.

Người cao tuổi Lệ Thủy: Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

.
22:49, Thứ Năm, 25/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, ngành nghề nông thôn trên địa bàn huyện Lệ Thủy không ngừng phát triển, giải quyết nhiều việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, phải kể đến vai trò của người cao tuổi (NCT) ở địa phương.

Lệ Thủy hiện có 5 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận, gồm: Làng nghề chiếu cói An Xá, làng nghề rượu Tuy Lộc xã Lộc Thủy), làng nghề nón lá Quy Hậu (xã Liên Thủy), làng nghề chổi đót Lệ Bình (xã Mai Thủy) và làng nghề mộc mỹ nghệ, đan lát Xuân Bồ (xã Xuân Thủy).

Doanh thu bình quân một làng nghề đạt trên 5 tỷ đồng/ năm, thu hút trên 1.842 người tham gia với mức thu nhập từ 2 đến 4 triệu đồng/người/tháng; trong đó, lực lượng lao động là NCT nhưng còn sức khỏe chiếm tỷ lệ khá cao.

Người cao tuổi là lực lượng lao động chính của các làng nghề truyền thống ở Lệ Thủy.
Người cao tuổi là lực lượng lao động chính của các làng nghề truyền thống ở Lệ Thủy.

Làng An Xá (xã Lộc Thủy) không chỉ được nhiều người biết đến là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà còn nổi tiếng với nghề dệt chiếu cói truyền thống. Làng có khoảng 418 hộ với gần 2.000 nhân khẩu, trong đó, hơn 80 hộ (do NCT làm chủ hộ) tham gia nghề sản xuất chiếu cói. Trung bình mỗi năm, làng nghề dệt và bán ra thị trường hơn 12.000 đôi chiếu các loại, mang về doanh thu trên 5 tỷ đồng.

Nằm bên hữu ngạn dòng sông Kiến Giang, làng Quy Hậu (xã Liên Thủy) được người dân và du khách biết đến với sản phẩm nón lá nổi tiếng hàng trăm năm nay. Làng được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2008. Hiện làng có trên 600 hộ gia đình tham gia làm nón, doanh thu hàng năm đạt 18 tỷ đồng, mang lại thu nhập bình quân 12 triệu đồng/lao động/ năm.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch Hội NCT xã Liên Thủy cho biết, nghề làm nón không tốn sức, chỉ cần sự khéo tay và kiên trì nên người tham gia chủ yếu là các vị cao niên trong làng. Tùy vào từng loại nón dừa hay nón lá, điều kiện sức khỏe, tuổi tác…, thời gian để làm ra một chiếc nón sẽ khác nhau và mức giá cũng khác nhau.

Bình thường mỗi cụ ông, cụ bà nơi đây làm được từ 1-2 chiếc nón/ngày, trừ chi phí lãi được 30-70 nghìn đồng. Nhờ không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường, nên sản phẩm nón Quy Hậu không chỉ tiêu thụ mạnh trên địa bàn mà còn được đồng bào các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ ưa chuộng và trở thành thị trường chủ yếu.

Đây là cơ sở để người dân nơi đây yên tâm tham gia nghề làm nón, khôi phục và phát huy nghề truyền thống của quê hương, cơ bản giải quyết việc làm cho người dân nói chung và NCT nói riêng, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình và xã hội.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh chia sẻ: “Mặc dù hiện nay, làng nghề truyền thống đa phần đứng trước nguy cơ bị mai một, nhưng nghề làm nón lá Quy Hậu vẫn tồn tại với thời gian, bởi người cao tuổi nơi đây ai cũng có ý thức gắn bó, bảo tồn nghề truyền thống”…

Theo ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Lệ Thủy, để duy trì, phát triển làng nghề, bên cạnh các chính sách ưu đãi của tỉnh và huyện, cần phải có nguồn nhân lực dồi dào.

Thực tế hiện nay ở Lệ Thủy, những lao động nông thôn trẻ, khỏe chủ yếu chọn nghề có thu nhập từ 200-300 ngàn đồng/ngày công, như: mộc, nề, hàn… hoặc vào các tỉnh phía Nam. Đối với các ngành nghề truyền thống, lực lượng lao động đa phần là phụ nữ hoặc NCT đang còn có sức khỏe. Vì vậy, các phong trào, như:  “Tuổi cao-Gương sáng”, “Tuổi cao, chí càng cao” của Hội NCT cần được phát huy để góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống…

Trọng Hiểu
 

,