.

Những dấu ấn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

.
08:13, Thứ Ba, 08/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV diễn ra (từ ngày 22-10 đến ngày 20-11-2018) vào thời điểm cuối năm 2018, cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế-xã hội.

Đất nước ta đã đi qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2016-2020. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội phát triển khá toàn diện, GDP tăng từng năm, an sinh xã hội và đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao.

Việc cơ cấu lại nền kinh tế cũng đã đạt mới được những kết quả khả quan. Đời sống xã hội tiếp tục có nhiều khởi sắc, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí... tiếp tục được quan tâm tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế -xã hội nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực chưa cao; nguy cơ tụt hậu nếu không kịp thời nắm bắt, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; tình trạng ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khó lường và có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống nhân dân; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; tội phạm, tệ nạn xã hội, tình hình tai nạn giao thông... còn diễn biến phức tạp.

Sau 22,5 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ và không ngừng đổi mới, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình làm việc với những kết quả chủ yếu sau:

1. Công tác nhân sự

Tại kỳ họp này, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đây là nội dung quan trọng, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đánh giá cao. Đồng thời, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Công tác nhân sự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

2. Xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước

Quốc hội đã xem xét, thảo luận các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và kết quả giữa kỳ thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016-2020 về kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đánh giá chung, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế-xã hội vẫn phát triển khá toàn diện, việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt, GDP tăng từng năm, an sinh xã hội và đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao.

2.1. Về đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020

Tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,68% kế hoạch 5 năm. Thu ngân sách nhà nước từng năm 2016, 2017 và 2018 đều đạt và vượt dự toán, phần tăng thu chủ yếu là ngân sách địa phương.

Chi ngân sách nhà nước 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,4% kế hoạch 5 năm; cơ cấu chi ngân sách khá tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, cao hơn mục tiêu đề ra (25-26%); tỷ lệ bội chi và nợ công/GDP bảo đảm đạt mục tiêu đề ra. Nợ công hàng năm, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia đều giữ ở thấp hơn giới hạn theo mục tiêu đề ra.

Trong điều hành ngân sách nhà nước, một số nhiệm vụ, giải pháp đề ra chưa được thực hiện triệt để, như: phương pháp quản lý chi ngân sách nhà nước vẫn chủ yếu chú trọng đến yếu tố “đầu vào”, chưa quyết tâm thực hiện quản lý theo kết quả “đầu ra” gắn với đánh giá thực hiện nhiệm vụ được giao; việc điều chỉnh các chính sách thu còn chậm và có khó khăn nhất định; việc đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn chưa được thực hiện quyết liệt, đồng bộ.

2.2. Về đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020

Quốc hội đánh giá việc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng và các dự án quan trọng quốc gia theo các Nghị quyết của Quốc hội đều được cân đối và bố trí vốn đầy đủ. Nhiều công trình hạ tầng mang tính kết nối vùng được đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng một số công trình lớn.

Hiệu quả đầu tư công đã được cải thiện một bước, góp phần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội, hệ số ICOR giảm từ 6,36 của giai đoạn 2011-2014 xuống còn 6,11 trong giai đoạn 2015-2017, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản, góp phần hạn chế đầu tư dàn trải.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: bố trí vốn không phù hợp với tiến độ thi công dự án, xây dựng kế hoạch đối với nguồn vốn ODA chưa bao quát được hết các hiệp định đã ký kết, chưa tổng hợp đầy đủ số dự án, chưa tính toán cân đối hợp lý giữa nhu cầu vay và khả năng trả nợ, một số dự án quan trọng quốc gia (dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành) tiến độ triển khai chậm, một số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn, một số dự án chất lượng chưa bảo đảm, cơ chế thu hút đầu tư PPP chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, tỷ lệ giải ngân trong năm 2016, 2017 thấp, đặc biệt là nguồn trái phiếu Chính phủ đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp (đạt 47,3% năm 2016 và 41,2% năm 2017) ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công.

2.3. Về đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020

Qua 3 năm thực hiện, Quốc hội đánh giá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được quy định trong Nghị quyết số 100/2015/QH13 đã được Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, nghiêm túc triển khai, đạt được những kết quả tích cực đối với cả 2 chương trình: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; khẳng định tính đúng đắn của các chương trình mục tiêu quốc gia trong việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các nhóm dân cư.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế: việc ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện quá chậm, dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở pháp lý và căn cứ để triển khai thực hiện, việc tích hợp, lồng ghép các chương trình còn hạn chế. Việc giao vốn còn chậm, vẫn còn tình trạng dàn trải, nợ đọng, môi trường ở nhiều vùng nông thôn còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều địa phương còn nợ tiêu chí nông thôn mới. Một số địa phương không đủ khả năng cân đối vốn đối ứng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, tỷ lệ hộ tái nghèo phát sinh còn cao (22,98% tổng số hộ thoát nghèo).

2.4. Về đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi 2016-2018

Quốc hội cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và một số địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi dân tộc thiểu số, miền núi. Hiện nay, hệ thống chính sách ngày càng đồng bộ, toàn diện, bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Nguồn lực đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng tăng và đã đạt được kết quả quan trọng.

Thực hiện quy định của Hiến pháp 2013 “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc”, thời gian tới, Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách dân tộc mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài để phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, theo đó, tích hợp các nội dung chính sách, thu gọn một đầu mối quản lý, quy định về cơ chế, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách.

Sau khi xem xét, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 nghị quyết:

- Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019

- Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019

- Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019

- Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016–2020

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương

 (Còn tiếp)
 

,