.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện hành vi tham nhũng

.
14:32, Thứ Ba, 22/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Qua công tác kiểm tra, giám sát về thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm (gọi tắt là công tác kiểm tra, giám sát), nhiều vụ án tham nhũng, sai phạm về kinh tế được phát hiện và đưa ra xử lý. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn một số mặt hạn chế.

Một cuộc kiểm tra, giám sát về thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm của Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan chức năng tại TX.Ba Đồn.
Một cuộc kiểm tra, giám sát về thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm của Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan chức năng tại TX.Ba Đồn.

Đồng chí Trần Hải Châu, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết, qua 5 năm thực hiện Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12-3-2012 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, công tác kiểm tra, giám sát luôn được tỉnh ta xác định là một trong những công tác trọng tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo xử lý, giải quyết các vụ án tham nhũng, án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm nhằm bảo đảm việc xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Hằng năm, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát gắn với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN); đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng; kịp thời chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để tiếp tục điều tra làm rõ.

Từ năm 2013 đến 2018, qua hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện, kiến nghị xử lý 4 vụ (3 vụ thanh tra kinh tế và 1 vụ giải quyết tố cáo) có dấu hiệu phạm tội liên quan đến tham nhũng, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra. Công an tỉnh đã phát hiện, điều tra xử lý 71 vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng; đã khởi tố điều tra 45 vụ/78 bị can; xử lý hành chính và xử lý khác 26 vụ.

Thông qua hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đã thụ lý kiểm sát điều tra 65 vụ/91 bị can (tham nhũng 16 vụ/28 bị can; kinh tế 49 vụ/63 bị can); đã giải quyết 63 vụ/89 bị can; còn 2 vụ/2 bị can đang trong giai đoạn điều tra. TAND 2 cấp đã giải quyết 71 vụ/145 bị cáo; còn lại 3 vụ/6 bị cáo (đang trong thời hạn giải quyết) về tham nhũng, tội phạm kinh tế.

Các vụ án cơ bản được xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật, hình phạt nghiêm minh, có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm. Từ năm 2013 đến nay, có 5 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật, do để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách (trong đó, cách chức 2, cảnh cáo 2, khiển trách 1).

Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy, tổng số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý còn ít, chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra chưa mang lại hiệu quả như mong muốn; việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa toàn diện, khách quan; còn nhiều vụ án kéo dài thời gian giải quyết, nhiều vụ án bị hủy, bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung do có những thiếu sót trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ. Việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp.

Người đứng đầu của một số cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; chưa quyết liệt trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Điều đó đã dẫn đến công tác đấu tranh PCTN có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Để hạn chế những tồn tại nói trên, theo đồng chí Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Hải Châu, người đứng đầu của một số cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định công tác kiểm tra, giám sát về thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, có ý nghĩa quyết định đến kết quả, hiệu quả của công tác PCTN.

Để làm được điều đó, một mặt, cấp ủy các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện hành vi tham nhũng, sai phạm, tội phạm kinh tế; kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh đúng pháp luật những vụ án, vụ việc tham nhũng, sai phạm, tội phạm kinh tế. Mặt khác, phải luôn theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Có như vậy, các vi phạm mới được xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh PCTN trong giai đoạn hiện nay.

Dương Công Hợp
 

,