.

Phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh

.
07:41, Thứ Tư, 07/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, huyện Quảng Ninh xác định mục tiêu cụ thể là phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh (QP-AN), xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, tạo môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH).

Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Quảng Ninh luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng về kết hợp giữa phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh (QP-AN), trong đó lấy phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân là yếu tố quan trọng.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh Phan Mạnh Hùng tặng hoa động viên tân binh trên địa bàn lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2018.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh Phan Mạnh Hùng tặng hoa động viên tân binh trên địa bàn lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2018.

Nội dung kết hợp phát triển KT-XH gắn với QP-AN trong tình hình mới được xác định đồng bộ từ trong chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH; trong phát triển các vùng lãnh thổ, các ngành, các lĩnh vực kinh tế chủ yếu; trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong hoạt động đối ngoại.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Huyện ủy Quảng Ninh luôn xác định KT-XH phát triển tạo ra nền tảng cơ sở vật chất để tăng cường QP-AN; QP-AN được tăng cường góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển KT-XH.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chương trình hành động số 10-CTr/HU ngày 23-6-2014 về thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, trong đó, xác định mục tiêu cụ thể là phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế biển gắn với bảo đảm QP-AN, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

Huyện ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 29-1-2016 về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ QP-AN giai đoạn 2016 - 2020”, trong phương hướng chung cũng xác định kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cụ thể, trong lãnh đạo xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, huyện đã xác định huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển KT-XH; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sự đột phá trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tạo động lực cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Huyện chú trọng phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN trong từng ngành, từng lĩnh vực, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị-xã hội, từ đó xây dựng huyện Quảng Ninh phát triển toàn diện và bền vững.

Đối với vùng đồng bằng, huyện đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của huyện, như: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải... Huyện xác định phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn không chỉ để bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước, của nhân dân mà còn bảo vệ an toàn cho các cơ quan đầu não của cả hệ thống chính trị huyện nhà.

Đối với vùng gò đồi, vùng núi (chiếm tới 3/4 diện tích toàn huyện), huyện tập trung chỉ đạo các địa phương phát triển kinh tế trang trại, trồng rừng, chăm sóc khoanh nuôi và bảo vệ rừng gắn với việc xây dựng các khu căn cứ hậu phương, căn cứ chiến đấu và vùng sơ tán dân đến trú ẩn khi có chiến tranh xảy ra.

Đồng thời, huyện chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh khai thác thế mạnh của vùng biển đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản và phát triển dịch vụ du lịch biển nhằm phát triển kinh tế vùng biển, nâng cao đời sống nhân dân để ngư dân yên tâm bám biển sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ quê hương, triển khai thành lập các tổ, đội dân quân tự vệ để giúp nhau trong khai thác hải sản, đánh bắt xa bờ, khi cần thiết thì động viên làm lực lượng giữ gìn an ninh trên biển.

Nhờ thực hiện tốt các giải pháp phát triển KT-XH gắn với tăng cường tiềm lực QP-AN, đến nay, huyện Quảng Ninh được xem là một trong những vựa lúa lớn của tỉnh, sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 50.000 tấn. Sản xuất lương thực, thực phẩm luôn ổn định và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như góp phần tăng khả năng tích lũy bảo đảm hậu cần tại chỗ cho nhiệm vụ QP-AN trong thời chiến.

Thực hiện Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, đến nay, toàn huyện có 549 tàu khai thác thủy hải sản, đây cũng chính là phương tiện vận tải quan trọng sẽ được trưng dụng phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vũ khí bằng đường thủy khi có chiến tranh xảy ra.

Để tập trung huy động các nguồn lực phát triển KT-XH miền núi, huyện đã ban hành một số chính sách cụ thể nhằm huy động cao nhất mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế-xã hội 2 xã miền núi Trường Xuân và Trường Sơn.

Đặc biệt, đề án giao đất giao rừng cho đồng bào 2 xã miền núi Trường Sơn và Trường Xuân đã mang lại hiệu quả thiết thực: KT-XH đã có nhiều khởi sắc, bà con dân tộc Vân Kiều thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất, tiêu dùng, ổn định đời sống, vươn lên xoá đói giảm nghèo, góp phần quan trọng ổn định an ninh biên giới.

Trong lĩnh vực công nghiệp, huyện đã xây dựng quy hoạch tổng thể, xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung, các làng nghề; đồng thời xây dựng phương án sẵn sàng chuyển một phần năng lực sản xuất theo yêu cầu quốc phòng khi cần thiết. Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, những công trình, dự án của huyện đều được đặt trong một quy hoạch tổng thể, có tính đến nhu cầu về an sinh xã hội và yêu cầu về QP-AN, với các công trình quan trọng, như: công trình hồ chứa nước Troóc Trâu, hồ chứa nước Rào Đá, kè chống xói lở Duy Ninh-Hàm Ninh, công trình đường Hà Thiệp-Bắc Ninh...

Lĩnh vực bưu chính, viễn thông được quan tâm đầu tư đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh và bảo đảm hoạt động cho công tác quốc phòng. Mạng lưới y tế cơ bản đáp ứng được nhu cầu  khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đến nay 15/15 xã, thị trấn đều có trạm xá. Mô hình bệnh viện, trạm y tế quân, dân y kết hợp phát huy có hiệu quả, sẵn sàng chuyển thành các bệnh viện, trạm phẫu thuật và cứu thương khi có chiến tranh.

Lĩnh vực giao thông vận tải, huyện đã huy động mọi nguồn lực để phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, khuyến khích phát triển các phương tiện vận tải phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH thời bình và cơ động lực lượng, phương tiện kỹ thuật khi có chiến tranh xảy ra. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN. Đến nay, toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 50% số xã trong toàn huyện.

Cùng với phát triển kinh tế, huyện đã khảo sát, lập, phê duyệt triển khai quy hoạch xây dựng khu căn cứ hậu phương (rộng 40 ha) thuộc địa bàn xã Trường Xuân và khu căn cứ chiến đấu (rộng 26 ha) thuộc địa bàn xã Vĩnh Ninh nhằm bảo đảm xây dựng các hạng mục, như: cơ sở chỉ huy của cấp uỷ, chính quyền, lực lượng vũ trang; cơ sở hậu cần, kỹ thuật; khu vực tăng gia, sản xuất; đồng thời xác định các khu vực cho nhân dân sơ tán và sản xuất khi có chiến tranh xảy ra.

Các lực lượng chức năng huyện Quảng Ninh phối hợp tăng cường tuần tra kiểm soát giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Các lực lượng chức năng huyện Quảng Ninh phối hợp tăng cường tuần tra kiểm soát giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc gắn phát triển KT-XH với củng cố QP-AN, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên địa bàn, Đảng bộ huyện Quảng Ninh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến thực hiện kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường củng cố QP-AN trong tình hình mới, nhằm cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng về mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng và an ninh phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Huyện chú trọng xây dựng chiến lược cụ thể kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường củng cố QP-AN; đồng thời coi trọng tính “lưỡng dụng” của các công trình, dự án khi đầu tư xây dựng trong mối liên hệ tổng thể giữa kinh tế với xã hội, giữa KT-XH với QP-AN cả trước mắt cũng như lâu dài, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới và vùng biển của Tổ quốc.

Bên cạnh tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân ở những địa bàn trọng yếu về QP-AN, địa bàn biên giới, huyện tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện về phát triển KT-XH các xã miền núi, biên giới; đẩy nhanh đề án giao đất giao rừng; làm tốt công tác dân vận, vận động nhân dân đẩy nhanh Chương trình xây dựng nông thôn mới, ổn định dân cư tại các thôn, bản biên giới, hình thành vành đai dân cư góp phần tạo sự ổn định về an ninh chính trị, xây dựng thế trận lòng dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với những kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân toàn huyện tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng huyện Quảng Ninh ngày càng phát triển nhanh về kinh tế và vững về QP-AN, góp phần cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Phan Mạnh Hùng
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh



 

,