.

Nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo trong tình hình mới

Thứ Bảy, 13/08/2016, 14:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng và chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận, các đoàn thể và các ngành liên quan, công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về công tác tôn giáo là công tác của cả hệ thống chính trị, trong những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh, các địa phương có đồng bào theo đạo trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên chú trọng tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và đồng bào có đạo; tích cực vận động đồng bào có đạo thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời đẹp đạo”, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư...

Trong việc thực hiện chính sách đối với đồng bào các tôn giáo, các cấp chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện để chức sắc, tín đồ tôn giáo được thực hiện quyền tự do  tín ngưỡng, tôn giáo; thực hiện các lễ nghi trong khuôn khổ của pháp luật; quan tâm thăm hỏi, động viên, chúc mừng các tổ chức tôn giáo nhân các dịp lễ trọng; kịp thời hỗ trợ các trường hợp chức sắc, tín đồ các tôn giáo ốm đau hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Các nhu cầu về đất đai, cơ sở thờ tự của các tổ chức tôn giáo được quan tâm, tạo điều kiện.

Ban Trị sự GHPG Việt Nam huyện Bố Trạch tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo lần thứ I.
Ban Trị sự GHPG Việt Nam huyện Bố Trạch tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo lần thứ I.

Từ năm 2015 đến nay, đã có 6 tổ chức tôn giáo được cấp mới và cấp thêm đất với diện tích 20.477,5m2; cấp phép cho 10 giáo xứ, giáo họ công giáo xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở thờ tự.

Đến nay, đã có 88/90 cơ sở thờ tự của đạo công giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhiều chùa chiền của phật giáo được tạo điều kiện cho xây dựng, trùng tu, hưng phục và đưa vào sử dụng (các chùa Đại Giác, Thanh Quang, Hoằng Phúc...). Các cấp chính quyền đã quan tâm, chấp thuận cho Giáo hội Phật giáo tổ chức nhiều lễ hội quan trọng mang tầm quốc gia và địa phương (lễ hội Di tích Quốc gia chùa Hoằng Phúc, lễ cung đón Phật Ngọc Hòa bình thế giới...) nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và tín đồ trên địa bàn tỉnh.

Tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, các quyền cơ bản của chức sắc, tín đồ được bảo đảm đã tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và giáo hội. Những vụ việc liên quan đến tôn giáo phát sinh trên địa bàn cơ bản được giải quyết tốt, tình hình an ninh chính trị trong những thời điểm nhạy cảm được giữ vững. Xu hướng đối thoại hợp tác giữa các tôn giáo với chính quyền ngày càng được củng cố, tăng cường.

Sinh hoạt tôn giáo cơ bản diễn ra thuần túy, tuân thủ pháp luật. Giáo hội các tôn giáo thường xuyên phối hợp hướng dẫn, vận động các chức sắc, tín đồ thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tôn giáo nói chung và công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo nói riêng trên địa bàn tỉnh cũng còn một số hạn chế như: việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp uỷ, chính quyền có lúc, có nơi buông lỏng quản lý, thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ dẫn đến phát sinh các vụ, việc tôn giáo phức tạp.

Tình trạng vi phạm trong xây dựng cơ sở thờ tự, lấn chiếm đất đai... liên quan đến tôn giáo còn xảy ra. Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở cơ sở còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo chưa có chiều sâu, chưa mang tính thuyết phục cao; chưa xây dựng được nhiều cơ sở, cốt cán trong quần chúng tín đồ; công tác phát triển đảng viên người có đạo còn chậm và gặp nhiều khó khăn...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tôn giáo trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục quan tâm việc tổ chức cho cán bộ, nhân dân nói chung, đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng học tập các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với các tôn giáo. Các ngành, các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng giáo, nhất là trong các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo.

Để thực hiện tốt việc tập trung nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công tác tôn giáo, các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần thực sự quan tâm, lãnh đạo việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với các tôn giáo một cách đồng bộ, có tính thống nhất cao; cần phân định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước của chính quyền và không ngừng phát huy vai trò vận động của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng trong việc động viên đồng bào có đạo tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp...

Hoàng Huế
(Ban Tôn giáo tỉnh)