.

Tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động

.
08:22, Thứ Năm, 05/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện Lệ Thủy đã có nhiều hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên công đoàn. Nhờ đó, công nhân, viên chức và người lao động yên tâm công tác, nỗ lực học tập, lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Huyện Lệ Thủy có tổng số công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) gần 4.700 người, đang sinh hoạt trong 140 công đoàn cơ sở trực thuộc. Những năm gần đây, các cấp Công đoàn trong huyện luôn chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát các chế độ, chính sách có liên quan đến quyền lợi của CNVCLĐ, như: việc thực hiện hợp đồng lao động, chế độ việc làm, tiền lương; chính sách các loại bảo hiểm, vấn đề bảo hộ lao động, công tác bình xét thi đua, khen thưởng; chấp hành nội quy lao động, công tác an toàn vệ sinh lao động... Chất lượng cán bộ công đoàn trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên, tỷ lệ cán bộ công đoàn có trình độ đại học trở lên chiếm  84,3%, tăng 23% so với năm 2012.

Từ năm 2012 đến nay, các cấp công đoàn trên địa bàn huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng về đoàn viên công đoàn, trong đó phải kể đến công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho CNVCLĐ. Xác định đó là nhiệm vụ trọng tâm, nên LĐLĐ huyện đã chỉ đạo công đoàn các cấp làm tốt việc tuyên truyền về chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ.

LĐLĐ huyện Lệ Thủy bàn giao nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn.
LĐLĐ huyện Lệ Thủy bàn giao nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn.

Qua đó, CNVCLĐ nhận thức đúng đắn về quyền, trách nhiệm của mình trước công việc, tích cực cải thiện đời sống. Công đoàn các cấp đã tích cực tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến CNVCLĐ và hoạt động công đoàn. Đồng thời, các tổ chức công đoàn đã đẩy mạnh việc tư vấn pháp luật cho đoàn viên, góp phần giúp họ nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân.

Ban chấp hành công đoàn các cấp đã tập trung chỉ đạo Ủy ban kiểm tra công đoàn, Ban thanh tra nhân dân thực hiện đúng chức năng đại diện trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Từ đó, các chế độ, chính sách cho người lao động được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Việc phối hợp, chỉ đạo triển khai quy chế dân chủ cơ sở thực hiện hiệu quả. Công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khoẻ cho người lao động và bảo vệ môi trường được chú trọng. Từ năm 2012 đến nay, đã có 87/140 công đoàn cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho đoàn viên.

Các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện luôn được các cấp công đoàn chú trọng thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực, như: Chương trình “Tết sum vầy”, "Tháng công nhân", hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn”, xây dựng các công trình phúc lợi cho đoàn viên lao động vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn.

Cụ thể, LĐLĐ huyện Lệ Thủy đã hỗ trợ vốn vay từ quỹ Quốc gia trên 200 triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hơn 60 đoàn viên gặp khó khăn; hỗ trợ bản KM 14, xã Ngân Thủy 10 triệu đồng mua giống cây trồng nhằm giúp bà con Vân Kiều giảm nghèo. Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn" đã xây dựng 43 nhà với trị giá trên 1 tỷ đồng.

Ông Dương Đức Cường, cán bộ Tư pháp xã Xuân Thủy phấn khởi: “Nhờ LĐLĐ huyện hỗ trợ kinh phí, động viên từ vật chất đến tinh thần, tôi mới làm được ngôi nhà kiên cố để ở. Giờ mỗi mùa bão lũ đến, tôi không còn lo âu thấp thỏm như trước nữa”. Ông Cường là đoàn viên cao tuổi, cuộc sống gia đình ông rất khó khăn. Bản thân ông bị tai nạn bom mìn từ nhỏ, mất đi một cánh tay. Vợ ông ở nhà làm ruộng, hai đứa con trai lập gia đình cũng đang thất nghiệp. Hiện ông còn phải lo nuôi 4 đứa cháu nội.

Trước đây, ông sống trong căn nhà nhỏ chật chội. Mỗi khi mưa lũ về, cả nhà phải dọn đồ đi nơi khác vì ngôi nhà quá thấp, lại đang xuống cấp nghiêm trọng. Trước hoàn cảnh đó, LĐLĐ huyện đã hỗ trợ cho ông 30 triệu đồng để xây ngôi nhà mới.

Ngoài ra, LĐLĐ huyện đã vận động đoàn viên đóng góp quỹ “Nghĩa tình Hoàng Sa-Trường Sa” được trên 226 triệu đồng; quỹ ủng hộ phục dựng tôn tạo di tích Quốc gia chùa Hoằng Phúc với số tiền gần 500 triệu đồng và nhiều loại quỹ khác với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng.

Phong trào “Hiến máu nhân đạo” thu hút hơn 2.500 lượt đoàn viên công đoàn tự nguyện tham gia. Trong các dịp lễ, Tết, hiếu hỷ…, Ban chấp hành Công đoàn các cấp đã kịp thời động viên, thăm hỏi cán bộ, CNVCLĐ. Nhờ đó, người lao động luôn xem công đoàn thực sự là tổ ấm, trở thành nơi gửi gắm những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của mình.

Bà Đỗ Thị Lường, Chủ tịch LĐLĐ huyện Lệ Thủy cho biết: "Thời gian tới, LĐLĐ huyện Lệ Thủy sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng các hoạt động, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, CNVCLĐ.

Đơn vị tiếp tục chọn những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn nhất để hỗ trợ xây dựng nhà ở, cho vay vốn phát triển sản xuất. Đối với tổ chức công đoàn, hàng năm, phấn đấu xây dựng được 1-2 mô hình "Dân vận khéo", có ít nhất 1 hoạt động thiết thực thực hiện phong trào "Đoàn viên, người lao động Lệ Thủy đồng hành cùng doanh nghiệp", 100% công đoàn cơ sở thực hiện tốt phong trào "Đoàn viên, người lao động Lệ Thủy thi đua làm theo lời Bác", "Gương mẫu thực hiện kỷ luật, kỷ cương, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh", "Cán bộ công đoàn cơ sở tiêu biểu, xuất sắc"…"

Xuân Vương

 

,