe qua cầu đi học. Những con đò ngày ngày đưa người Bảo Ninh sang sông giờ đã hoàn thành sứ mệnh.

Đường Hồ Chí Minh huyền thoại nhánh đông và tây với chiều dài 320km đi qua địa bàn được khởi công xây dựng, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được nần cấp, mở rộng. Ở nông thôn, phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã mang lại những khởi sắc vượt bậc cho hệ thống giao thông nông thôn. Cơ giới hóa nông nghiệp, giấc mơ của người nông dân giờ đã thành hiện thực khi giao thông nội đồng được quan tâm đầu tư.

Người dân Lệ Thủy, Quảng Trạch, Tuyên Hóa hân hoan vui mừng khi cầu Kiến Giang, cầu Quảng Hải, cầu Châu Hóa được hoàn thành, chấm dứt những tháng ngày đằng đẵng đợi đò.

Lĩnh vực hàng không, Cảng hàng không Đồng Hới khánh thành và đưa vào sử dụng vào năm 2008 với các đường bay nội địa và đường bay quốc tế đã rút ngắn hành trình của bao du khách trong và ngoài nước khi đến Quảng Bình. Cùng với Cảng hàng không Đồng Hới, Cảng biển Hòn La là dự án chiến lược được hoàn thành trong giai đoạn này đã tạo đà cho kinh tế-xã hội Quảng Bình ngày càng phát triển.

Từ năm 2010 đến nay, có những giấc mơ mà khi thành hiện thực, biết bao người phải ngỡ ngàng. Cầu Nhật Lệ 2 khánh thành cùng tuyến đường Võ Nguyên Giáp rộng mở đã khiến Bảo Ninh thêm một lần "thay da đổi thịt". Cây cầu đẹp rực rỡ và hiện đại tạo điểm nhấn quan trọng cho thành phố trẻ, mở ra tương lai tươi sáng cho vùng cát ven biển.

Công trình này cũng đánh dấu bước tiến vượt bậc của ngành Giao thông vận tải khi làm chủ và áp dụng thành công công nghệ xây cầu dây văng nhịp lớn do các đơn vị trong nước tự thiết kế, thi công. Cùng với đó, dự án mở rộng quốc lộ 1A đã mang lại diện mạo mới và những thuận lợi to lớn, tạo đà cho Quảng Bình ngày càng phát triển…

Bây giờ, chỉ cần vài tiếng đồng hồ chạy xe ô tô là có thể đặt chân lên những vùng đất xa ngái nhất của tỉnh. Ô tô vào tận trung tâm xã, thậm chí vào tận các bản làng không còn là chuyện xa lạ nữa. Giao thông nông thôn từ miền ngược đến miền xuôi được đầu tư xây dựng quy củ, là niềm tự hào của người dân nông thôn khi được đóng góp sức mình xây dựng nông thôn mới nói chung, xây dựng hạ tầng giao thông nói riêng.

Và giấc mơ về cầu Nhật Lệ 3 đã hình thành, để một ngày không xa, sông Nhật Lệ duyên dáng sẽ có một cây cầu nữa, những tiềm năng vùng cát bên sông Nhật Lệ sẽ tiếp tục được đánh thức…

Sau hành trình 30 năm gian khó nhưng đầy quyết tâm và nỗ lực, Quảng Bình đang đặt ra những mục tiêu to lớn hơn.Một hệ thống giao thông quốc tế kết nối các nước trong khu vực, kết nối các điểm du lịch trọng điểm; xây dựng các trục đường chính có ý nghĩa chiến lược để phát triển thành phố Đồng Hới; triển khai tuyến đường ven biển; tiếp tục cứng hóa giao thông nông thôn; xây dựng hệ thống cầu vượt sông, suối… là những mục tiêu mà Quảng Bình đang đặt ra trên hành trình 10 năm tới.

Tin rằng, bằng những kinh nghiệm đã tích lũy được qua hành trình 30 năm, bằng quyết tâm và sự nỗ lực, những mục tiêu ấy sẽ hoàn thành, tạo tiền đề để Quảng Bình vững tin bước tới tương lai.

Ngọc Mai

,