.

Tìm hiểu nội dung các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng (tiếp theo)

Thứ Sáu, 15/07/2016, 10:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Hỏi: Những kết quả đạt được trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong 5 năm 2011-2015?

- Trả lời:

- Nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên, khai thác, quản lý và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được nâng lên.

- Các hoạt động trong lĩnh vực này đã thu được một số kết quả bước đầu quan trọng.

- Nhà nước và các cơ quan quản lý đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách quản lý và tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực này.

- Đã thành lập được các cơ quan nghiên cứu và dự báo, quản lý rủi ro.

- Hợp tác quốc tế về quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai được đẩy mạnh; đã tham gia nhiều tổ chức của thế giới về lĩnh vực này.

- Hỏi: Những hạn chế trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong 5 năm 2011-2015?

- Trả lời:

- Tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững, một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới bị suy thoái, cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, có nơi nghiêm trọng; việc khắc phục hậu quả về môi trường do chiến tranh để lại còn chậm.

- Đa dạng sinh học suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái đang diễn ra trên diện rộng.

- Chất lượng công tác dự báo và quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

- Việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng; thiên tai ngày càng bất thường, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

- Hỏi: Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong 5 năm 2016-2020?

- Trả lời:

- Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững.

- Đánh giá đầy đủ, hạch toán tài nguyên trong nền kinh tế; quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

- Chú trọng sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, vật liệu mới. Ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do chủ quan con người gây ra.

- Bảo vệ môi trường tự nhiên vừa là nội dung vừa là mục tiêu phát triển bền vững.

- Hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại, làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản.

- Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên.

- Tăng cường phổ biến pháp luật và tuyên truyền trong xã hội về bảo vệ môi trường, tài nguyên và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Tích cực hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Đến năm 2020, có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Theo Tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương

(Còn nữa)