.
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI:

Quảng Bình bứt phá để phát triển bền vững

.
09:43, Thứ Ba, 06/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Bước vào nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (2015-2020), Quảng Bình vẫn đang là một trong số những tỉnh nghèo của cả nước. Trong bộn bề khó khăn do điều kiện khách quan, chủ quan mang lại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình đã đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt bậc để vượt qua và giành được nhiều kết quả quan trọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2018.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2018.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngoài việc khẳng định những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đại hội đã phân tích, làm rõ những nguyên nhân của các khuyết điểm, yếu kém trên các mặt, đặc biệt là 3 chỉ tiêu định hướng chưa đạt kế hoạch Đại hội lần thứ XV đề ra: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm, giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm và cơ cấu kinh tế.

Từ việc phân tích sâu sắc nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Đại hội đã nhất trí đưa ra phương hướng, mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ 2015-2020 là: Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh, quyết tâm phấn đấu đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

Trên cơ sở phương hướng, mục tiêu tổng quát đó, Đại hội đã đưa ra những chỉ tiêu cụ thể trên các mặt, lĩnh vực với một tâm thế và quyết tâm mới. Để phát triển đi lên, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI đã xác định và xây dựng 3 Chương trình hành động trọng tâm: về đổi mới công tác cán bộ, giai đoạn 2015-2020; về phát triển du lịch, giai đoạn 2016-2020;về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm, giai đoạn 2016 - 2020.

Niềm tin được tạo dựng và giữ vững, ý chí có thừa, nhưng khó khăn, thử thách lại tiếp tục đè nặng lên mảnh đất vốn đang nghèo khó. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ, chính quyền các cấp phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có rất nhiều khó khăn, thử thách gay gắt hơn so với dự báo của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Đó là: sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra năm 2016, các đợt mưa lũ lớn liên tiếp xẩy ra trong tháng 10-2016 và trận siêu bão lịch sử năm 2017,... đã gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Bên cạnh đó, tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội, nhất là ở vùng bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, vùng đồng bào có đạo, vùng triển khai các dự án lớn…diễn ra phức tạp do các thế lực phản động, chống đối chính trị kích động, xúi giục nhân dân gây rối an ninh trật tự. Tất cả đã ảnh hưởng nặng nề, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Không lùi bước trước khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình lại tiếp tục đoàn kết, đồng cam cộng khổ, cùng vượt qua khó khăn, thử thách để xây dựng quê hương.

Tinh thần của một Quảng Bình “hai giỏi” lại được kích hoạt đúng vào thời điểm tưởng chừng gục ngã trước gian khó ! Bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng của các cấp ủy đảng, sự điều hành linh hoạt của các cấp chính quyền, sự chung tay của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể và nỗ lực vượt bậc của các tầng lớp nhân dân cùng với sự quan tâm, giúp đỡ to lớn của Trung ương, Quảng Bình đã vượt lên khó khăn, giành được nhiều kết quả quan trọng trong nửa đầu nhiệm kỳ 2015-2020.

Về kinh tế, có sự tăng trưởng ổn định (tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 3 năm 2016 - 2018 đạt 6,5%), thu ngân sách đạt kết quả tích cực (tổng thu ngân sách năm 2018 ước thực hiện 4.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 3.850 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 150 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2015), thu nhập bình quân đầu người được cải thiện đáng kể (giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân đầu người đạt 37,4 triệu đồng).

Tỉnh ta đã triển khai thực hiện tái cơ cấu các ngành kinh tế đạt kết quả bước đầu theo hướng chất lượng, hiệu quả và cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung ngân sách nhà nước đầu tư các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, tạo động lực để phát triển; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài ngân sách (tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2018 đạt trên 18.000 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2015). Môi trường đầu tư từng bước được cải thiện và tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư.

Đặc biệt, trong năm 2018, tỉnh ta đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô lớn nhất từ trước đến nay; trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 66 dự án, với tổng vốn đầu tư 168.869 tỷ đồng, tương đương 7,34 tỷ USD.

Từ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và thực tiễn vận hành của đời sống xã hội, tỉnh xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được cụ thể hóa vào Chương trình hành động về phát triển du lịch, giai đoạn 2016-2020. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện, các chỉ tiêu, mục tiêu Chương trình đặt ra đều đạt và vượt kế hoạch; du lịch Quảng Bình đã từng bước có sự phục hồi mạnh mẽ về số lượng và chất lượng sau sự cố môi trường biển (năm 2018, tổng số lượt khách du lịch đến tỉnh dự kiến đạt 4 triệu lượt, tăng 28% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 140 ngàn lượt, tăng 280% so với năm 2015). Có thể ví, du lịch của Quảng Bình như nàng công chúa ngủ quên trong rừng đã bắt đầu được đánh thức.

Những kết quả đạt được về phát triển kinh tế thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân toàn tỉnh trong điều kiện hết sức khó khăn của nửa đầu nhiệm kỳ.

Song hành với kinh tế, tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển văn hoá, xã hội. Văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế và an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy và học từng bước được chuẩn hóa, hiện đại (tổng số trường mầm non, trung học phổ thông được công nhận đạt chuẩn Quốc gia lên 351/590 trường, đạt tỷ lệ 59,5%).

Hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, chất lượng nâng lên (hệ thống cơ sở y tế từng bước được nâng cấp và đầu tư trang thiết bị, ứng dụng kỹ thuật mới trong khám, chữa bệnh;100% trạm y tế xã có bác sỹ).

Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa đã có những chuyển biến tích cực, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo, giải quyết việc làm hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra (tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,24%/năm, xuất khẩu lao động bình quân hàng năm gần 2.900 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề mỗi năm tăng từ 2,5 - 3%)…

Cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và toàn dân trong tỉnh không quên thực hiện nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng-an ninh và đối ngoại, đẩy mạnh xây dựng chính quyền. Tỉnh đã kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội được tăng cường.

Trong những thời điểm căng thẳng và phức tạp nhưng chúng ta đã kiểm soát chặt chẽ tình hình, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Công tác quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp có nhiều tiến bộ và đạt nhiều kết quả tích cực. Bộ máy Ủy ban nhân dân từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường.

Một nhiệm vụ hết sức quan trọng, có tính chất then chốt, luôn được quan tâm hàng đầu là công tác xây dựng Đảng. Nửa đầu nhiệm kỳ 2015-2020, công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tiến bộ trên các mặt. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên được chú trọng; công tác cán bộ có nhiều đổi mới.

Xác định cán bộ và công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu“then chốt” của nhiệm vụ “then chốt” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về đổi mới công tác cán bộ, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện, công tác cán bộ đã đạt được những kết quả quan trọng (đã bổ nhiệm đối với 132 lượt cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; luân chuyển, điều động tăng cường 11 cán bộ từ tỉnh về làm cán bộ chủ chốt cấp huyện, thị xã, thành phố, 35 cán bộ cấp huyện, thị xã, thành phố về giữ các chức vụ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn); chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được nâng lên (từ đầu năm 2016 đến tháng 6-2018, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 1.427 tổ chức đảng, 3.607 đảng viên, phát hiện 10 tổ chức đảng và 47 đảng viên vi phạm; giám sát 839 tổ chức đảng, 3.011 đảng viên, phát hiện 214 đảng viên vi phạm, đã thi hành kỷ luật 814 đảng viên, trong đó cấp ủy viên các cấp 165 đồng chí).

Cùng với công tác cán bộ, công tác nội chính được tăng cường, công tác dân vận của hệ thống chính trị được đẩy mạnh, mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân ngày càng được thắt chặt; phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của cấp ủy đảng các cấp tiếp tục được đổi mới.

Điểm đặc biệt nhất trong công tác cán bộ là ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 01-QĐ/TU về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.Qua thực hiện Quy định, đã từng bước khắc phục được những khuyết điểm, hạn chế, nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu.

Từ trong khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã đoàn kết một lòng, nỗ lực vươn lên giành được những kết quả quan trọng, nhưng phía trước còn rất nhiều thử thách trong khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ không nhiều. Phải thẳng thắn để nhìn nhận những mặt tích cực, những mặt còn yếu kém, hạn chế, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.

Những hạn chế đó là: Công tác dự báo tình hình chưa sát, nên việc xây dựng, đề ra một số chỉ tiêu định hướng chưa phù hợp, vì thế đến nay có một số chỉ tiêu đạt thấp, trong đó có 05 chỉ tiêu định hướng là: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân hàng năm, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất dịch vụ, GRDP bình quân đầu người và thu ngân sách trên địa bàn dự báo đến năm 2020 có thể đạt thấp hơn so với kế hoạch đề ra.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn còn chậm, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Nguồn lực huy động chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng ở một số khu vực còn thiếu đồng bộ. Đời sống nhân dân một số vùng còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở một số vùng còn cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Một số hạn chế trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, xã hội chậm khắc phục. Quản lý tài nguyên, môi trường có mặt còn bất cập.

Một số mặt của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, cải cách hành chính, cải cách tư pháp còn hạn chế. Kỷ cương pháp luật chưa nghiêm; tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Những khuyết điểm, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan là sự tác động của thiên tai, bão lũ, đặc biệt là sự cố môi trường biển năm 2016 gây thiệt hại nặng nề; xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh còn hạn chế; chưa hình thành được vùng kinh tế động lực, chưa có nhiều dự án sản xuất, kinh doanh quy mô lớn...

Về chủ quan là do năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, khả năng cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nghị quyết của một số cấp ủy, ngành, địa phương còn thiếu nhạy bén, quyết tâm chưa cao. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 03 chương trình trọng điểm có nội dung chưa quyết liệt, triển khai thực hiện còn chậm...

Chúng ta tự hào khi nhìn lại những thành quả đã đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhưng cũng hết sức lo lắng bởi nhiều thách thức đang chờ đợi trong nửa thời gian còn lại. Làm gì để đạt được những chỉ tiêu đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ? Làm gì để tỉnh nhà phát triển bền vững? Làm gì để nâng cao đời sống nhân dân? Làm gì để xây dựng Đảng bộ, chính quyền vững mạnh ?...Những câu hỏi đó đang chờ đợi câu trả lời của mỗi một cán bộ, đảng viên trong tỉnh.

Để làm được những điều đó, trước hết phải củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Sự đoàn kết, thống nhất cao trong cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, các cấp, các ngành và nhân dân chính là nhân tố quyết định để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Thứ hai, đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phải căn cứ vào thực tiễn để vận dụng, cụ thể hóa một cách sát hợp, sáng tạo gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời bổ sung, uốn nắn những thiếu sót, hạn chế; lãnh đạo, chỉ đạo phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, có các giải pháp mang tính đột phá, chú trọng công tác tổng kết thực tiễn, kịp thời phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến; xử lý kiên quyết, kịp thời những vấn đề nổi lên, những vấn đề bức xúc trong nhân dân.

Thứ ba, phải tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả hệ thống chính trị.

Phấn đấu đạt mục tiêu đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững là một nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định.

Căn cứ vào những kết quả đã đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ, tình hình hiện tại và những dự báo trong các năm tới, cần tập trung rà soát, lựa chọn những vấn đề trọng điểm, những khâu còn vướng mắc, yếu kém để lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ; giải quyết một cách tập trung, quyết liệt các chỉ tiêu đạt thấp hoặc có khả năng khó đạt; thúc đẩy nhanh các chỉ tiêu gần đạt và đã đạt để tiếp tục thu được kết quả cao hơn.

Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện là:

Trước hết là phát triển kinh tế, với việc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp hợp lý, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến, vận động, thu hút đầu tư, hướng tới các nhà đầu tư có thương hiệu, uy tín, năng lực...

Trong phát triển kinh tế, tập trung phát triển công nghiệp chế biến gắn với các lợi thế về nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản (tập trung rà soát lại các khu công nghiệp, khu kinh tế để tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án công nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường nhằm thúc đẩy tăng thu cho ngân sách); tiếp tục chú trọng phát triển du lịch, được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Du lịch Quảng Bình như nàng công chúa ngủ quên trong rừng đã bắt đầu thức dậy nhưng vẫn còn ngái ngủ, cần sự xuất hiện của những hoàng tử là các nhà đầu tư mạnh mẽ và hào hiệp để bừng tỉnh, nở nụ cười xinh đẹp. Từ tiềm năng, thế mạnh của mình, Quảng Bình phải tạo nên “luồng gió Đại Phong mới” cho du lịch cả nước, xứng đáng là “viên kim cương xanh” như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi về thăm và làm việc tại Quảng Bình.

Cùng với phát triển kinh tế là phát triển văn hóa - xã hội với trọng tâm là củng cố và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề; xây dựng, nâng cao chất lượng mạng lưới y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; tiếp tục triển khai tốt Chương trình giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm, giai đoạn 2016 - 2020.

Đồng thời với phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, phải tăng cường quốc phòng - an ninh, đối ngoại; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Đăng Quang kiểm tra tiến độ đầu tư xây dựng Dự án Quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Đăng Quang kiểm tra tiến độ đầu tư xây dựng Dự án Quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình.

Và, quan trọng nhất, để thực hiện tốt những nhiệm vụ trên, đòi hỏi phải tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, trong đó trọng tâm là: Chăm lo công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng; kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác nội chính,  đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của cấp ủy Đảng...

Thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2015-2020 không còn nhiều và chúng ta vẫn đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Bình. Mục tiêu phía trước là hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra và lâu dài hơn là đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

Nhiệm vụ đặt ra nhiều nhưng có thể gói gọn trong ba nội dung chính, đó là xây dựng được cơ chế sát đúng, phù hợp; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Phát triển bền vững mang tính tất yếu và là mục tiêu cao đẹp nhất của quá trình phát triển.

Có lẽ, trong tâm thức của mỗi người dân Quảng Bình đều mang nặng tình yêu quê hương và luôn hướng tới sự chung tay, góp sức để xây dựng mảnh đất này ngày càng giàu mạnh. Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo chính là cẩm nang cho sự thành công. Quảng Bình đang như viên ngọc thô cần sự dùi mài, gọt giũa để sáng lên chân giá trị của mình bằng chính bàn tay, khối óc của những người thợ kim hoàn là tập thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đang sống trên mảnh đất này.

Bằng tinh thần của một Quảng Bình “hai giỏi”, bằng khí thế của một “làn gió Đại Phong mới”, từ trong khó khăn vươn lên, chúng ta có quyền và đủ cơ sở để tin rằng Quảng Bình sẽ phát triển, quê hương yêu dấu như viên ngọc quí sẽ ngời sáng trong một ngày không xa!

Hoàng Đăng Quang
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
 

,