.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở

.
09:46, Thứ Sáu, 27/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của BCH đảng bộ xã, phường, thị trấn và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, thời gian qua, hệ thống Ban Tuyên giáo cơ sở đã thực hiện có hiệu quả vai trò tham mưu, giúp cấp uỷ trong chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện toàn diện các lĩnh vực công tác tuyên giáo ở địa phương.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Lê Đình Nguyên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cho biết: "Toàn tỉnh hiện có 95/159 ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn. Tổng số cán bộ tuyên giáo xã, phường, thị trấn gồm 784 người; trong đó có 624 cán bộ kiêm nhiệm, 32 cán bộ là người dân tộc thiểu số và 6 cán bộ là người công giáo.

Những năm qua, nhằm nâng cao chất lượng tham mưu công tác chuyên môn của đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã chủ động phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho các đồng chí Trưởng ban, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và cán bộ không chuyên trách tuyên giáo xã, phường, thị trấn.

Việc thành lập, kiện toàn  Ban Tuyên giáo cơ sở được đảng uỷ các xã, phường, thị trấn quan tâm nên cơ bản bảo đảm yêu cầu về số lượng, cơ cấu và phân công nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.

Các địa phương đã thành lập Ban Tuyên giáo cơ sở đều phân công đồng chí bí thư hoặc phó bí thư trực Đảng làm Trưởng ban, Phó trưởng ban là đồng chí Phó chủ tịch UBND xã phụ trách văn hoá-xã hội, điều đó thể hiện sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cấp uỷ và Ban Tuyên giáo các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ về vị trí, vai trò của công tác tuyên giáo cơ sở".

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Cao Văn Định tặng giấy khen cho các cá nhân tiêu biểu, đạt thành tích xuất sắc công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên năm 2017
Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Cao Văn Định tặng giấy khen cho các cá nhân tiêu biểu, đạt thành tích xuất sắc công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên năm 2017

Đối với công tác tuyên truyền, Ban Tuyên giáo các xã, phường, thị trấn đã chủ động, làm tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương; tuyên truyền đưa các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng các cấp vào cuộc sống.

Đặc biệt là tuyên truyền việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, góp phần tích cực vào việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Bên cạnh làm tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp cấp uỷ tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; xây dựng các chương trình, kế hoạch giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở đã có những đóng góp quan trọng vào công tác biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 70 xã, phường, thị trấn đã triển khai công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ. Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng của địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ban Tuyên giáo các xã, phường, thị trấn đã tham mưu cấp uỷ chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở triển khai các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao phong phú và sôi nổi ở địa phương. Các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian ngày càng phát triển mạnh mẽ tại các địa phương như: hái hoa đầu xuân, bài chòi, ngâm thơ, đánh đu, cờ thẻ, cờ tướng, bóng chuyền, cầu lông, hội diễn văn nghệ...

Tiêu biểu là các xã, phường: Thuận Đức, Phú Hải, Quang Phú, Bảo Ninh, Hải Thành, Nam Lý (TP.Đồng Hới), Cảnh Dương, Quảng Xuân, Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch), Mai Hoá, Tiến Hoá, Phong Hoá, thị trấn Đồng Lê (huyện Tuyên Hoá)...

Riêng địa bàn huyện Bố Trạch hàng năm có gần 1.000 lượt biểu diễn văn nghệ, trên 150 cuộc thi đấu các trò chơi dân gian diễn ra ở hầu hết các thôn, xóm, tổ dân phố, tạo không khí vui tươi, đoàn kết trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Hiện nay, trên địa bàn TP.Đồng Hới có 281 đội văn nghệ quần chúng, 19 câu lạc bộ văn hoá văn nghệ, trong đó có 11 câu lạc bộ dân ca hoạt động nền nếp.

Đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở luôn chủ động nắm bắt dư luận xã hội, tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các vấn đề nảy sinh liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất và các chính sách xã hội để kịp thời định hướng dư luận. Đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh hoạt động khá tích cực, có sự phối hợp với đảng uỷ, chính quyền địa phương trong nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để báo cáo, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng các cấp.

Công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên được ban tuyên giáo các xã, phường, thị trấn triển khai khá tốt. Đội ngũ tuyên truyền viên được cấp uỷ đảng quan tâm, củng cố, kiện toàn nhằm ngày càng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng. Các đồng chí trưởng, phó Ban Tuyên giáo đảng uỷ hầu hết là báo cáo viên cấp uỷ, định kỳ tổ chức các hội nghị báo cáo viên để thông tin về thời sự, chính trị-xã hội.

Qua đó, tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò quan trọng trong chỉ đạo thực hiện việc nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội để phản ánh kịp thời với cấp uỷ đảng cùng cấp và cấp uỷ cấp trên để chỉ đạo giải quyết những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân.

Đặc biệt là việc thực thi nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ cơ sở, công tác đền bù sau sự cố môi trường biển, những vấn đề liên quan đến đất đai, các chế độ chính sách, quyền và nghĩa vụ của người dân trên các lĩnh vực... Huyện Lệ Thuỷ và TP.Đồng Hới là 2 địa phương tiêu biểu được Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đánh giá có Ban Tuyên giáo cơ sở hoạt động hiệu quả.

Nhằm đưa Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị vào đời sống, Ban Tuyên giáo các xã, phường, thị trấn đã xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII), đồng thời tham mưu cấp uỷ tổ chức học tập, quán triệt nội dung chuyên đề hàng năm theo kế hoạch của cấp trên và hướng dẫn đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào trong các buổi sinh hoạt chi bộ hàng tháng.

Cùng với việc xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác, Ban Tuyên giáo các xã, phường, thị trấn còn tham mưu cấp uỷ hướng dẫn cho các tổ chức đoàn thể và cán bộ, đảng viên xác định nội dung đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để đăng ký làm theo, cuối năm có đánh giá kết quả và xem đó là tiêu chí để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên hàng năm.

Qua tìm hiểu và trao đổi với một số cán bộ tuyên giáo cơ sở, chúng tôi được biết, hầu hết đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo các xã, phường, thị trấn đều kiêm nhiệm (chiếm 80%) và thường xuyên thay đổi do yêu cầu công tác cán bộ. Mặt khác, kinh phí dành cho hoạt động tuyên giáo nói chung và chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách còn thấp, trang thiết bị phục vụ công tác còn hạn chế, bất cập nên khó thu hút những cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, năng lực công tác.

Những khó khăn, bất cập này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên giáo cơ sở cũng như chất lượng hoạt động đối với lĩnh vực này. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở, tỉnh cần tạo điều kiện cho cán bộ tuyên giáo cơ sở không chuyên trách được hưởng hệ số phụ cấp lương hàng tháng là 2,34 thay vì mức phụ cấp quá thấp hiện nay là 1,0.

Các huyện uỷ, thị uỷ và thành uỷ cũng cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở nhằm đạt chuẩn và trên chuẩn, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Hiền Chi

 

 

,