.
Cựu chiến binh, cựu quân nhân Trung đoàn 6 tại tỉnh Quảng Bình:

Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng

.
12:03, Thứ Ba, 05/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Cách đây 40 năm (1979) Việt Nam bất ngờ phải đương đầu với một cuộc chiến trên tuyến biên giới phía Bắc. Bè lũ phản động bành trướng đã sử dụng 60 vạn quân, 1.200 xe tăng, 9 quân đoàn chủ lực, 32 sư đoàn bộ binh và nhiều vũ khí hạng nặng khác đồng loạt tiến công xâm lược nước ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, với cái gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Trước tình cảnh đó, một lần nữa quân và dân Việt Nam buộc phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình. Cả dân tộc là một khối thống nhất vững bền, đoàn kết. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (5-3-1979), hàng triệu thanh niên Việt Nam rầm rộ tình nguyện ra mặt trận.

Cùng với cả nước, hàng ngàn người con ưu tú của nhân dân 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (lúc ấy là tỉnh Bình Trị Thiên), nhiều cán bộ, công nhân, giáo viên, sinh viên, học sinh cấp 3 viết thư bằng máu xung phong ra mặt trận, gần 1.000 người con em Quảng Bình phần lớn là học sinh cấp 3 đang ngồi ghế nhà trường, mang trong mình dòng máu tự tôn dân tộc và niềm khát khao cháy bỏng được chiến đấu chống quân xâm lược bành trướng, đã hăng hái và tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc, trong đó có hơn 400 cựu quân nhân nhập ngũ vào Trung đoàn 6 (phiên hiệu là Đoàn Phú Xuân).

Trung đoàn 6 được thành lập ngày 10-10-1965, tại Khe Su, thuộc chiến khu Ba Lòng, tỉnh Quảng Trị; lúc đầu được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Miền Tây và Sở chỉ huy phân khu Bắc của Quân khu 5; sau này trực thuộc Quân khu Trị Thiên.

Ngay sau khi thành lập được 9 ngày, Trung đoàn 6 đã xuất quân trận đầu, đánh tiêu diệt căn cứ địch ở Ba Lòng ngay đêm 19-10-1965, viết vào trang đầu truyền thống hào hùng của đơn vị cũng như nối tiếp truyền thống“Trận đầu đánh thắng” của Quân đội ta; đồng thời, xây dựng nên truyền thống bám trụ xây dựng cơ sở, mở rộng địa bàn hoạt động; vừa sản xuất tự túc lương thực vừa chiến đấu phá thế kìm kẹp của địch tại các ấp chiến lược; kết hợp tổ chức lực lượng đánh nhỏ, đánh vừa như trận tiêu diệt căn cứ huấn luyện biệt kích ở Nam Đông Khe Tre, đánh chiếm Chi khu Phú Lộc, diệt thiết xa vận của địch tại Tây Hoàng, Mỹ Phú…

Vinh dự và tự hào lớn lao nhất trong lịch sử của Trung đoàn 6 là đã góp phần to lớn trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và mùa Xuân năm 1975, đều là một trong những đơn vị chủ công giải phóng thành phố Huế. Trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, với 26 ngày đêm làm chủ thành phố Huế, Trung đoàn 6 đã đánh 416 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 4.118 tên Mỹ, ngụy; bắt sống 200 tên, 3 xe bọc thép M113, thu 400 súng các loại; cùng các đơn vị đánh gục Sư đoàn 1 ngụy, 2 lữ đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ; đặc biệt là đã đánh quỵ bộ máy ngụy quyền do Mỹ dày công xây dựng hơn chục năm qua.

Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, sau khi tạo bàn đạp cho Quân đoàn 2 đứng chân chuẩn bị cho chiến dịch mùa Xuân 1975 đại thắng, Trung đoàn 6 chuyển sang hoạt động trên trục đường 12, đánh địch để tạo thời, lập thế chuẩn bị chiến trường. Ngày 19-3-1975, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên ra lệnh mở chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế.

Trung đoàn 6 đã hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng tấn công tiêu diệt địch dọc tuyến 12, điểm cao 300, Trúc Mao, Núi Mệ và một số nơi khác; thực hành đánh địch vượt sông, phối hợp với các cánh quân cùng đánh vào thành phố Huế.

Đúng 6 giờ sáng ngày 26-3-1975, quân ta đã làm chủ thành phố Huế. Một lần nữa, Trung đoàn 6 lại có vinh dự cùng các đơn vị bạn kéo lá cờ của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên đỉnh cột cờ Ngọ Môn, báo hiệu Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng. Tiếp tục theo lệnh của trên, Trung đoàn 6 phối hợp với các lực lượng binh chủng đã cùng với toàn dân giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975.

Chiến tranh kết thúc, hòa bình được lập lại, cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 6 mặc dù chưa có ngày nghỉ trọn vẹn, lại tiếp tục nhận nhiệm vụ không kém phần nguy hiểm, hy sinh là tháo gỡ bom mìn để bảo vệ tính mạng nhân dân, giải phóng đất đai, khôi phục sản xuất tại Long Quang, Triệu Sơn, Chợ Cạn, vùng núi Bình Điền.

Trong 150 ngày đêm lao động dũng cảm, quên mình, bằng mồ hôi và cả xương máu của cán bộ chiến sỹ, Trung đoàn 6 đã bàn giao cho nhân dân Long Quang, Chợ Cạn 4.000 ha đất sản xuất và 1.000 ha đất sạch bom mìn cho vùng kinh tế mới Bình Điền.

Cho đến khi hoàn thành chiến dịch rà phá bom mìn, Trung đoàn 6 đã phá hủy và tháo gỡ trên 5 triệu quả bom mìn các loại, giải phóng trên 512 km2 đất sản xuất cho 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, Trung đoàn 6 lại trở về miền Tây Thừa Thiên Huế, cùng địa phương khai hoang phục hóa, với chủ trương sẽ biến A Lưới - vùng căn cứ địa cách mạng vững chắc năm xưa thành vùng kinh tế trù phú.

Dự án đang được triển khai và bước đầu có hiệu quả, thì tháng 2-1979 xảy ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, buộc dân tộc ta một lần nữa phải vùng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Vì vậy, ngày 4-3-1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi quân và dân cả nước, trong đó nêu rõ: “Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc”. Cũng trong ngày 5-3-1979, Chủ tịch nước đã công bố Lệnh số 29 Tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Theo lệnh của trên, Trung đoàn 6 đã cấp tốc hành quân về đứng chân tại Đồng Hới, Quảng Bình, vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu vừa làm công tác tổ chức biên chế lực lượng động viên và chiến sỹ mới, tổ chức huấn luyện, để tăng cường lực lượng chiến đấu cho các đơn vị tại các tỉnh biên giới phía Bắc.

Trong thời điểm lịch sử này, tiếp truyền thống quê hương, lớp lớp con em Quảng Bình từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến đồng bằng bao gồm cả học sinh cấp 3 đang ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên, nông dân, công nhân, cán bộ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, cả những cán bộ, chiến sỹ quân đội vừa được phục viên, chuyển ngành về địa phương lại tòng quân lên đường chiến đấu bảo vệ biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.

Các cựu chiến binh, cựu quân nhân rất tự hào vinh dự được nhập ngũ vào Trung đoàn 6 tại một thời điểm lịch sử đặc biệt theo Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước, vì đây chính là đơn vị được Đảng, Nhà nước 2 lần tuyên dương “Đơn vị anh hùng LLVTND”.

Những ngày đầu xuân 1979 có những giây phút vô cùng thiêng liêng khi các cựu quân nhân nhận được lệnh gọi nhập ngũ vào Trung đoàn 6. Thời gian và sự kiện diễn ra thật dồn dập, khẩn trương, nhiều nơi nhân dân, chính quyền và đoàn thể địa phương không kịp tổ chức chia tay thanh niên lên đường nhập ngũ.

Địa điểm đứng chân tập kết để đón chiến sỹ mới của Trung đoàn 6 là tại Trạm đón tiếp Bắc Nam, gần sân bay Đồng Hới, địa bàn đóng quân thuộc xã Lộc Ninh (nay là xã Lộc Ninh và xã Quảng Phú) với chủ trương của Trung đoàn 6 là sẵn sàng lên đường được ngay để chi viện cho chiến trường biên giới phía Bắc đang nóng bỏng từng ngày.

Do đất nước ta vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh ác liệt chưa được bao lâu, đang còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, thì lại phải bước ngay vào cuộc chiến tranh bắt buộc để bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Cho nên, những năm tháng trong quân ngũ lúc đó của các cựu quân nhân Trung đoàn 6 thực sự là những năm tháng cực kỳ khó khăn, gian khổ và thiếu thốn: Cơm rất ít, chủ yếu là ăn độn hạt bo bo, ngô xay, khoai, sắn; thực phẩm chủ yếu là rau, nước mắm, muối… Áo quần chủ yếu là vải sợi bông thô, rất chóng rách.

Vì thế, trong ba lô người chiến sỹ Trung đoàn 6 lúc đó không bao giờ thiếu cây kim, cuộn chỉ và những miếng vải cũ còn lành lặn, để sẵn sàng “ưu tiên cho tuyến trước” như chiến sỹ ta thường nói vui khi không ít lần phải mạng đầu gối, vá áo quần bị rách.

Khó khăn là thế, gian khổ là thế, nhưng đại bộ phận chiến sỹ Trung đoàn 6 vẫn xác định rõ trách nhiệm của mình khi Tổ quốc cần, không quản ngại khó khăn, gian khổ; ra sức huấn luyện với khẩu hiệu: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”, “Nguyện xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”... Vì vậy, chất lượng huấn luyện chiến thuật được đảm bảo, kết quả kiểm tra bắn đạn thật đạt tỷ lệ khá, giỏi cao. Và đặc biệt, nhờ làm tốt công tác dân vận nên tình đoàn kết quân dân cá nước nơi đóng quân ngày càng gắn bó keo sơn.

Chúng ta làm sao quên được những bát canh, con cá, củ khoai, dĩa bánh bột lọc của bọ mạ, của các o, các chị ở Lộc Ninh, Quang Phú (Đồng Hới) hay Triệu Trạch, Triệu Vân, Triệu Thuận, Triệu Phước, Triệu Thượng (Quảng Trị)… đã làm cho bộ đội ta thêm ấm lòng, càng cầm chắc tay súng quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của quê hương.  

Phải chịu nhiều thiệt hại trước sức tự vệ anh dũng và sự giáng trả đích đáng của quân và dân ta, cũng như trước sự lên án mạnh mẽ của dư luận tiến bộ thế giới; bọn phản động bành trướng đành phải tuyên bố kết thúc cuộc chiến phi nghĩa, phi nhân tính của họ.

Vì vậy, cuối tháng 6-1979, Trung đoàn 6 nhận mệnh lệnh điều động hàng trăm cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn bổ sung cho các đơn vị chủ lực ở Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các đơn vị tình nguyện ở Lào và Campuchia… 

Còn đội hình của Trung đoàn, ngày 1-7-1979 di chuyển hành quân bộ từ Lộc Ninh (Đồng Hới) về phòng thủ từ Nam Cửa Việt đến cảng Mỹ Thủy, Quảng Trị. Tạm biệt mảnh đất của quê hương “Hai giỏi”, sau 5 ngày hành quân, tối ngày 5-7-1979, các đơn vị của Trung đoàn 6 đã đến vị trí đóng quân mới.

Được đứng chân trên quê hương Quảng Trị anh hùng, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 6 một lần nữa đã phát huy cao độ truyền thống đơn vị anh hùng, truyền thống quê hương cách mạng, thực hiện điều chỉnh lại phương án tác chiến, đồng thời vừa huấn huyện sẵn sàng chiến đấu, vừa giúp nhân dân địa phương khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, vừa tranh thủ tăng gia sản xuất tự túc một phần lương thực và khai thác vật liệu để xây dựng doanh trại mới.

Đặc biệt, từ đầu năm 1980, Trung đoàn 6 được giao nhiệm vụ thi công đập chính của công trình Đại thủy nông Nam Thạch Hãn, với dung tích bảo đảm tưới tiêu cho hơn 1.500 ha lúa đồng bằng 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng, nhằm bảo đảm an ninh lương thực và cải tạo môi sinh, môi trường. Cho đến nay, người dân 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng mỗi khi nhắc đến công trình Thủy lợi Nam Thạch Hản thì không quên công sức của các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 6 năm xưa.

Nhìn lại chặng đường 40 năm ngày nhập ngũ vào Trung đoàn 6 theo Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước, các cựu quân nhân tự hào: Năm ấy, những con em Quảng Bình “Hai giỏi” mới 18 đôi mươi, đang căng tròn nhựa sống, cháy bỏng lý tưởng thời đại Hồ Chí Minh và khí phách của dân tộc, đã phát huy truyền thống quê hương cách mạng để viết tiếp truyền thống của Trung đoàn 6 anh hùng.

Nhiều đồng chí đã tham gia chiến đấu và hy sinh anh dũng trên các mặt trận thuộc biên giới phía Bắc, Tây Nam và chiến trường C, K; nhiều đồng chí được quân đội lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng trưởng thành, là tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp, nhà khoa học, cũng như trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể từ cơ sở đến tỉnh, các bộ, ngành trung ương và họ đã có rất nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Điển hình như: Anh hùng LLVT Trịnh Tố Tâm, nguyên là Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; liệt sỹ, Trung tướng Trương Đình Thanh, Tư lệnh Quân khu 4; Trung tướng Nguyễn Hữu Cường, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, và rất nhiều đồng chí khác nữa.

Cũng có nhiều đồng chí sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, đã chuyển ngành hay phục viên, xuất ngũ trở về với cuộc sống đời thường; có không ít đồng chí là CCB điển hình tiêu biểu về làm kinh tế giỏi, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương.

Là những người đã từng trải qua những năm tháng rèn luyện trong quân ngũ, trong đó nhiều đồng chí đã từng được rèn luyện, thử thách trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chiến đấu bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế; để phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống quê hương Quảng Bình“Hai giỏi” và truyền thống Trung đoàn 6 anh hùng, hơn ai hết, mỗi cựu quân nhân cần xác định rõ ý thức chính trị của mình, để luôn luôn vững vàng, kiên định trong tình hình hiện nay.

Luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh góp phần làm thất bại âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình”; “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch, tích cực tham gia xây dựng bảo vệ Đảng, nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo vệ nhân dân. Phải luôn luôn tin tưởng sâu sắc vào chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước.

Đồng thời, luôn giữ gìn và phát huy truyền thống Quảng Bình“Hai giỏi” và truyền thống Trung đoàn 6 anh hùng, làm sao để những điều thiêng liêng, cao quý và tự hào đó như dòng sữa mẹ ngọt lành nuôi dưỡng, bồi đắp tinh thần, tâm hồn của mỗi cựu quân nhân và nhất là biết chuyển giao để nó trở thành lý tưởng sống, là nghị lực vươn lên của tuổi trẻ trong thời đại mới, góp phần xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp!

Nguyễn Bá Linh
Ban Liên lạc Cựu Quân nhân Trung đoàn 6 anh hùng tại tỉnh Quảng Bình


 

,