.

Cùng chung tay nỗ lực thực hiện hoàn thành vượt mức các mục tiêu về phát triển du lịch (*)

.
10:48, Thứ Năm, 13/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Phát biểu kết luận của đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU, ngày 13-7-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch, giai đoạn 2016-2020.

abg
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh uỷ kết luận tại hội nghị.

Thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,
Thưa các đồng chí đại biểu,

Sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 13-7-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Chương trình hành động số 13-CTr/TU bổ sung, sửa đổi) về phát triển du lịch, giai đoạn 2016 - 2020 đã hoàn thành chương trình đề ra.

Các đồng chí đại biểu dự Hội nghị đã thể hiện sự đồng tình cao với Báo cáo sơ kết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời, tham gia nhiều ý kiến sâu sắc, bổ sung thêm nhiệm vụ, giải pháp, một số kinh nghiệm rút ra qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động về phát triển du lịch.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi xin tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các đồng chí để lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu, bổ sung trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong thời gian tới.

Trước khi kết thúc Hội nghị, tôi xin kết luận lại một số vấn đề sau:
Thưa các đồng chí,

Chúng ta triển khai thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong bối cảnh tình hình của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề do sự cố môi trường biển và hậu quả của thiên tai, bão lũ đã tác động rất lớn đối với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đề ra.

>> Thực hiện Chương trình hành động số 06 về phát triển du lịch: Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra

Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, du lịch Quảng Bình đã từng bước có sự phục hồi và đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật là:

(1). Nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với phát triển du lịch được nâng cao; sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động, hầu hết cấp ủy, chính quyền các cấp đã bám sát Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện ở địa phương, đơn vị mình bảo đảm có chất lượng, hiệu quả.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẩn trương thông qua Đề án thành lập Sở Du lịch, đây là cơ quan tham mưu chuyên môn, trực tiếp về lĩnh vực du lịch của tỉnh; đã tích cực chỉ đạo việc rà soát, bổ sung, cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bảo đảm phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của tỉnh.

(2). Công tác quy hoạch, kế hoạch được chú trọng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn quốc tế McKinsey thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó coi trọng về nội dung quy hoạch du lịch, đây là cơ sở quan trọng cho việc kêu gọi các nguồn lực, thực hiện phát triển du lịch nhanh và bền vững.

(3). Công tác cải cách hành chính và hỗ trợ, xúc tiến đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng du lịch ngày càng được đầu tư nâng cấp và từng bước hoàn thiện; số lượng cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng cao cấp ngày càng tăng; các loại hình du lịch được đa dạng hóa, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của du khách.

Quảng Bình từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư với nhiều dự án quan trọng đang được triển khai thực hiện, tạo động lực cho sự tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững, như: Khu nghỉ dưỡng thể thao, giải trí cao cấp Hải Ninh của Tập đoàn FLC, Sân golf Bảo Ninh và Khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Bang của Tập đoàn Trường Thịnh, Tổ hợp khách sạn cao cấp và Shophouse của Tập đoàn Vincom, Khách sạn 5 sao Pullman,... (Điều đáng phấn khởi là, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư khoảng 54 dự án của các nhà đầu tư về lĩnh vực dịch vụ - du lịch với tổng mức đầu tư khoảng 20.678 tỷ đồng. Trong tổng số vốn đầu tư hơn 7,3 tỷ USD được cam kết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Bình năm 2018, du lịch - dịch vụ là một trong bốn lĩnh vực chiếm tỷ lệ lớn).

(4). Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ngày càng có quy mô, được đầu tư về nội dung, đi vào chiều sâu, chuyên biệt hóa cho từng phân khúc thị trường và mang lại hiệu quả cao. Các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước được thực hiện có hiệu quả.

(5). Việc phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch mới và nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch được quan tâm, đã góp phần quan trọng vào việc thu hút du khách, tạo được nhiều ấn tượng của du khách khi đến với Quảng Bình. Thu nhập của người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp phụ trợ tăng trưởng đáng kể.

(6). Công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính được triển khai hiệu quả, kịp thời; tình hình an ninh du lịch cơ bản được đảm bảo; thực hiện tốt việc bảo đảm môi trường bình đẳng, văn minh trong hoạt động du lịch, tạo môi trường kinh doanh, phát triển du lịch ổn định, bền vững.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, qua hơn 2 năm thực hiện Chương trình hành động, các chỉ tiêu, mục tiêu Chương trình đặt ra đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng số lượt khách năm 2017 đạt 3,3 triệu lượt, tăng 65,83% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 130.000 lượt, tăng 160% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch đạt 3.706,3 tỷ đồng, tăng 64,7% so với cùng kỳ.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh ta đạt 2.740.000 lượt, tăng 18,5% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 115.000 lượt, tăng 26,6% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 3.400 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

Du lịch Quảng Bình đã có sự phục hồi trở lại sau sự cố môi trường biển và ngày càng có nhiều khởi sắc thực sự đáng phấn khởi. (Những chỉ tiêu này cũng vượt xa các chỉ tiêu dự báo tại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025 là số lượng khách du lịch tăng trưởng từ 11-12%/năm, đến năm 2020 đón được hơn 2,2 triệu lượt khách).

Từ những kết quả đạt được nêu trên, chúng ta có thể khẳng định việc ban hành Chương trình hành động về phát triển du lịch, giai đoạn 2016 - 2020 là hết sức đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao. Qua hơn hai năm triển khai thực hiện, Chương trình hành động đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo tiền đề cơ bản và động lực mới để hoàn thành mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả đạt được qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thời gian qua.

Thưa toàn thể Hội nghị,

Bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: Việc thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thời gian qua vẫn còn một số khuyết điểm, hạn chế, đó là:

(1). Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ở một số cấp ủy, chính quyền còn chậm, thiếu quyết liệt, quyết tâm chưa cao, chưa có kế hoạch, giải pháp cụ thể. Nhận thức của cộng đồng và một số cấp quản lý nhà nước về phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch bền vững còn có những hạn chế.

Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương ở một số hoạt động chưa đạt hiệu quả cao. Công tác quản lý nhà nước về du lịch ở một số địa phương còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm.

(2). Nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch của tỉnh chưa khai thác và phát huy có hiệu quả. Sản phẩm du lịch còn ít, đơn điệu so với tiềm năng, thế mạnh; các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, làng nghề để phục vụ khách du lịch rất hạn chế; nhiều sản phẩm du lịch chưa hoàn thiện.

(3). Cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch tuy đã được chú trọng đầu tư nhưng chưa đồng bộ; thiếu các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, khu nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng cao phục vụ du khách; phương tiện giao thông phục vụ khách du lịch còn yếu, còn thiếu các phương tiện hiện đại để vận chuyển khách thực hiện các tua, tuyến; trạm dừng chân trên các tuyến đường, bãi đỗ xe du lịch và các dịch vụ hỗ trợ phục vụ du khách còn thiếu,... Việc khai thác hai đường bay mới: Đồng Hới - Cát Bi và Đồng Hới - Chiang Mai còn nhiều khó khăn, chưa phát huy được hiệu quả.

(4). Nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu, chất lượng nhân lực còn thấp; thiếu hẳn đội ngũ có chuyên môn, tay nghề cao. Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên ngành du lịch còn thấp và cơ cấu bất hợp lý. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa bài bản.

(5). Ngân sách cho phát triển du lịch còn hạn chế, đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, trọng tâm, trọng điểm; chưa thực hiện được các chương trình tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường quốc tế và xây dựng các quy hoạch, chiến lược marketing với sự tư vấn của các chuyên gia nước ngoài. Việc áp dụng các cơ chế, chính sách để khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh về du lịch còn yếu, nhất là cơ chế, chính sách của tỉnh để kích thích các nguồn lực đầu tư cho du lịch.

Những khuyết điểm, hạn chế nêu trên thực sự là những lực cản trong quá trình phát triển của tỉnh, nếu chúng ta không có sự nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu quyết liệt thì đây sẽ là yếu tố kìm hãm sự phát triển ngành du lịch và sự đi lên của tỉnh.

Thưa các đồng chí,

Như đã đặt vấn đề ở trên, "du lịch là ngành công nghiệp không khói", là ngành kinh tế hết sức quan trọng. Tỉnh chúng ta có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, trong đó Phong Nha - Kẻ Bàng được mệnh danh là "Vương quốc hang động", được vinh danh trên toàn cầu; nhiều danh lam thắng cảnh: Nhật Lệ, Đá Nhảy, Vũng Chùa - Đảo Yến, Suối nước khoáng Bang, di tích Bàu Tró,... đang tạo thành sức lan tỏa, đưa Quảng Bình trở thành địa danh nằm trong khối óc và trái tim của những người quan tâm Châu Á và du lịch Châu Á, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh tháng 8-2018.

Thủ tướng đã khẳng định Quảng Bình là mảnh đất có nhiều tiên cảnh, thực sự là “viên kim cương xanh” của châu Á, là nơi "không còn sót lại nhiều trên trái đất" với những giá trị huyền bí cần được khám phá và yêu cầu: Quảng Bình phải góp phần tạo làn gió “Đại Phong” mới cho du lịch Việt Nam, “góp gió thành bão” với các địa phương để góp phần quan trọng vào sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành thương hiệu du lịch có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Đây cũng là sự khẳng định, niềm tin và trọng trách lớn mà Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Quảng Bình.

Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình hành động số 06-CTr/TU, ngày 13-7-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch, giai đoạn 2016 - 2020 (Chương trình hành động số 13-CTr/TU bổ sung, sửa đổi), báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã đề cập khá đầy đủ, dưới đây tôi xin lưu ý tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền phải nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển du lịch, phát triển du lịch bền vững đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị - xã hội. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương, cơ sở.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017, của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch, giai đoạn 2016 - 2020; triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về phát triển du lịch, nhằm nâng cao và tạo sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, ngành, nghề du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đối với các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch.

Nhân đây, chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là: Đối với Quảng Bình, chiến lược trung tâm phải là "Dịch vụ hóa nền kinh tế, phát huy tối đa mũi nhọn du lịch, song song với việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa và tự nhiên, tạo sự kết nối lan tỏa đến nhiều vùng miền khác của cả nước".

Thứ hai, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tham mưu, đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây là căn cứ quan trọng, làm cơ sở, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch; hoàn thiện các quy hoạch xây dựng cũng như các quy hoạch phát triển du lịch, các khu, tuyến, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư theo quy định Chính phủ, Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn lực của Trung ương, nguồn vốn từ các dự án của các tổ chức quốc tế, ngân sách địa phương và đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông, điện lực, ngân hàng tại các trung tâm du lịch của tỉnh, các khu, điểm du lịch.

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm về du lịch đang triển khai để hoàn thành sớm, những dự án có khả năng tạo sự phát triển bứt phá cho diện mạo du lịch của tỉnh, như: Dự án Quần thể Resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình, Khách sạn 5 sao của Tập đoàn Pullman, sân golf Bảo Ninh - Trường Thịnh, sân golf Bảo Ninh - Hải Ninh, Khu nghỉ dưỡng Bang của Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh,…        

Tiếp tục quan tâm chỉ đạo khẩn trương triển khai các dự án về du lịch, dịch vụ đã có chủ trương đầu tư; đồng thời, tiếp tục rà soát lại các dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng triển khai chậm trễ thì có biện pháp thu hồi để kêu gọi các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư.

Tăng cường kêu gọi, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xúc tiến đầu tư, mời chọn những nhà đầu tư thực sự uy tín, năng lực, thương hiệu vào nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm cơ hội và đầu tư tại tỉnh để Quảng Bình - “viên kim cương xanh” của du lịch Việt Nam - sẽ tỏa sáng lâu dài trên bản đồ du lịch quốc tế.

Thứ ba, chú trọngviệc phát triển, đa dạng hóa và hoàn thiện các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng dịch vụ và tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó chú trọng các sản phẩm du lịch cao cấp, các sản phẩm có khả năng thu hút lượng khách du lịch lớn, mang lại thu nhập cao trên nguyên tắc phát triển bền vững, gắn bảo tồn với phát huy giá trị di sản.

Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội nghiên cứu và phát triển các khu, điểm, sản phẩm du lịch mới mang tính độc đáo, có lợi thế cạnh tranh cao, như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch thể thao cao cấp, du lịch văn hóa, lịch sử,... tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa - thể thao với phát triển du lịch.

Chỉ đạo phát triển hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại, tiếp tục khai thác có hiệu quả các đường bay hiện có; duy trì, củng cố, liên kết các tua, tuyến để nâng cao chất lượng, hiệu quả đường bay Đồng Hới - Cát Bi, Đồng Hới - Chiang Mai nhằm thu hút khách du lịch; tiếp tục nghiên cứu để phát triển, mở thêm các đường bay mới. Huy động nguồn lực nâng cấp cảng hàng không Đồng Hới, trong đó có một số tuyến đường bay quốc tế.

Tăng cường khai thác các tuyến vận tải đường sắt, phát triển mạnh các phương tiện giao thông đường bộ, kết nối với các trung tâm du lịch trong cả nước; chú trọng đầu tư các điểm dừng chân phục vụ khách du lịch, bãi đỗ xe tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, có kế hoạch triển khai tổ chức Phố đi bộ tại thành phố Đồng Hới và phát triển các hoạt động vui chơi giải trí ban đêm phục vụ du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách. Ở đây tôi xin lưu ý:

(1)- UBND tỉnh tiếp tục làm việc với Bộ Giao thông và Vận tải để phối hợp đẩy nhanh tiến độ xúc tiến xây dựng nâng cấp, mở rộng cảng hàng không, nhà ga sân bay Đồng Hới trong năm 2018, hoàn thành vào năm 2020 hoặc sớm hơn, nhằm nâng cao khả năng khai thác và chất lượng vận tải, phục vụ du khách trong nước và quốc tế.

(2)- UBND tỉnh tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tạo điều kiện cho phép người nước ngoài được xuất nhập cảnh bằng thị thực điện tử tại Quảng Bình.

(3)- UBND tỉnh tích cực làm việc với Bộ Giao thông và Vận tải, các bộ, ngành Trung ương để tranh thủ các nguồn lực đầu tư, nâng cấp một số công trình hạ tầng thiết yếu, cấp bách, quan trọng, như: đường ven biển, các tuyến giao thông liên vùng, nhất là một số công trình đã xuống cấp, tạo điều kiện tốt hơn để phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân, thúc đẩy phát triển du lịch.

Sở Giao thông vận tải tỉnh tích cực làm việc với Bộ Giao thông vận tải để đầu tư xây dựng Tượng đài Giao thông vận tải ở phía Nam cầu Gianh. Tăng cường quản lý các tuyến xe khách kinh doanh vận tải đường bộ, đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ du khách đi lại thuận tiện, an toàn.

(4)- Vừa qua, Ban Bí thư đã có chủ trương cho phép xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình, vì vậy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan xúc tiến triển khai ngay việc xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình và Quảng trường trung tâm thành phố Đồng Hới để kịp thời khánh thành vào dịp 2-9-2019.

Thứ tư, HĐND, UBND tỉnh nghiên cứu tiếp tục có cơ chế, chính sách và phân cấp phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích và thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đầu tư các cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí phục vụ du khách.

Chỉ đạo đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; đa dạng hóa nội dung, phương thức để truyền tải thông tin, quảng bá điểm đến, xúc tiến du lịch thông qua các sự kiện lớn, các chương trình quảng bá trên các kênh thông tin, truyền hình quốc tế.

Tập trung xây dựng chiến lược marketing, chiến lược phát triển sản phẩm, bộ nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Bình. Tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh công tác liên kết, phát triển du lịch, kinh tế - xã hội với các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và thị trường quốc tế.

Thứ năm, chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, nhất là về kỹ năng nghề và ngoại ngữ; nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ trong ngành du lịch và các ngành dịch vụ hỗ trợ.

Huy động các nguồn lực, trong đó ưu tiên kết hợp nhà trường với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo theo địa chỉ; tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, khả năng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư.

Thứ sáu, triển khai đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh du lịch, xây dựng môi trường du lịch văn minh, bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh và hỗ trợ, hướng dẫn khách du lịch. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án an ninh du lịch giai đoạn 2018 - 2020. Khẳng định du lịch Quảng Bình là điểm đến an toàn, chất lượng và mến khách, mỗi người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên du lịch.

UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý tại các khu du lịch, các địa điểm kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách. Chấm dứt tình trạng chặt chém, chèo kéo du khách; quản lý chặt chẽ việc công khai niêm yết giá dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh, các điểm du lịch, khu du lịch. Chỉ đạo chấn chỉnh các hoạt động mê tín dị đoan, bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm du lịch tâm linh, như: Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh, Chùa Hoằng Phúc, Núi Thần Đinh và một số điểm di tích khác.

Thứ bảy, UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước, đổi mới cơ chế, chính sách, phân công đầu mối chịu trách nhiệm chính, phân cấp đầy đủ nhiệm vụ cho địa phương; cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân để dịch vụ hóa nền kinh tế.

Bảo đảm số lượng và chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan quản lý nhà nước và sự nghiệp du lịch; xây dựng bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Thông tin và Truyền thông để nghiên cứu Đề án xây dựng chính quyền điện tử và một số hạng mục của thành phố thông minh ứng dụng trong phát triển du lịch.

Tiếp tục triển khai hướng dẫn và phổ biến Luật Du lịch năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Du lịch năm 2017. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và kiến nghị ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó cần sớm ban hành Quy chế quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; chú trọng cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.

Phát huy vai trò của Ban chỉ đạo Phát triển du lịch; vai trò tham mưu của Sở Du lịch; củng cố và có chính sách hỗ trợ, động viên hoạt động của Hiệp hội Du lịch với sự tham gia tích cực, rộng rãi của các doanh nghiệp du lịch nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phối hợp liên ngành.

Thưa các đồng chí,

Phát triển du lịch là một trong hai chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là chủ trương của Đảng và Nhà nước. Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cũng như những kỳ vọng của Thủ tưởng Chính phủ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh vừa qua, tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương cùng chung tay nỗ lực đồng sức, đồng lòng thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu về phát triển du lịch đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017, của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đến đây, tôi xin bế mạc Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch, giai đoạn 2016 - 2020. Chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn.

-----------------------------------------------------------------------------------
(*) Đầu đề do Tòa soạn rút từ trong bài phát biểu


 

,