.

Ngành Tư pháp: Một năm nhiều nỗ lực

.
09:03, Thứ Ba, 23/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - “Năm 2017, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng ngành Tư pháp đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao và đạt được kết quả trên nhiều lĩnh vực. Những kết quả đạt được của ngành Tư pháp đã góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, tạo môi trường pháp lý an toàn, lành mạnh...”,  bà Nguyễn Thị Lài, Giám đốc Sở Tư pháp nhận định.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp tỉnh trong thời gian qua là tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).

Năm qua, Sở Tư pháp đã thẩm định 67 văn bản QPPL của UBND tỉnh và HĐND tỉnh; tự kiểm tra  55 văn bản (tăng 53% so với cùng kỳ năm 2016); kiểm tra theo thẩm quyền 81 văn bản QPPL do HĐND và UBND cấp huyện ban hành; thực hiện rà soát 381 văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành.

Qua rà soát, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản bãi bỏ 4 văn bản QPPL và văn bản cá biệt có chứa QPPL, đồng thời đang xem xét bãi bỏ 34 chỉ thị và 15 quyết định do UBND tỉnh ban hành làm cơ sở cho việc công bố văn bản hết hiệu lực thi hành...

Bà Trần Thị Ngọc Hồng, Trưởng phòng phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) cho biết, năm 2017, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục được đẩy mạnh. Cơ quan Tư pháp các cấp đã làm tốt vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL, Ban chỉ đạo các chương trình, đề án về công tác PBGDPL; tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật mới ban hành, các văn bản liên quan về phòng, chống tham nhũng, an toàn giao thông, dân chủ ở cơ sở, bồi thường hỗ trợ tái định cư,  tiếp cận thông tin, chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở...

Công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức tư pháp luôn được ngành Tư pháp chú trọng.
Công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức tư pháp luôn được ngành Tư pháp chú trọng.

Bên cạnh đó, ngành tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh việc PBGDPL đến mọi đối tượng với các hình thức tuyên truyền, phổ biến ngày càng đa dạng, phong phú, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; hướng về cơ sở, quan tâm các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, có các dự án đầu tư xây dựng, bị ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm môi trường biển...

Ngoài việc chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trên, ngành Tư pháp đã quan tâm theo dõi thi hành pháp luật; xử lý vi phạm hành chính; quản lý Nhà nước về luật sư, giám định, giao dịch bảo đảm; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Công tác cải cách hành chính nhất là kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục được chú trọng với nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực; thực hiện rút ngắn 10% thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính; tiên phong trong việc thực hiện nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính, tổ chức đối thoại với người dân và doanh nghiệp; duy trì, cải tiến quy trình ISO...

Đánh giá về công tác Tư pháp tại địa phương trong thời gian qua, ông Bùi Văn Quyền, Trưởng phòng Tư pháp huyện Lệ Thủy cho biết, năm qua, huyện Lệ Thủy đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Sở Tư pháp để triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành hành thường xuyên, kịp thời; công tác kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính được thực hiện nghiêm minh; công tác trợ giúp pháp lý có nhiều chuyển biến tích cực; công tác hộ tịch, chứng thực được thực hiện theo đúng quy định, đáp ứng nhu cầu nhân dân... Những kết quả đó đã góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn huyện.

Bà Nguyễn Thị Lài cũng chia sẻ, ngoài nhiệm vụ thường xuyên theo quy định, ngành Tư pháp còn được giao thêm nhiều nhiệm vụ bổ sung hoặc đột xuất, như: tham gia đoàn thanh tra liên ngành do tỉnh thành lập, qua đó, tham mưu tư vấn về mặt pháp luật cho tỉnh trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, các hoạt động tư vấn pháp luật, đầu tư..., làm đầu mối và chủ trì thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu trong bộ chỉ số xây dựng nông thôn mới, PAPI, PCI, PAR INDEX của tỉnh...

Nhưng, nguồn lực của ngành chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, việc thực hiện chương trình, đề án trong lĩnh vực luật sư, công chứng, giám định, trợ giúp pháp lý còn nhiều khó khăn; một số chỉ tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, phát triển tổ chức hành nghề công chứng khó đạt được; tình trạng trông chờ, ỷ lại việc triển khai tuyên truyền, PBGDPL từ phía cơ quan Nhà nước vẫn còn.

Mức độ tuân thủ pháp luật ở một số lĩnh vực, một số nhóm đối tượng chưa cao; tình hình vi phạm pháp luật, nhất là hành vi vi phạm hành chính còn nhiều; cơ sở, vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc phục vụ cho công tác của đội ngũ cán bộ Tư pháp còn ít chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực hoạt động của ngành còn hạn chế, chưa kết nối các dữ liệu, nhất là trong lĩnh vực đăng ký quản lý dữ liệu hợp đồng giao dịch đã được công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất...

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Lài, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, ngành Tư pháp tỉnh sẽ tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, của ngành; tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực công tác, chú trọng nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ mới.

Trong đó, ngành tiếp tục làm tốt vai trò cơ quan Thường trực Hội đồng và các Ban chỉ đạo về PBGDPL; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản QPPL; tập trung triển khai các luật, văn bản chuyên ngành, trong đó chú trọng thực hiện  Luật Trợ giúp pháp lý(có hiệu lực từ 1-1-2018), Luật Đấu giá tài sản, Luật Hộ tịch, Luật PBGDPL...; thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký hộ tịch, về cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Bên cạnh đó, ngành Tư pháp tăng cường quản lý Nhà nước về giám định tư, công chứng, luật sư; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch của ngành; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cho công chức, viên chức tư pháp...

Ngọc Hải

 

,