.
Chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Quảng Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2018-2023:

Nông dân Quảng Ninh đoàn kết, sáng tạo xây dựng nông thôn mới

.
08:39, Thứ Hai, 16/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Hội Nông dân huyện Quảng Ninh hiện có 18.531 hội viên, sinh hoạt ở 15 hội cơ sở với 131 chi hội và 204 tổ hội. Những năm qua, phát huy vai trò chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nông dân huyện Quảng Ninh đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân huyện Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội; qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước của nông dân.

Nông dân Quảng Ninh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Nông dân Quảng Ninh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, Hội Nông dân huyện Quảng Ninh đã phát động mạnh mẽ phong trào nông dân thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đến 100% cơ sở hội trên địa bàn. Nhờ đó, phong trào ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực và đã đạt được những kết quả to lớn, tạo động lực khích lệ, động viên hội viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo.

Đồng thời, nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động; mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản.

Bám sát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Hội đã vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền đổi thửa để tạo vùng sản xuất tập trung; chuyển đổi diện tích đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô lai, dưa hấu, đậu xanh tăng thu nhập gấp 3-4 lần so với trồng lúa, đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, Hội Nông dân các cấp đã làm thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm của người nông dân.

Hàng ngàn hộ nông dân mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng các mô hình phát triển mới, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, phát huy tinh thần tự lực, năng động sáng tạo, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đến nay, toàn huyện có 10.183 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; 8 hợp tác xã và 37 tổ hợp tác; có 24 trang trại tổng hợp có quy mô vừa và nhỏ, trong đó có 21 trang trại được cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Hội Nông dân huyện còn làm tốt vai trò cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với hội viên, nông dân địa phương, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất. Đến nay, Quảng Ninh thành lập 104 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ là 132,703 tỷ đồng cho 4.563 hộ vay. Việc xây dựng và phát triển quỹ hỗ trợ nông dân được các cấp hội đặc biệt coi trọng với tổng nguồn quỹ toàn huyện là 4,022 tỷ đồng cho 1.471 hộ vay.

Đặc biệt, xác định rõ vai trò chủ thể của cán bộ, hội viên Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa xây dựng nông thôn mới trở thành một trong những phong trào thi đua trọng tâm của công tác hội. Các cấp hội đã vận động nông dân phát huy nội lực, tu sửa các công trình, đường giao thông, đóng góp công sức, tiền của để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đến nay, có trên 80% hội viên, nông dân tham gia đề án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới ở cơ sở; hàng ngàn nông dân tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn ngày công, hiến 193.482 m2 đất ở, đất vườn, đất nông nghiệp, tài sản, công trình, cây cối trị giá hàng chục tỷ đồng để góp phần làm các công trình hạ tầng nông thôn. Đến nay, mức đầu tư xây dựng nông thôn mới ước tính 753,663 tỷ đồng, trong đó nông dân đóng góp 299,315 tỷ đồng. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện thành công Nghị quyết 04 của Huyện ủy về xây dựng nông thôn mới huyện Quảng Ninh giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2020.

Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân huyện Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với các ngành quân sự, công an để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Hội đã vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên bảo đảm cả số lượng, chất lượng; vận động con em nông dân thực hiện nghĩa vụ quân sự, lên đường nhập ngũ đạt chỉ tiêu. Ngoài ra, các cấp hội còn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, xây dựng nhà ở, sổ tiết kiệm tình nghĩa; tích cực tham gia công tác nhân đạo và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; xây dựng làng, xã và gia đình văn hoá, các cấp hội phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền vận động hội viên nông dân đăng ký thi đua xây dựng gia đình văn hoá, tích cực tham gia xây dựng hương ước, quy ước, xây dựng làng, xã văn hoá. Đến nay, toàn huyện có 74 thôn, bản, làng, tiểu khu đạt danh hiệu văn hóa, trong đó có 22 đơn vị đạt 3 năm liên tục; có 21.486 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, trong đó có 15.734 hộ gia đình hội viên nông dân.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, các cấp hội đã phối hợp với các đơn vị mở 66 lớp cho 2.295 hội viên nông dân tham gia với các nghề trồng nấm, trồng rau an toàn, nuôi ong, chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản.

Phát huy vai trò trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân, các cấp hội chủ động và phối hợp với các ngành trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho trên 13.512 lượt hội viên, nông dân/năm; tư vấn, trợ giúp pháp lý cho 4.450 lượt hội viên, nông dân; tham gia hòa giải trên 299 cuộc. Đồng thời, các cấp hội tích cực tham gia cùng UBND các cấp tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của hội viên, xây dựng chi hội, tổ hội ngày càng vững mạnh.

Với những nỗ lực trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân huyện Quảng Ninh đã được Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng cờ “Đơn vị xuất sắc nhiệm kỳ 2013-2018”; 6 tập thể được tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giai cấp nông dân Việt Nam”; 51 cán bộ hội được tặng bằng khen; 4 hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 16 cá nhân nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được UBND tỉnh tặng bằng khen…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động hội vẫn còn một số tồn tại, như: công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ hội viên thiếu thường xuyên; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn còn chậm; công tác phát triển hội viên ở một số nơi đạt tỷ lệ còn thấp; nguồn vốn và các dự án hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất còn ít; kinh phí đào tạo nghề còn hạn chế…

Nông dân Quảng Ninh chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng dưa.
Nông dân Quảng Ninh chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng dưa.

Phát huy những kết quả đã đạt được, nhiệm kỳ 2018 – 2023, Hội Nông dân huyện Quảng Ninh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, chú trọng xây dựng tổ chức hội vững mạnh, phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 04-NQ/HU về xây dựng nông thôn mới; phấn đấu hàng năm phát triển 400 – 450 hội viên, 15/15 cơ sở đạt vững mạnh, 6.000- 6.500 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Để làm được điều đó, Hội tập trung vào các giải pháp, gồm: xây dựng tổ chức hội vững về chính trị, tư tưởng, mạnh về tổ chức và hành động; tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phấn đấu để phong trào có bước phát triển mới về chất, ngày càng có nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên các lĩnh vực. Đồng thời, Hội tăng cường phối hợp, liên kết với các ngành, các cơ quan, các tổ chức kinh tế xã hội, trong huyện và trong tỉnh… để hỗ trợ nông dân ngày càng tốt hơn về khoa học kỹ thuật, công nghệ, vốn, giống, thiết bị, vật tư nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Tin tưởng rằng với truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Ninh anh hùng, dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ huyện, Hội Nông dân tỉnh và sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền các cấp cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ và hội viên, Hội Nông dân huyện Quảng Ninh  sẽ thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội đề ra, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân toàn huyện thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, xây dựng huyện Quảng Ninh phát triển toàn diện và bền vững.

Lê Ngọc Huân, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh

 

,