.
Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII:

Lãnh đạo các sở, ngành trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh

.
07:50, Thứ Sáu, 14/12/2018 (GMT+7)

* Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn: Trong những năm qua, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) được các ngành, đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, toàn diện với nhiều giải pháp tích cực, nên tình hình tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Song, tình hình trật tự ATGT (TTATGT) vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng còn xảy ra, kết quả kiềm chế và giảm tai nạn giao thông chưa bền vững, tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Đề nghị Sở Giao thông-Vận tài (GT-VT) cho biết, Sở có những biện pháp, giải pháp gì để phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông trong thời gian tới?

Giám đốc Sở GT-VT trả lời: Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân trong thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT, tai nạn giao thông của tỉnh ta đã liên tục giảm.

Từ ngày 16-12-2017 đến 15-11-2018, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh xảy ra 194 vụ (giảm 19 vụ, giảm 9% so với cùng kỳ), làm chết 89 người (giảm 7 người, giảm 7%), làm bị thương 143 người (giảm 30 người, giảm 17% ).

Đây cũng là năm thứ 9 liên tiếp tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương.Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn tiếp tục tiềm ẩn những diễn biến phức tạp khó lường, gây thiệt hại to lớn về nhân mạng và tài sản, mang đến sự mất mát, đớn đau không thể bù đắp cho các gia đình nạn nhân và toàn xã hội.

Để kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông, Sở GT-VT với chức năng là cơ quan Thường trực của Ban ATGT tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp tiếp tục tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT, đó là: tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hình thức, như: thi tìm hiểu pháp luật; xây dựng pa nô, áp phích.

Tăng cường lực lượng, phương tiện, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, chú trọng kiểm soát tải trọng phương tiện, xử lý vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, phần đường, luồng, tuyến... Thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý kịp thời các điểm đen, các vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT.

Quản lý chặt chẽ phương tiện, người điều khiển phương tiện; đăng kiểm và chú trọng công tác hậu kiểm; công tác đào tạo, sát hạch, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn bảo đảm minh bạch, hiệu quả; nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự ATGT.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự ATGT.

Trong thời gian tới, Sở GT-VT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo chuyên đề, có trọng tâm, trọng điểm, xử lý các điểm nóng mất ATGT, ATGT dịp Tết, mùa lễ hội, du lịch, đợt cao điểm, ATGT cho trẻ em, trường học, ATGT đường thủy nội địa, ATGT mùa thu hoạch nông sản, ATGT đường ngang đường sắt, mũ bảo hiểm, tải trọng phương tiện...; tập trung các tuyến trọng điểm, như: Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12, các khu vực trọng điểm, như: thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, huyện Lệ Thủy...

* Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn: Số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, rất nghiêm trọng xảy ra thì hệ lụy của nó để lại là rất lớn (trong năm 2018, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra 75 vụ, làm chết 72 người; tai nạn giao thông rất nghiêm trọng xảy ra 5 vụ, làm chết 6 người). Đề nghị Giám đốc Sở đánh giá như thế nào về ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân trên địa bàn tỉnh? Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các ngành chức năng và địa phương đã thực hiện liệu đã đủ mạnh hay chưa?

Giám đốc Sở GT-VT trả lời: Năm 2018, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh xảy ra 194 vụ, làm chết 89 người, làm bị thương 143 người. Để các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đi vào cuộc sống, thì yếu tố ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân là hết sức quan trọng.

Theo phân tích số liệu tai nạn giao thông, lỗi chủ quan do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông chiếm 70%, còn lại là các nguyên nhân khác. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm TTATGT và là giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính cơ bản, lâu dài, cần thực hiện thường xuyên, mạnh mẽ.

Thời gian qua, cấp ủy và chính quyền các cấp, cũng như các cơ quan thông tin truyền thông, các tổ chức chính trị xã hội đã thường xuyên quán triệt, kịp thời phổ biến đến tận tổ chức, doanh nghiệp và người dân các quy định của pháp luật về ATGT thông qua nhiều hình thức khác nhau, như: hội nghị, các loại hình văn hoá, văn nghệ, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, qua báo, đài, tạp chí, tập san, bản tin; pa nô, áp phích, xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật, chuyển tải văn bản lên trang thông tin điện tử…; các buổi sinh hoạt chuyên đề tuyên truyền ngay tại cơ sở, thôn, bản, tổ dân phố; thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ tiếp thu và tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về TTATGT, đưa nội dung ATGT vào tất cả các cuộc sinh hoạt chi bộ, đến từng đảng viên và rộng rãi trong nhân dân.

Trong năm 2018, các ngành, đơn vị, địa phương đã tổ chức 127 hội nghị tuyên truyền với 48.038 lượt người tham gia; xây dựng, phát sóng 217 chuyên mục, 26 phóng sự, 169 tin, bài về  TTATGT; phát 2.494 cuốn sách, 8.000 tờ rơi, 700 áp phích, 1.000 đĩa tuyên truyền. Đặc biệt, duy trì việc điểm tin tình hình TTATGT hàng ngày trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh, hàng số, hàng tháng trên Báo Quảng Bình.

Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh, Sở GT-VT phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu Chiến binh, Giáo hội Phật giáo tỉnh, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn, Thành đoàn Đồng Hới, Tòa án nhân dân tỉnh, Hội Chữ Thập đỏ tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT và TH tỉnh, Báo Quảng Bình đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động về bảo đảm TTATGT đối với cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, tăng ni phật tử và quần chúng nhân dân.

Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao và công tác bảo đảm TTATGT đã trở thành phong trào rộng khắp, thu hút được sự đồng tình ủng hộ và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân. Nhân dân ngày càng hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực bảo đảm TTATGT.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đã thu được nhiều kết quả tốt. Ý thức và trách nhiệm của đại đa số người dân khi tham gia giao thông đã có những chuyển biến rõ nét và từng bước xây dựng nếp sống văn hóa trong giao thông, tạo thói quen tuân thủ pháp luật của người dân khi tham gia giao thông.

Bùi Thành (lược ghi)

 

,