.
Bài dự thi viết về chủ đề "Kỷ cương và trách nhiệm":

Khắc ghi bài học "lấy dân làm gốc"

Thứ Sáu, 19/08/2016, 09:47 [GMT+7]

(QBĐT) - "Khởi đầu là việc xác minh, tiếp cận đến vận động các đối tượng bị truy nã đang lẩn trốn, đặc biệt là các đối tượng di chuyển nhiều nơi, thậm chí ra ngoại tỉnh ra đầu thú là cả một quá trình dày công. Nhưng đổi lại, số đối tượng truy nã trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm đáng kể", trung tá Nguyễn Xuân Hưng, cán bộ Phòng PC52 Công an tỉnh vào chuyện.

Trung tá Nguyễn Xuân Hưng (thứ 3 từ trái qua) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc về thực hiện công tác dân vận trong lực lượng Công an nhân dân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2001-2016.
Trung tá Nguyễn Xuân Hưng (thứ 3 từ trái qua) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc về thực hiện công tác dân vận trong lực lượng Công an nhân dân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2001-2016.

Mỗi năm vài bận, người cán bộ được đánh giá là "dân vận khéo" ấy lại đồng hành cùng đồng đội rong ruổi ở khắp các nơi trong tỉnh, rồi ra các tỉnh thành trong cả nước, khi xuôi phía Bắc, lúc vào miền Nam, lên Tây Nguyên rồi ra đến đảo Phú Quốc, phối hợp Phòng PC52 Công an các tỉnh bạn lần theo hành trình trốn chạy của những kẻ bị truy nã. Sự kiên trì, khéo léo, cẩn trọng của anh đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực và niềm tin để anh cùng  đồng đội trong dặm trường truy bắt tội phạm.

“Từ năm 2004 đến 2016, tôi và đồng đội đã bắt và vận động đầu thú 86 đối tượng truy nã; trong đó có 65 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; xác lập 9 chuyên án truy xét truy nã, đã phá thành công 9 chuyên án; vận động thành công 37 đối tượng truy nã ra đầu thú", trung tá Nguyễn Xuân Hưng kể với giọng khiêm tốn, trên gương mặt sạm đen vì rám nắng toát lên vẻ tự tin...

Thành tích vẻn vẹn mấy dòng, nhưng có thể nói lên những vất vả, gian khó của lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh trong đó có trung tá Nguyễn Xuân Hưng.

Qua lời kể về quá trình bắt và vận động đối tượng truy nã ra đầu thú, tôi cảm nhận được rằng, hạnh phúc của Nguyễn Xuân Hưng và đồng đội anh thật giản đơn và bình dị. Đó là khi những con người trót lầm lỡ được thuyết phục, vận động đã nhận ra những sai phạm của bản thân, trở về đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật; hay khi một đối tượng truy nã bị bắt giữ, mang lại sự bình yên cho xã hội, cho nhân dân....

Anh kể cho chúng tôi về hành trình dài đầy gian nan, vất vả bắt giữ đối tượng Đinh Xuân Hà (sinh năm 1974, trú tại Trung Hóa, Minh Hóa) 18 năm lẩn trốn ngoài vòng pháp luật. Đối tượng Hà bị truy nã về tội cưỡng đoạt tài sản năm 1998. Sau khi gây án, Đinh Xuân Hà bỏ trốn vào các tỉnh Tây Nguyên. Năm 2002, Hà lẩn trốn về tỉnh Phú Yên sinh sống làm ăn, lấy vợ rồi có 2 con. Đến đầu năm 2009, sợ bị lộ Hà lại tiếp tục đưa vợ con vào làm thuê tại Bình Dương...

Sau nhiều năm anh Hưng cùng cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã dày công theo đuổi nhưng tung tích của đối tượng luôn là một ẩn số. Không một phút nản lòng, Nguyễn Xuân Hưng cùng đồng đội vẫn ấp ủ ý tưởng bắt giữ đối tượng này bằng mọi giá. Bản thân anh Hưng thường xuyên đến gặp gia đình, gặp những người lớn tuổi có uy tín trong dòng họ, bà con, anh em, bạn bè thân thích của đối tượng Hà để tác động tuyên truyền về sự khoan hồng của pháp luật và trách nhiệm của người vi phạm pháp luật.

Sau 7 năm Hà lẩn trốn tại Bình Dương, gia đình đã có liên lạc, tác động nhiều với đối tượng. Trung tá Nguyễn Xuân Hưng cũng viết thư kêu gọi đối tượng ra đầu thú. Những thông tin về Hà đã sáng tỏ khi đối tượng trực tiếp liên lạc xin gặp anh Hưng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, anh Hưng đã hướng dẫn cụ thể để đối tượng trở về quy án sau 18 năm lẩn trốn ngoài vòng pháp luật.

Nguyễn Xuân Hưng tâm sự: Mỗi chuyến công tác xa, anh cùng đồng đội đều vạch ra rất nhiều phương án, đề phòng nhiều tình huống. Khá nhiều trường hợp, anh em vào đến nơi thì đối tượng lại vừa di chuyển.

Mặt khác, đối tượng truy nã cũng có đủ mánh khóe khác nhau để đối phó với lực lượng Công an. Có kẻ sau khi lẩn trốn đã cắt bỏ toàn bộ liên lạc với những người thân trong gia đình; một số khác trốn lên vùng sâu, vùng xa; có một số đối tượng đã thay tên, đổi họ. Cá biệt, đối tượng là người công giáo như trường hợp Nguyễn Văn Phong (sinh năm 1977, trú tại Thanh Thạch, Tuyên Hóa) phạm tội hủy hoại rừng tháng 9-2011, bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắc Nông ra quyết định truy nã. Đối tượng Phong đã lẩn trốn ở nhiều địa điểm, di chuyển liên tục nay đây mai đó nhằm gây khó khăn cho việc truy bắt của cơ quan Công an.

Trung tá  Nguyễn Xuân Hưng nhiều lần trực tiếp gặp gia đình, người thân của Phong để động viên thuyết phục kêu gọi đối tượng ra đầu thú. Tại đây, gia đình và người thân của Phong không hợp tác. Dù vậy với  trách nhiệm, bằng tình cảm của người công an nhân dân, Nguyễn Xuân Hưng kiên trì nắm tình hình để tiếp cận người có uy tín trong dòng họ và trong họ giáo, thuyết phục sao cho thấu tình đạt lý. Cuối cùng gia đình và người đứng đầu trong họ giáo đã phối hợp đưa đối tượng Nguyễn Văn Phong đã ra đầu thú trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và người dân.

"Quá trình truy bắt đối tượng truy nã, xác định được đối tượng đã khó, buộc họ quy án còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Trong hành trình dặm trường lần theo dấu vết của kẻ bị truy nã, cũng không ít lần tôi cùng anh em Phòng PC52 Công an tỉnh phải đối mặt với hiểm nguy. Nhưng mỗi lần như thế chúng tôi luôn khắc ghi bài học Bác Hồ dạy "lấy dân làm gốc" để tiếp tục có mối quan hệ tiếp xúc gần gũi với nhân dân, hiểu dân, dựa vào dân,  từ đó được người dân cảm thông, sẻ chia gian khó, tất yếu sẽ mang lại kết quả như mong đợi"- Trung tá Nguyễn Xuân Hưng chia sẻ.

Với những thành tích đã đạt được, trung tá Nguyễn Xuân Hưng vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Nhưng phần thưởng lớn nhất đối với người lính truy nã này có lẽ chính là sự tin yêu, ủng hộ và cung cấp thông tin của nhân dân, giúp anh cùng đồng đội phá án thành công.

Hương Trà