.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV:

Tích cực đóng góp ý kiến vào các nội dung kỳ họp

Thứ Sáu, 03/11/2017, 08:40 [GMT+7]

(QBBĐT) - Chính thức khai mạc vào ngày 23-10-2017, tính đến nay, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành 1/3 nội dung chương trình đề ra. Thời gian qua, Quốc hội đã xem xét, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng.

Trong đó, về công tác nhân sự, Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa, chức danh Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu; đồng thời, đã bầu ông Nguyễn Văn Thể đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Lê Minh Khái đảm nhận chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ. Đối với công tác xây dựng luật, Quốc hội đã tiến hành thảo luận đối với một số nội dung còn ý kiến khác nhau của một số dự án luật dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp.

Hiện tại, Quốc hội đã và đang tiến hành xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2017; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Thời gian tiếp theo cho đến kết thúc kỳ họp vào ngày 24-11-2017, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016”; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Đồng thời với những hoạt động trên, Quốc hội tiếp tục thảo luận và biểu quyết thông qua 6 dự án luật, cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác; xem xét, thảo luận, quyết định nhiều nội dung quan trọng, như: vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông; việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới; ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Tham gia kỳ họp một cách đầy đủ và tích cực, trong các ngày vừa qua, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã đóng góp nhiều ý kiến đối với các nội dung được đưa ra thảo luận tại các phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

Mở đầu cho hoạt động thảo luận tại Hội trường, Quốc hội đã dành 1 buổi để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có bài phát biểu cho rằng, rừng là nguồn tài nguyên quý giá của đất nước ta; tuy vậy, “thật xót xa” khi tình trạng rừng tự nhiên ngày càng bị tàn phá, bị cháy, bị khai thác trái pháp luật đang diễn ra ở nhiều địa phương, dẫn đến hậu quả thiên tai nặng nề, nghiêm trọng; lũ lụt làm sạt lỡ đất đá, gây thảm họa thương tâm cả về tính mạng con người và kinh tế - xã hội.

Theo đại biểu, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống pháp luật về tài nguyên rừng của chúng ta còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có những chế tài đủ mạnh, trong đó có Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Để tiếp tục hoàn thiện và thông qua Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), đại biểu đã góp ý đề nghị nên đổi tên luật này thành Luật Lâm nghiệp, để vừa bao hàm được đối tượng điều chỉnh của Luật là “rừng và nghề rừng” và phù hợp thông lệ quốc tế, vừa bảo đảm tính đầy đủ vì ngoài bảo vệ và phát triển còn phải bổ sung các nội dung: “trồng, chuyển giao, cho thuê, khai thác chế biến, chuyển đổi mục đích sử dụng, hưởng thụ rừng”; mặt khác nếu gọi: "Luật Bảo vệ và Phát triển rừng" là điều chỉnh hành vi, còn không nói đến hưởng dụng rừng, làm giảm lợi ích của người dân, đó là một trong những nguyên nhân chính làm mất rừng... 

Về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, đại biểu đề nghị bổ sung "trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ và phát triển rừng"; "dịch vụ môi trường rừng"; vì “trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ và phát triển rừng” được xem như là một chủ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật; “Dịch vụ môi trường rừng” là một đối tượng riêng được điều chỉnh trong chuỗi giá trị lâm nghiệp. Đối với cụm từ “rừng tín ngưỡng” tại Khoản 8 Điều 2, đại biểu đề nghị nên đổi thành “Rừng thiêng”, vì “Rừng thiêng” là rừng mà niềm tin của người dân cho rằng rừng có một đấng siêu nhiên, vô hình nào đó cai quản, bảo vệ; nếu ai chặt phá, gây ô nhiễm hay làm thay đổi, biến dạng rừng sẽ bị trừng phạt, vì thế người dân có ý thức tự giác bảo vệ.

Đại biểu còn cho rằng, việc giải thích: “Rừng tín ngưỡng là rừng gắn với niềm tin, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng” là không đúng vì có những nơi người dân không sống dựa vào rừng nhưng họ cũng gắn niềm tin thiêng liêng vào rừng.

Về nguyên tắc, căn cứ giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, đại biểu đề nghị bổ sung vào Khoản 6 Điều 19 về trách nhiệm giải trình và tham vấn lấy ý kiến đồng thuận cộng đồng dân cư đối với các dự án liên quan đến rừng, như: giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng, vì trong thực tế, nhiều dự án đầu tư nhưng không lấy ý kiến người dân đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh kế của người dân và làm mất nhiều cánh rừng tự nhiên với diện tích lớn.

Đại biểu cũng đề nghị, tại Điều 21 về giao rừng cần bổ sung thêm Khoản 4: Nhà nước giao rừng sản xuất tự nhiên cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng cư trên địa bàn cấp xã để thực hiện đầu tư trồng rừng, bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng; tuy nhiên, nếu bổ sung thêm khoản này thì cần xem xét, cân nhắc để sửa đổi lại Khoản 1 Điều 135 Luật Đất đai.

Đối với tổ chức chuyên trách Bảo vệ rừng tại Điều 46, đại biểu đề nghị bổ sung thêm “Ban quản lý rừng bảo tồn cộng đồng” vào sau Ban quản lý rừng phòng hộ để phù hợp với những kiến nghị bổ sung tại Điều 5 (phân loại rừng), Khoản 1 Điều 32 (Tổ chức quản lý rừng đặc dụng). Về ổn định đời sống dân cư sống trong rừng đặc dụng và vùng đệm của rừng đặc dụng được quy định tại Điều 59, đại biểu đề nghị bỏ Khoản 2 vì mâu thẫn với quy định tại Khoản 8 Điều 19; đồng thời sửa Khoản 3 thành: “Ban quản lý rừng đặc dụng khoán bảo vệ rừng với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ để bảo vệ, phát triển rừng; có phương án quy hoạch khu vực kết hợp canh tác dưới tán rừng, khai thác lâm sản phụ cho người dân tại chỗ để ổn định cuộc sống”; theo đại biểu, không nên quy định việc di dân tại chỗ ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng vì người dân tại chỗ là nhân tố trung tâm và là một bộ phận không thể tách rời của hệ sinh thái rừng; mặt khác, thực tiễn cho thấy, rừng của các chủ rừng có được bảo vệ hiệu quả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người dân tại chỗ; mặt khác, sinh kế cuộc sống và văn hóa truyền thống của họ đã gắn bó mật thiết lâu đời với những khu rừng này.

Về tổ chức Kiểm lâm được quy định tại Điều 111, đại biểu đề nghị bỏ phần quy định Kiểm lâm được thành lập trong vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh, rừng phòng hộ đầu nguồn... vì những nơi này đã có chủ rừng (theo quy định tại Điều 8) và đã có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng (Theo quy định tại Điều 46); tránh tình trạng thêm biên chế và chồng chéo trong quản lý, khó quy trách nhiệm khi có tình trạng phá rừng xảy ra.

Tiếp đó, trong phiên thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phát biểu bày tỏ sự trăn trở khi cho rằng, cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước là một việc làm rất cần thiết và hết sức cấp bách; tuy nhiên, thực tế công cuộc cải cách thời gian qua đã không mang lại kết quả như mong đợi, trái lại: “Biên chế không giảm mà phình ra, số lượng cục, vụ, viện tăng, nhiều bộ số lượng thứ trưởng vượt quá quy định, làm tăng gánh nặng quỹ lương, gây lãng phí, ảnh hưởng đến đề án tiền lương của Chính phủ”.

Sau khi phân tích bổ sung đối với nhóm các nguyên nhân mà Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra, đại biểu kiến nghị việc cải cách hành chính, tinh giản biên chế cần phải có lộ trình; phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, có thí điểm, để làm tăng niềm tin trong nhân dân và ổn định được chính trị. Trước mắt, từng cơ quan đơn vị phải tự sắp xếp, điều chỉnh, tinh giảm. Những vấn đề liên quan đến quy định của Luật thì từng bước xem xét, thực hiện đúng lộ trình. Đặc biệt, có giải pháp điều chỉnh hợp lý số cán bộ thừa, đã có hợp đồng dài hạn thì không sa thải và nghiên cứu để có thể áp dụng nhiều giải pháp tinh giảm biên chế bảo đảm phù hợp với thực tế.

Thực tế hiện nay là, một số cơ quan, đơn vị người đứng đầu không có thẩm quyền tuyển dụng công chức, viên chức, nhưng khi xảy ra vi phạm trong công tác tuyển dụng thì quy trách nhiệm cho người đứng đầu là không phù hợp. Mặt khác, hiện tại, vẫn còn tình trạng trong một cơ quan, đơn vị nhưng áp dụng quá nhiều chế độ khác nhau, vừa hợp đồng trong biên chế, vừa hợp đồng ngoài biên chế; hay có biên chế nhưng không thi tuyển mà ký hợp đồng 36 tháng để rồi sau đó tổ chức xét tuyển, hậu quả là không chọn được người tài mà chỉ chọn được “người nhà”. Đây là những vấn đề bức xúc, theo đại biểu cần phải được tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh hệ thống văn bản thống nhất, quy định chặt chẽ, đầy đủ và có chế tài xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác cán bộ.

Ngoài các nội dung trên, trong thời gian qua, các đại biểu Quốc hội tỉnh còn tham gia nhiều ý kiến góp ý trong các phiên thảo luận tại tổ; bên lề các phiên họp còn tích cực tham gia trả lời phóng vấn báo chí và Đài truyền hình Việt Nam đối với một số vấn đề liên quan. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương còn tham gia thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, đại biểu Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có bài phát biểu tham luận đề cập đến một số bất cập trong công tác quả lý Nhà nước về thuế, kiến nghị một số giải pháp nhằm hạn chế thất thu, tăng cường nuôi dưỡng nguồn thu và kiến nghị một số nội dung liên quan đến phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có việc xây dựng tuyến cáp treo tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Bài phát biểu của đại biểu Trần Công Thuật đã được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp; Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình phát lại. Tuy vậy, để bạn đọc quan tâm được nắm rõ hơn về nội dung, trong số ra gần nhất Báo Quảng Bình sẽ đăng tải nguyên văn bài phát biểu này.

Hồng Nhung-Ất Mão (thực hiện)

 (Còn nữa)