.

Luật Chứng khoán: Doanh nghiệp thích ứng hơn với thông lệ quốc tế

.
07:54, Thứ Năm, 08/11/2018 (GMT+7)

Sau hơn một thập kỷ, Luật Chứng khoán ra đời năm 2006 và sửa đổi năm 2011 đã phát huy tính hiệu quả và góp phần xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới Luật cần thiết phải sửa đổi những khung khổ pháp lý cho phù hợp đồng thời tạo ra động lực thúc đẩy thị trường thực sự trở thành kênh đầu tư, huy động vốn dài hạn của nền kinh tế.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Luật Chứng khoán sửa đổi dựa trên quan điểm quán triển chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tiếp cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế đồng thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế  của Việt Nam.

Tiếp cận với thông lệ quốc tế

Trước khi trình lên Quốc hội vào kỳ họp thứ nhất của năm 2019, Luật Chứng khoán sửa đổi đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên thị trường. Nhìn chung, Dự thảo Luật được đánh giá cao với những nghiên cứu kỹ lưỡng và nhiều điểm mới tích cực, nâng cao tính minh bạch của thị trường. Bên cạnh đó, những quy định tại Dự thảo có sự đồng bộ hơn với Luật doanh nghiệp, Bộ luật dân sự, Luật đầu tư…

Cụ thể, quy định mới đã tăng một số thẩm quyền cho Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tách Giấy phép hoạt động với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty chứng khoán, tạo điều kiện cho Ủy ban thực thi các chế tài, như đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng Giấy phép, thu hồi Giấy phép... Nhờ đó, tránh được tình trạng xử lý các thành viên thị trường vi phạm không dứt điểm như trước đây, do bị vướng các quy định liên quan đến thủ tục giải thể, phá sản doanh nghiệp, giúp thanh lọc các thành viên tham gia thị trường.

Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam -VASB, Dự thảo lần này đã tiếp cận gần hơn với các thông lệ quốc tế, như IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) gắn niên yết, tỷ lệ free float (tỷ lệ cổ phiếu được chuyển nhượng tự do) trong chào bán công khai, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong phát hành riêng lẻ...

“Đây là những quy định hết sức quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam quen thuộc hơn với các nhà đầu tư nước ngoài đồng thời tạo tiền đề phát triển các sản phẩm mới phù hợp với thị trường thế giới,” ông Kỳ nói.

Luật cần theo sát thị trường

Ngoài ra, các thành viên của Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam cũng có một số ý kiến đề xuất cho Luật sửa đổi. Để giải quyết các bất cập gắn IPO với niêm yết như mục tiêu đặt ra, Luật cần đồng nhất hóa khái niệm chào bán chứng khoán với niêm yết hoặc giao dịch UpCoM chứ không chỉ là quy định bắt buộc phải thực hiện sau đó.

Về quy định, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định trong trường hợp nắm giữ trên 51% vốn điều lệ trở lên. Song trong thực tế, tỷ lệ cổ phiếu khối ngoại nắm giữ thay đổi rất nhanh trong quá trình giao dịch (thậm chí ngay trong một phiên), do đó các nhà đầu tư cho rằng Luật cần thay đổi theo hướng “tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 51% trở lên ổn định trong 6 tháng hoặc 1 năm thì mới phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định.”

Các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường với những quyền lợi sát sườn đã tham gia nhiều ý kiến đóng góp đa dạng. Đại diện Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Công Thương Việt Nam chỉ ra, Luật mới quy định “mức vốn điều lệ tối thiểu bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên vốn điều lệ của tổ chức phát hành.” Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiêp trong việc chào bán cổ phiếu. Như, các doanh nghiệp chào bán chứng khoán qua phương thức đấu giá sẽ có sự cạnh tranh gay gắt và số lượng nhà đầu tư mua, sở hữu cổ phiếu nhỏ hơn 1% vốn điều lệ sẽ không đáp ứng được yêu cầu như trên.

Hay, đại diện đến Tổng công ty Hàng không Việt Nam có than phiền về trường hợp “công ty mua lại cổ phiếu của cán bộ công nhân viên phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông thông qua,” song ở một Tổng công ty lớn không dễ xác định được danh sách các cán bộ bán lại cổ phiếu ưu đãi vì việc này phát sinh khi cổ đông có yêu cầu.

Với quan điểm của một công ty đại chúng trên Sở giao dịch chứng khoán Thành thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex đưa ra kiến nghị, Luật sửa đổi lần này cần quy định cụ thể hơn về đối tượng nợ quá hạn, mức độ nợ quá hạn đối với trường hợp Công ty đại chúng không được mua lại cổ phiếu của chính mình.

Ngoài ra, đại diện của Petrolimex cần phải giảm thiểu các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, vì vậy Luật nên xem xét lại quy định cho phù hợp, có tính khả thi cao (tránh tăng thủ tục hành chính như thay đổi đăng ký kinh doanh do vốn điều lệ thay đổi khi mua cổ phiếu quỹ hoặc tái phát hành cổ phiếu quỹ).

Thêm vào đó, vị này cũng đề xuất tới Bộ Tài chính nên đưa ra các quy định cụ thể về nội dung, thời hạn công bố thông tin đối với từng loại hình công ty đại chúng (xem xét đến các yếu tố về quy mô vốn/tài sản/doanh thu, mô hình tổ chức hoạt động, tính chất phức tạp theo cấp độ của đối tượng lập báo cáo).

Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

,