.

Dùng tin tích cực trên báo chí để đẩy lùi tiêu cực trên mạng xã hội

Thứ Bảy, 18/11/2017, 09:55 [GMT+7]

Sáng 17-11, đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình và giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội, định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.

>> Kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô

Hạn chế thông tin xấu, độc

Đánh giá Bộ đã có nhiều giải pháp để kiểm soát lượng thông tin xấu, độc hại trên internet và mạng xã hội, tuy nhiên lượng tin giả, tin xuyên tạc, thông tin chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạo vẫn còn nhiều, gây bất an dư luận và ảnh hưởng không tốt đến Đảng, Nhà nước, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) chất vấn Bộ trưởng về giải pháp đột phá để tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chặt chẽ thông tin trên mạng xã hội.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

(Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Việt Nam là quốc gia đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin ở khu vực. 15 năm trước đây, không ai nghĩ mạng xã hội và Internet phát triển ở Việt Nam như ngày hôm nay. Giới trẻ Việt Nam cũng ứng dụng rất nhanh công nghệ thông tin và sử dụng công nghệ thông tin rất giỏi.

Internet, mạng xã hội ra đời đã mang lại nhiều tiện ích cho con người, làm cho con người xích lại gần nhau, giao lưu với nhau và mọi người cảm thấy gần gũi. Kho kiến thức đồ sộ, khổng lồ của mạng xã hội giúp mọi người có thể truy cập, tìm kiếm kiến thức mọi nơi, mọi lúc.

“Vai trò của mạng xã hội và internet là không thể phủ nhận và không ai có thể đi ngược xu hướng tiếp cận sự phát triển của mạng xã hội và internet,” Bộ trưởng khẳng định.

Bên cạnh những tiện ích rất lớn đó, Bộ trưởng cho rằng những tác hại do mạng xã hội đem lại không phải là nhỏ. Đó là những thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo ngày càng phát triển nhiều hơn. Song “đừng có coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu, mà phải coi ý thức của người dùng mạng xã hội như thế nào là một vấn đề,” Bộ trưởng nhận định.

Theo Bộ trưởng, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 53 triệu người sử dụng Facebook, gần 70% dân số sử dụng Internet. “Khi sử dụng Facebook, hầu hết vẫn là người tốt, người ta vẫn rất ​'người​' với nhau trên mạng xã hội nhưng chỉ có một bộ phận nhỏ, cho dù có 1-2 triệu người cũng vẫn là nhỏ so với 53 triệu người, nhưng cái năng lượng đen, năng lượng xấu của số người sử dụng đó ảnh hưởng rất lớn đến môi trường mạng xã hội,” Bộ trưởng cho hay.

Người đứng đầu ngành thông tin-truyền thông đưa ra một thực trạng là xúc phạm nhau trên mạng xã hội vì bất kỳ lý do gì đang là vấn đề nhức nhối, thậm chí có những người tự tử vì bị bôi xấu trên mạng xã hội. “Ném đá tập thể” trên mạng xã hội, tung ra những lời lẽ chửi bới, lăng mạ nhau trên mạng xã hội một cách bất chấp, không đặt mình vào vị trí của nạn nhân, dẫn đến tình trạng “năng lượng xấu” bắt đầu lấn lướt trên mạng xã hội. Trong khi đó, nói tốt trên mạng xã hội thì ít người quan tâm.

Nói về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ đã làm việc với nhiều cơ quan liên quan phối hợp xử lý để tăng cường “năng lượng tốt,” giảm bớt và đi đến hạn chế tối đa “năng lượng xấu” trên mạng xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tuyên truyền làm rõ tiện ích, vai trò to lớn của mạng xã hội, đồng thời cũng làm rõ hạn chế của mạng xã hội.

Hiện Việt Nam có hơn 300 mạng xã hội trong nước, nhưng người dùng mạng xã hội trong nước rất ít, chủ yếu là sử dụng mạng xã hội nước ngoài, trong đó đa số là Facebook và Google. Đây là hai mạng xã hội hiện đại, có nhiều tiện ích và giao lưu rất rộng lớn. Bộ đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài, đề nghị khi đã hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tác động để gỡ bỏ gần 5.000 clip xâm hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân; xâm hại đến quyền của cá nhân trên YouTube.

Bên cạnh đó, Bộ tăng cường hoạt động của các mạng xã hội trong nước, tiếp tục chỉ đạo phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương đẩy mạnh thông tin trên báo chí. “Dùng thông tin tích cực trên báo chí để đẩy lùi thông tin tiêu cực trên mạng xã hội,” Bộ trưởng nêu rõ.

Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, báo chí hiện nay đang ở tình trạng bị mạng xã hội dẫn dắt, phải làm thế nào để chính báo chí là hạt nhân dẫn dắt, định hướng thông tin đúng trên mạng xã hội.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) về tiêu chí phân loại thông tin độc hại, Bộ trưởng nêu ra một loạt các loại thông tin như thông tin gây phương hại đến an ninh quốc gia; thông tin có tính kích động chiến tranh, đòi lật đổ chế độ, thay đổi thể chế; xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân (xâm hại đời tư, khai thác quá nhiều về đời tư, không được phép của tổ chức và cá nhân); gây phương hại cho sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và tinh thần của con người (như đối với trẻ em, phụ nữ); những thông tin xuyên tạc gây ảnh hưởng đến cả thể chất và tâm lý của con người...

Sai phạm không thể làm biến dạng dòng chảy chính của nền báo chí cách mạng Việt Nam

Nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; giải pháp xử lý một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động báo chí như thông tin giật gân, câu khách, sai sự thật, tình trạng một số phóng viên hù dọa doanh nghiệp.

Đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An) đánh giá, báo chí có sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ và có vai trò to lớn trong việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội. Thời gian qua, báo chí nước ta đã phát huy được thế mạnh của mình là thông tin nhanh nhạy, kịp thời, phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, tích cực, đấu tranh chống lại cái xấu, biểu hiện tiêu cực trong xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Toàn cảnh phiên chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Toàn cảnh phiên chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà báo chí nước ta thời gian qua tồn tại một số hạn chế, nhược điểm. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tình trạng vi phạm chủ yếu liên quan đến việc thông tin sai sự thật, chưa chính xác, làm uy tín của nghề báo nói chung bị giảm. “Trên phương diện quản lý Nhà nước về báo chí truyền thông, Bộ trưởng và ngành sẽ có những giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên”, đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị Bộ trưởng đưa ra biện pháp để ngăn ngừa, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí như rút tít giật gân câu khách, bình luận một chiều… làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân, gây mất ổn định ở một số địa phương đảm bảo sự lành mạnh của hoạt động này.

Cũng quan tâm đến vấn đề quản lý Nhà nước về báo chí, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) nêu tình trạng thời gian qua có một số phóng viên vi phạm pháp luật, hù dọa doanh nghiệp, tống tiền người dân gây bức xúc trong xã hội. Đại biểu đề nghị có giải pháp chấn chỉnh tình trạng này.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định vai trò của báo chí từ trước đến nay rất rõ ràng. Nếu không có báo chí thì mọi mặt của đời sống xã hội không được phản ánh đầy đủ. Từ khi Đảng thành lập đến nay, báo chí luôn luôn đồng hành và phản ánh mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, nhân dân. Báo chí luôn tiên phong, góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. “Những sai phạm của báo chí là rất lớn, tuy nhiên sai phạm đó cũng không thể làm biến dạng dòng chảy chính của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ việc đăng tải thông tin xuyên tạc, gây hoang mang cho nhân dân là hành vi bị cấm. Với trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt quy định liên quan đến nội dung thông tin trên báo chí và hoạt động báo chí. Trong năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với gần 150 cơ quan báo chí, nhiều nhất từ trước đến nay; trong đó vi phạm về đăng tải thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ rất lớn. Có thời điểm chỉ trong một tháng, hơn 70 cơ quan báo chí bị xử lý vì thông tin sai sự thật, riêng vụ nước mắm có 50 cơ quan báo chí bị xử lý.

“Việc xử lý sai phạm khi báo chí đưa tin, cố ý hoặc vô tình xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân đều được xử lý nghiêm. Trong các cuộc giao ban với lãnh đạo cơ quan báo chí hàng tuần, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cũng thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các cơ quan báo chí thực hiện đúng quy định pháp luật về nội dung thông tin, bảo đảm thông tin khách quan, chính xác và kịp thời,” Bộ trưởng chỉ rõ.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, thời gian tới, với chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực báo chí, Bộ sẽ rà soát lại tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí, rà soát lại việc cấp thẻ nhà báo cho phóng viên, khi không đủ yêu cầu thì phối hợp với cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí để rút thẻ nhà báo đối với những trường hợp vi phạm kỷ luật. Bộ cũng kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định liên quan đến việc cấp các loại giấy tờ và các loại thẻ “nhầm lẫn” với thẻ nhà báo.

Trả lời đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) về việc xử lý phóng viên thường trú vi phạm pháp luật, hù dọa doanh nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, theo quy định của Luật Báo chí hiện hành, việc thành lập các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú được phân cấp cho địa phương thực hiện.

Các cơ quan báo chí đều có quyền thành lập văn phòng đại diện ở các địa phương. Nhiều phóng viên thường trú đã làm cho tờ báo của mình có giá trị hơn bởi vì tin, bài sát hơn, đúng hơn cho bạn đọc ở địa phương. “Tôi không đồng tình phóng viên thường trú cứ phải khen địa phương. Khen đúng nhưng phải biết chê, chê cho thích đáng, góp phần giúp địa phương khắc phục yếu kém để vươn lên,” Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng thừa nhận, gần đây có tình trạng phóng viên thường trú vi phạm pháp luật, hù dọa doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiên quyết xử lý các trường hợp không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích như xử phạt vi phạm hành chính, đình bản hoạt động, xử lý phóng viên thường trú, nhưng tình trạng này gần đây hầu như không giảm.

Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là lựa chọn phóng viên thường trú ở một số cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử không đủ tiêu chuẩn, thậm chí sử dụng những phóng viên bị kỷ luật ở địa phương đưa sang làm phóng viên thường trú. “Có đồng chí lãnh đạo tỉnh nói với tôi, một phóng viên thường trú trong một tháng viết bảy bài, tìm mọi kẽ hở, mọi điểm xấu địa phương để nêu, không có bài báo nào nói tốt dù địa phương làm được rất nhiều việcm,” Bộ trưởng thông tin.

Ngoài ra, một số phóng viên thường trú cấu kết với cộng tác viên đi hù dọa doanh nghiệp, kêu gọi quảng cáo. Nhiều cơ quan báo chí khi tổ chức văn phòng thường trú không đảm bảo các điều kiện nhất định về cơ sở vật chất, tài chính mà khoán trắng cho anh em thường trú nên phóng viên phải kêu gọi quảng cáo để nộp về cho toà soạn. Đặc biệt, khi bị hù dọa, nhiều doanh nghiệp không dám đứng ra tố cáo bởi tâm lý “được vạ thì má sưng”.

Từ hạn chế này, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan liên quan lập năm đoàn kiểm tra tại miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Hiện nay, Bộ đang tổng hợp lại để xem xét, xử lý, đề ra giải pháp căn cơ, trong đó chính cơ quan báo chí phải cử đúng người, phóng viên đủ năng lực, trình độ; tổ chức văn phòng, cơ quan thường trú có đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đối với vấn đề thông tin kích động trên báo chí, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, cơ bản trên báo chí dòng chảy chính vẫn là dòng chảy tích cực. Một số địa phương, tình trạng đưa tin sai sự thật, một chiều, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan vào cuộc xử lý, khắc phục tình trạng này.

Bộ trưởng cũng mong địa phương cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí để khắc phục tình trạng đưa tin phiến diện; tránh tình trạng không có nguồn chính thức nên thông qua nhiều nguồn như bạn bè, người thân… dẫn đến thông tin không chính xác, thậm chí trái ngược nhau.

Theo Thanh Vân-Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)