.

Phát huy vai trò của người cao tuổi trong các phong trào thi đua yêu nước

.
08:40, Thứ Năm, 09/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng” đã và đang được đông đảo người cao tuổi trên địa bàn tỉnh tham gia hưởng ứng. Qua đó khẳng định vai trò to lớn của lực lượng người cao tuổi trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương.

Ông Đinh Minh Thử, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: Thi đua phát triển kinh tế là một trong những phong trào lớn nhằm phát huy tinh thần “Tuổi cao gương sáng” của Hội Người cao tuổi (NCT).

Thực tế cho thấy, tuổi tác, sức khỏe đã và đang là trở ngại lớn trong lao động, nhưng với kinh nghiệm và tinh thần phấn đấu vươn lên đã giúp hàng trăm “cây cao bóng cả” trong tỉnh có tên trong danh sách “người làm kinh tế giỏi”.

Hiện tại, toàn tỉnh có 48.095 NCT đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất, chiếm trên 45% tổng số NCT, trong đó có 2.781 NCT đạt danh hiệu NCT làm kinh tế giỏi các cấp, 1.037 NCT đang làm chủ doanh nghiệp và 866 NCT làm chủ trang trại.

Hầu hết NCT làm kinh tế giỏi đang trực tiếp quản lý, lao động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản, dịch vụ thương mại, các ngành nghề truyền thống của quê hương. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến được các cấp, các ngành biểu dương, khen ngợi.

Ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến người cao tuổi trên các lĩnh vực.
Ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến người cao tuổi trên các lĩnh vực.

Một trong những tấm gương đi đầu trên lĩnh vực phát triển kinh tế là ông Hà Công Nghiêm, Giám đốc Công ty TNHH Trường Tiến Lợi (phường Đồng Phú, T.P Đồng Hới), chuyên xây dựng các công trình điện lưới cao thế, điện dân dụng, viễn thông.

Với doanh thu đạt 5 trên tỷ đồng/năm, Công ty TNHH Trường Tiến Lợi không chỉ giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động mà còn thực hiện đầy đủ các quyền lợi cho người lao động và nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Hoạt động trên lĩnh vực xây dựng tổng hợp và mộc dân dụng, ông Đinh Văn Sỹ ở thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) được biết đến là một chủ doanh nghiệp rất năng động. Ngoài việc giải quyết việc làm cho 30 lao động, doanh nghiệp của ông còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng các nguồn quỹ nhân đạo, từ thiện…

Các mô hình kinh tế khác, như: mô hình mây tre đan của ông Lê Viết Sơn (Kim Hóa, Tuyên Hóa), kinh doanh nón lá của ông Hoàng Hữu Tố (Quảng Tân, thị xã Ba Đồn) cũng đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập ổn định tại các địa phương.

Trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng là một trong những thế mạnh kinh tế của tỉnh nên đã thu hút nhiều NCT tham gia. Tiêu biểu cho phong trào này là các ông, bà: Phạm Trung Kỳ ở Quảng Tiến, Quảng Trạch (mô hình kinh tế trang trại gồm 600 con lợn thịt, 15 bò sinh sản và đàn gia cầm lên tới hàng trăm con, doanh thu đạt 2  tỷ đồng/năm); Nguyễn Văn Hóa ở xã Lộc Ninh, Đồng Hới (trang trại, đa cây, đa con, hằng năm thu nhập trên 170 triệu đồng); Lê Thị Bê, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh (với 30 ha cây keo lấy gỗ, 3 ha cây ăn quả các loại, 200 gốc hồ tiêu, cùng với chăn nuôi bò sinh sản, nuôi ong lấy mật… đã giải quyết việc làm cho 20 lao động, hàng năm thu nhập trên 300 triệu đồng); Cao Quang Báu xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa (đầu tư máy xay xát, ô tô vận tải, kết hợp trồng rừng kinh tế, chăn nuôi dịch vụ tổng hợp, có thu nhập hàng năm chừng 500 triệu đồng)…

Phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, nhiều NCT đã mạnh dạn đầu tư vốn vào lĩnh vực phát triển kinh tế từ thủy sản, như : đánh bắt, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình  là ông Nguyễn Văn Bạy ở phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn), bà Cao Thị Ninh ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) và nhiều tấm gương khác.

Trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xuất hiện ngày càng nhiều NCT sản xuất, kinh doanh giỏi, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, nổi bật là các điển hình: Nguyễn Thị Minh Khiêm, phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn (kinh doanh xăng dầu, doanh thu hàng năm đạt 500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5,5 tỷ đồng, nộp ngân sách 1,3 tỷ đồng/năm); bà Hà Thị Xuân, phường Hải Thành, T.P Đồng Hới (kinh doanh dịch vụ ăn uống với sản phẩm bánh bột lọc, bánh nậm… được đông đảo người dân trong tỉnh và du khách ưa chuộng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động)…

Kết quả trên cho thấy, NCT đã hăng hái thi đua, tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh phong trào NCT làm kinh tế giỏi, NCT tỉnh ta còn là những tấm gương sáng đi đầu trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới.

Các cụ đã có vai trò rất lớn trong việc vận động con cháu cùng góp sức xây dựng những tuyến đường giao thông nông thôn. Nhiều gia đình NCT  đã tự nguyện hiến đất, vận động giải phóng mặt bằng, góp tiền của để xây dựng trường học, nhà văn hóa và đường giao thông.

Hiện tại, toàn tỉnh có 13.962 NCT trực tiếp tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận , đoàn thể  ở cơ sở. Đây được xem là lực lượng có uy tín, có vai trò trong việc bảo vệ và xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.  

Phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - gương sáng” đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong lớp NCT. Để nâng cao hiệu quả của phong trào này, Hội NCT tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát huy tốt vai trò của NCT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương.

Một trong những nhiệm vụ then chốt của hội là nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng tổ chức, vận động hội viên phát huy uy tín, nêu gương sáng trong mọi lĩnh vực công tác và đời sống nhằm xứng đáng với 18 chữ vàng mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tặng Hội Người cao tuổi Việt Nam nhân dịp Đại hội lần II “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nhật Văn
 

,