.
Kỷ niệm 20 năm thành lập xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới):

Những dấu ấn đậm nét

.
14:07, Thứ Ba, 29/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 30-5-1998, xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới) được thành lập theo Nghị định số 34/1998/NĐ-CP của Chính phủ. Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ và nhân dân xã Thuận Đức đoàn kết  một lòng, cùng nhau xây dựng quê hương chiến khu cách mạng phát triển vượt bậc, góp phần tạo sức sống mới cho vùng đất  phía tây thành phố.

>> Thuận Đức-20 năm xây dựng và phát triển

Xã Thuận Đức cách trung tâm TP. Đồng Hới khoảng 12km, có tổng diện tích đất tự nhiên trên 4.500ha. Ngày đầu mới thành lập, xã có 803 hộ với khoảng 2.500 nhân khẩu sinh sống thưa thớt tại 6 thôn và chủ yếu là người các nơi về lập nghiệp. Lúc bấy giờ, do cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế nên người dân gặp nhiều khó khăn trong khai hoang và sản xuất. Một thời gian khá dài, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của thành phố.

Nhận thức đầy đủ các quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ, chính quyền xã Thuận Đức đã xác định phương hướng phát triển và đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của xã về trước mắt cũng như lâu dài. Trong 20 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thuận Đức kiên trì, phát huy định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và thương mại, dịch vụ. Nhờ vậy, kinh tế- xã hội của địa phương đã có những đổi thay rõ nét.

Minh chứng trong vòng 20 năm (từ năm 1999 đến nay), số cơ sở CN-TTCN từ 10 cơ sở nay đã tăng lên 87 cơ sở và 16 doanh nghiệp, đưa giá trị sản xuất từ 10,5 tỷ đồng lên 181,9 tỷ đồng; loại hình thương mại, dịch vụ từ 20 cơ sở , hiện có 191 cơ sở, giá trị thương mại, dịch vụ xấp xỉ 1tỷ đồng hiện đạt 56,9 tỷ đồng; toàn xã có 10 trang trại chăn nuôi và trồng trọt kết hợp quy mô hộ gia đình theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp vượt xa con số 1 tỷ đồng của năm 1999 với mức gần 48 tỷ đồng.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã góp phần tích cực trong công tác xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Trong đó, tạo việc làm ổn định cho từ 120-200 lượt lao động/năm; giảm số hộ nghèo xuống còn 7 hộ và 22 hộ cận nghèo (năm 1999 có 110 hộ đói và 170 hộ nghèo). Từ đó, đóng góp cho ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 1999 nguồn thu ngân sách toàn xã chỉ vẻn vẹn 79 triệu đồng thì đến năm 2017 đã đạt gần 10 tỷ đồng.


Ngoài nhiệm vụ xuyên suốt là phát triển kinh tế, Thuận Đức cũng đã chú trọng xây dựng hạ tầng và huy động mọi nguồn lực để thực hiện các công trình phù hợp với yêu cầu sản xuất,  phục vụ đời sống nên tạo được sự đồng tình cao, người dân tích cực đóng góp nguồn lực. Đến nay, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương, như: trụ sở UBND xã, nhà văn hóa xã, sân thể thao, trường tiểu học, trường mầm non, trạm y tế, chợ… đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, bảo đảm an sinh xã hội.

Mặt khác, thực hiện nâng cấp chỉnh trang đô thị và đề án xây dựng đường giao thông quy mô nhỏ, điện chiếu sáng ngõ phố với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, địa phương hiện có trên 95% hệ thống đường giao thông trong xã bê tông và nhựa hoá; 85% tỷ lệ hộ dân tham gia thu gom rác thải… Bộ mặt của xã từng bước đô thị hoá, khang trang và sạch đẹp.

Năm 2014, Thuận Đức đã trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM của thành phố và của cả toàn tỉnh khi hoàn thành 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận xã đạt NTM theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015.


Để thực hiện và phát huy có hiệu quả nét đẹp văn hoá của quê hương, ngay từ ngày đầu mới thành lập, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận  xã chỉ đạo các thôn xây dựng hương ước, đồng thời thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" gắn với phong trào "Xây dựng gia đình văn hoá, thôn văn hoá". Từ đó, tạo phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trong toàn xã, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của xã đề ra.

Kết quả đáng phấn khởi, hiện toàn xã có 1.167 hộ sinh sống thì có 91,4% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá và 50% hộ gia đình đạt gia đình thể thao; 5 thôn được công nhận thôn văn hoá cấp thành phố; 1 thôn đạt tiêu chuẩn làng văn hoá cấp tỉnh giai đoạn 2001-2005. Đến nay, xã Thuận Đức đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi và phổ cập tiểu học, THCS đúng độ tuổi; các trường học trên địa bàn xã đều đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1; trung tâm học tập cộng đồng và các hoạt động khuyến học, khuyến tài hoạt động có hiệu quả; công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân được chú trọng.

Địa  phương không ngừng tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì, xã  thực hiện có hiệu quả, mô hình “Ba an toàn hai tự quản” nhằm bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…

Có thể khẳng định, những kết quả đã đạt được chính là niềm tin, là động lực để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Thuận Đức vững tin bước vào giai đoạn tiếp theo với nhiều thành công mới, phấn đấu xây dựng  địa phương ngày càng lớn mạnh và phát triển toàn diện.

Lê Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Thuận Đức


 

,