.
Vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận các cấp:

Bám sát tình hình thực tế và vấn đề cử tri bức xúc

.
08:20, Thứ Sáu, 25/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng quan trọng của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội. Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã triển khai các hình thức giám sát trên nhiều lĩnh vực, cách thức tổ chức sáng tạo và đưa ra những kiến nghị thiết thực. Qua đó, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.

Thời gian qua, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã chủ động, sáng tạo triển khai nhiệm vụ giám sát theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị trên cơ sở các hướng dẫn và định hướng công tác giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN; đồng thời, chủ động bám sát tình hình thực tế tại địa phương và những vấn đề bức xúc mà cử tri kiến nghị để xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm, ký các chương trình phối hợp giám sát giữa Mặt trận với các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan nhà nước có liên quan.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Hởi, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết: “Năm 2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã hoàn thành 4 cuộc giám sát đạt kết quả tốt.

Cụ thể: giám sát việc thực hiện các tiêu chí về môi trường của các nhà máy, cơ sở sản xuất, bệnh viện trên địa bàn tỉnh; giám sát việc giải quyết, trả lời của chính quyền và các ban, ngành cấp tỉnh đối với ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân về các lĩnh vực có liên quan; giám sát việc thực hiện quy định chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh; giám sát việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020.

Mặt trận các cấp huyện Tuyên Hóa trao quà hỗ trợ cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Mặt trận các cấp huyện Tuyên Hóa trao quà hỗ trợ cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Từ kết quả giám sát, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã có nhiều đề xuất, kiến nghị tại các kỳ họp HĐND tỉnh để HĐND tỉnh xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết. Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Quy chế Thi đua-Khen thưởng của tỉnh.

Sau hội nghị, đã có văn bản đề nghị cơ quan tham mưu dự thảo tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện. Đối với Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN cấp huyện, cấp xã, trong năm đã chủ trì tổ chức 638 cuộc giám sát (cấp huyện 34 cuộc, cấp xã 604 cuộc) và 193 cuộc phối hợp giám sát với chính quyền, các ban, ngành liên quan (cấp huyện 21 cuộc, cấp xã 172 cuộc).

Qua tìm hiểu từ cơ sở, chúng tôi được biết, nội dung giám sát của Mặt trận cấp huyện, cấp xã phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương. Sau giám sát, đã có các đề xuất, kiến nghị để cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành liên quan xem xét, giải quyết nhằm mang lại quyền, lợi ích chính đáng cho các tầng lớp nhân dân.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Minh Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh cho hay: “Năm 2018, Mặt trận huyện Quảng Ninh tổ chức 3 cuộc giám sát. Đó là giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp năm học 2016-2017, 2017-2018 tại Trường tiểu học Tân Ninh; việc quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” và Quỹ "Cứu trợ” tại Ủy ban MTTQVN xã Tân Ninh, xã Trường Xuân; tham gia cùng 2 ban của HĐND huyện giám sát 7 cuộc theo chuyên đề về công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tại các cơ quan, đơn vị, xã”.

Tại thị xã Ba Đồn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thị xã đã thực hiện 3 cuộc giám sát tại Phòng Lao động-Thương binh và xã hội, Hội Chữ thập đỏ và Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã. Nội dung giám sát tập trung vào việc huy động, quản lý, sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và Quỹ “Bảo trợ trẻ em”; việc huy động, quản lý, sử dụng Quỹ "Nhân đạo”; việc chấp hành pháp luật trong thẩm quyền đấu thầu, xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển quỹ đất trên địa bàn thị xã.

Trong năm 2018, Ủy ban MTTQVN thành phố Đồng Hới tiến hành giám sát, kiểm tra, khảo sát 5 nội dung. Theo đó, tập trung giám sát về hoạt động của một số trường, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho các hộ nghèo của các tổ chức thành viên từ Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ "Cứu trợ" giai đoạn 2016-2017; khảo sát về các tiêu chí để xây dựng khu dân cư mới kiểu mẫu, khu dân cư đô thị văn minh và cử cán bộ tham gia đoàn giám sát do HĐND thành phố tổ chức với nội dung giám sát tình hình thực hiện công tác giáo dục dạy nghề, đào tạo nghề trên địa bàn thành phố qua các năm 2015, 2016, 2017.

Đánh giá về hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận các cấp trong tỉnh, ông Nguyễn Lương Tâm, cán bộ hưu trí tại phường Bắc Lý, TP.Đồng Hới chia sẻ: “So với những năm trước đây thì hoạt động giám sát của các cấp Mặt trận đã từng bước đi vào chiều sâu, được tổ chức bài bản, hiệu quả hơn, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, tin tưởng”.

Thực tế cho thấy, sự quan tâm của cấp ủy đảng quyết định hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Để nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội, các cấp ủy đảng cần quan tâm bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội; định kỳ nghe và góp ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát, chỉ đạo UBND, các cơ quan chức năng giải quyết những kiến nghị của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội sau giám sát.

Hiền Chi
 

,